Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Trở lại thăm chiến trường xưa, nhớ một thời đạn bom và khói lửa ! (Phần 2)

Đi Tây Nguyên về thời gian cũng lâu lâu rồi, nhưng vì bận nhiều công việc, cộng với thời tiết nóng bức nên cũng lười ngồi viết. Hôm nay cái nắng, cái nóng, cái gió cũng đã giảm bớt, lão viết tiếp chuyến đi thăm chiến trường xưa của  mình. Gọi là đi thăm chiến trường xưa và tri ân đồng đội, chứ không phải đi chơi, đi du lịch như một số anh bạn tôi nhầm tưởng. Đoàn chúng tôi đi lần này gồm có 10 người, cựu chiến binh 8 người và 2 người thân của liệt sĩ vào thăm người nhà tại nghĩa trang xã Đại Lãnh. Với chuyến xe 12 chỗ ngồi, từ Hà Nội vào đến Quảng Nam với chiều dài cả đi và về khoảng 1500 km chứ mấy. Ấy thế mà công tơ mét chỉ đến con số 3000 km. Bởi vì chúng tôi xác định đi thăm những địa điểm trước đây đơn vị đã từng hoạt động và chiến đấu, đồng thời thắp hương cho các đồng đội tại 27 nghĩa trang tại các tỉnh: Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam.
Sáng ngày 27 tháng 4, xe chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, theo đường Trường Sơn năm xưa, nay là Đường Hồ Chí Minh thời CNH-HĐH.
(Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Hòa Bình)
(Đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Nghệ An)

Đến 20 giờ cùng ngày chúng tôi đã có mặt tại thành phố Đông Hà, thủ phủ của tỉnh Quảng Trị

Chuyến đi quá vất vả nhưng anh em chúng tôi rất vui vì đã đến được những nơi mà trước đây đơn vị đã từng chiến đấu và thắp hương tưởng nhớ tới những anh em đồng đội của mình nằm lại trên mảnh đất này:

- Thăm căn cứ Đầu Mầu:


- Viếng nghĩa trang Thị trấn Khe Sanh:


- Thăm nhà tù Lao Bảo:

- Thăm căn cứ Làng Vây:

- Thăm sân bay Tà Cơn:





- Thăm cứ điểm 241:


- Viếng nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Nghĩa:

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

TÔI ĐI TÂY !



Đang chưa hết cái sự sung sướng sau vụ đi thăm chiến trường xưa, tri ân đồng đội 9 ngày tại Quảng Trị - Trị Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, thì ngày 5 tháng 5 về đến nhà nhận được cú điện thoại của anh Dương trong ban liên lạc Hội những cựu học viên học tại Học viện Quân sự Frunde thuộc Liên Xô cũ: Chú mày chuẩn bị đi Tây nhé !
Giật cả mình, tôi hỏi lại lão ấy: Đi nước nào đấy hả anh ? Lão ấy trả lời ngắn gọn: Cứ đi đi rồi sẽ biết ! Hóa ra là người ta thì đi Nga, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Bịch Nha gì đó ... còn anh em chúng tôi cũng đi Tây, nhưng mà là đi Tây Nguyên, gồm các tỉnh : Kon Tum, Gia Rai và Đắk Lắk !
Chẳng là các anh trong Ban Liên lạc có nhận được lời mời của anh Ba Hòa - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các anh trong Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk cho cuộc gặp mặt nhân ngày Chiến thắng Phát xít Đức của Hồng quân Liên  Xô (Ngày 9/5/1945) của anh em chúng tôi, những người đã sống và học tập bên đất nước Lê Nin vĩ đại. Thế là tôi quên hết mệt nhọc, chuẩn bị đi Tây Nguyên một chuyến xem ra sao !!!. 
 Kế hoạch đi Tây của tôi được vạch ra một cách rất nhanh chóng: Sáng 10 tháng 5 bay từ Hà Nội vào TP Buôn Mê Thuột; Ngày 11 ăn chơi nhảy múa, sáng 12 gặp mặt; chiều 12/5 ăn chơi tự do; ngày 13/5 tùy nghi di tản bay về quê. Sáng 14/5 Lão Phó Cối tôi đã có mặt tại Đại bản doanh rồi. Đúng là trong thời đại khoa học công nghệ phát triển và thời đại công nghiệp này người ta như thể con chim, hôm nay ở đây nhưng ngày mai đã ở chỗ khác xa đến hàng ngàn ki lô mét.
Đúng 08 giờ 30 phút ngày 10/5 chiếc Abus 320 của hãng hàng không Việt Nam đưa chúng tôi nhằm hướng nam thẳng tiến. Đúng 10 giờ chúng tôi đã có mặt tại sân bay Buôn Ma Thuột. Ra sân bay đón đoàn có đầy đủ các thành phần trong ban tổ chức.
(Tượng đài chiến thắng giữa TP Ban Mê Thuột)

 Trời Tây Nguyên vào mùa mưa, về đêm thật dễ chịu. Nếu như ở ngoài Hà Nội trời nóng bao nhiêu thì vào thành phố Buôn Ma Thuột thủ phủ của Đắk Lắk thời tiết mát mẻ dễ chịu bấy nhiêu. Sau nhiều năm không vào, thành phố giờ đây có nhiều thay đổi.
 Ngày 11 tháng 5 chúng tôi quyết định đi thăm quan một số điểm trong thành phố: Buôn Ma Thuột thành phố Tây Nguyên thật xinh đẹp, có nhiều danh lam thắng cảnh. Nếu vào Đắk Lắk mà không đi thăm chú Sờ Lôn (tiếng Nga là con Voi) ở Bản Đôn thì thật là chưa vào Tây Nguyên nhá ! Tôi đã được cưỡi voi, đi một vòng tròn khép kín 15 phút và được nó quỳ chào khán giả hẳn hoi nhá. Thật là:
Đi Tây không cưỡi Sờ Lôn (Voi) !
Còn gì để nói dại khôn hỡi người !? he he 
(Thăm quan khu du lịch Buôn Đôn)
(Bên tượng phật)
(Thăm nhà Vua chăn voi A Ma Gông)
(Bàn thờ Vua săn Voi A Ma Gông)
(Trước khu du lịch nhà sàn cổ)
(Thăm khu du lịch sinh thái bằng hệ thống cầu treo)
(Bên khu du lịch nhà sàn Dài)
Lão cưỡi Voi
 Suốt cả một ngày 11 tháng 95 chúng tôi đi thăm quan Bản Đôn, khu nhà ở của Vua chăn Voi A Ma Gông đến tận chiều tối mới về. Tuy mệt nhưng anh em chúng tôi đều rất vui vẻ.
Sáng ngày 12/3 anh em chúng tôi gặp gỡ nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui của một thời học viên học tập rèn luyện trên đất nước Liên bang cộng hòa XHCN Xô Viết. Trong những ngày nghỉ tại thành phố cao nguyên có cái nắng, có cái gió có cái đó...., tôi rất vui vẻ xúc động được gặp một số anh em bạn  bè đã lâu nay mới gặp lại.










Ngày mai Cối trở về Hà Nội, chúc các bạn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Bước sang ngày 13 tháng 9 đúng 08 giờ 30 phút chúng tôi trên chiếc Abus 320 bay về Hà Nội kết thúc một chuyến đi vất vả nhưng đã để lại trong mỗi người chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên. 

Chào thành phố Ban Mê Thuột ! Hẹn một ngày không xa ta sẽ có dịp trở lại !


Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Trở lại thăm chiến trường xưa, nhớ một thời đạn bom và khói lửa ! (Phần 1)


Trong mỗi chúng ta ai cũng có một thời trai trẻ. Nhưng với chúng tôi, thời trai trẻ ấy nó đã gắn liền với một thời đạn bom và khói lửa. Chiến tranh đã đi qua 38 năm, mọi đau thương mất mát đã nguôi ngoai, với chúng tôi, những người cựu chiến binh chỉ muốn mỗi năm có được một lần quay lại chiến trường để thăm và nhớ lại một thời oanh liệt đó. Chuyến đi của chúng tôi không phải là đi du lịch như mọi người lầm tưởng, mà chúng tôi muốn đi theo những con đường mà mấy trục năm trước chúng tôi đã đi. Chúng tôi muốn được đến những địa danh anh em đồng đội và chúng tôi đã từng chiến đấu, có người đã để lại một phần thân thể của mình. Và thắp nén nhang cho đồng đội chúng tôi đã mãi mãi nằm lại nơi đây để cho chúng tôi được sống. Đơn giản chỉ vậy thôi là đã toại nguyện lắm rồi.
Bắt đầu cuộc hành trình, chúng tôi cơ động dọc theo đường Trường Sơn năm xưa, nay là tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn là tuyến đường vận tải chiến lược từ miền Bắc đến các chiến trường miền Nam, Lào và Căm Pu Chia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được xây dựng trên cơ sở đường giao liên Thống Nhất (đường đưa đón cán bộ) hình thành sau năm 1954. Gồm hệ thống đường bộ (đường ô tô, giao liên bộ, gùi thồ), đường thủy và đường ống xăng dầu chạy dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ. Được khởi công xây dựng từ tháng 6 năm 1969 từ khe Hó, thuộc phía Tây huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Trải qua 16 năm chiến đấu ác liệt gian khổ, không chùn bước trước mọi khó khăn, gian khổ, bộ đội đường Hồ Chí Minh đã thắng địch, "thắng trời" làm nên con đường huyền thoại- Con đường đi tới độc lập, tự do của Tổ quốc. Văn bia trên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn khắc đậm dòng chữ: "Năm tháng sẽ trôi qua, những đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến  vào cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất tử..." Từ năm 1973, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng căn dặn, đường Trường Sơn sau này phải được mở rộng và kéo dài phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hơn 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, huyền thoại Trường Sơn lại được tô đậm với con đường mà cả nước mong đợi. Tháng 5 năm 2000, đường Trường Sơn được phát lệnh khởi công. Con đường của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa được bạt núi, san đèo nối dài đất nước, mở  hướng khai thác tiềm năng kinh tế - xã hội phía Tây của Tổ quốc. Con đường mòn huyền thoại- con đường Hồ Chí Minh oai hùng sẽ mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh.
 (Đường lên cửa khẩu Cha Lo - lên "Cổng trời"-Đoạn đường nỗi Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn-bên nước bạn Lào)
Dọc hai bên đường Hồ Chí Minh hiện đại, nhánh đông từ Thạch Quảng (Thanh Hoá) đến Khe Sanh (Quảng Trị), dáng dấp của con đường xuyên Việt hiện ra với 2 làn xe chạy cùng những cầu, cống, hệ thống thoát nước, chống sụt trượt được kiên cố. Trên tuyến đường phẳng lì còn tươi màu sơn đã hình thành những khu phố, những thị tứ mới với nhà cửa san sát. Hơi thở của cuộc sống hiện đại đã tràn về hai bên đường Hồ Chí Minh, cho tới những bản làng heo hút dọc dải đất phía Tây xa xôi. 
(Đường Hồ Chí Minh qua huyện Tân Kỳ-Nghệ An)


(Qua bến phà Long Đại, còn được gọi là "Long đầu")

(Đèo Đá Đẽo-Quảng Bình)
(Đường HCM qua Quảng Trị)
Trên tuyến đường thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mọc lên san sát, nhiều gia đình  đã bắt đầu biết mở quán bán hàng. Trước đây những vùng này đất hoang hoá, bom cày, đạn xới, đường đi khó khăn, cách trở, cơ sở hạ tầng đều thấp kém, lạc hậu. Nay được ''dải lụa Trường Sơn'' vắt qua, những công trình, những nét văn minh đã về tới các xã đặc biệt khó khăn ở vùng xâu, vùng xa của đất nước. Con đường Hồ Chí Minh công nghiệp hoá cũng sẽ là tiền đề cho việc phát huy mọi nguồn lực ở địa phương. Hàng triệu ha đất trồng cây công nghiệp dọc tuyến đang được quy hoạch lại. Tỉnh Quảng Trị đang tập trung đầu tư cho khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, xây dựng Lao Bảo trở thành phố núi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, cửa ngõ trên tuyến đường xuyên Á Đông - Tây. Các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh có con đường Hồ Chí Minh đi qua đã chuẩn bị dự án về các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu để xoá đói giảm nghèo, để tận dụng đất đai và nguồn nhân lực. Các làng thanh niên lập nghiệp dọc tuyến đường đã được thành lập và bắt đầu phát huy hiệu quả. Đoạn đường Hồ Chí Minh huyền thoại nối từ Đường 9- Khe sanh đến Tà Long (huyện ĐaKrông) đi qua khu bảo tồn thiên nhiên kỳ vĩ, qua các bản làng đồng bào dân tộc đang sinh sống đã được phục hồi nguyên trạng với các lán trại, hầm hào chiến đấu để phục vụ du khách trong chương trình hoài niệm chiến trường xưa, như là một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa một thời con đường Hồ Chí Minh trong chiến trận đến con đường Hồ Chí Minh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thế kỷ 21. 
(Tại Cầu Đakrông- Quảng Trị) 
(Thị Trấn Khe Sanh-Hướng Hóa nhìn từ đồi Ku Bốc)
Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã hoàn thành. Con đường mòn chỉ toàn cỏ dại, suối sâu, đèo cao và mây mù thời chiến tranh nay đã là con đường Tây Trường Sơn bằng bê tông uốn lượn vắt vẻo qua từng dãy núi phía Tây của Tổ quốc. Con đường nhánh Tây đi từ địa danh một thời khói lửa Khe Sanh trở về ''Hang tám cô'' linh thiêng trên ''Đường 20 quyết thắng'' ở Quảng Bình. Trên độ cao trung bình hơn 400m so với mặt nước biển, khí hậu nơi đây hòa hợp giữa 2 vùng Đông và Tây Trường Sơn, nên 200km đường lúc ẩn trong sương mù Trường Sơn, lúc hiện ven đường biên giới nước bạn Lào. Trải dài trên con đường  là bạt ngàn rừng cây đang vươn mình tít tắp, thấp thoáng những trang trại vườn đồi  quy mô lớn, hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Đường Trường Sơn Tây đang trở thành trục đường kinh tế - quốc phòng quan trọng, góp phần trong việc phát triển du lịch với những sản phẩm độc đáo, đa dạng của các địa phương có con đường đi qua. Trên những chặng đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn huyền thoại hôm nay đang bừng thức dậy những tiềm năng, thế mạnh để cùng hoà nhịp trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây trong công cuộc dựng xây đất nước giàu mạnh.
Con đường Trường Sơn năm xưa trải đầy thử thách. Dù gian khổ, hy sinh, đèo cao, vực sâu nhưng lòng người không nản, bước chân không lùi, tất cả vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa, ai chưa đến đó như chưa rõ mình". Hôm nay, trên con đường Trường Sơn hiện đại, rộn rã đi lên trong nhịp sống mới, đang đòi hỏi thế hệ chúng ta hãy mang sức lực và trí tuệ ra sức khai thác tiềm năng dồi dào phía tây của Tổ quốc, để con đường CNH-HĐH đưa đất nước, quê hương ngày càng trở nên giàu đẹp, phồn vinh.


(Tại Nhà thờ các Liệt sĩ là bộ đội và TNXP trên "Đường 20 - Quyết Thắng" và "Hang 8 cô" Tuyến đường Tây Trường Sơn.

(Nhà đồng bào dân tộc Vân Kiều tại Quảng Trị)

P/s: Bài có xử dụng tư liệu của Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND-2004 và Báo điện tử Quảng Trị. Ảnh: Anh phó Cối 

(Còn nữa)




Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Chào cả nhà ! Lão lại đi Tây !

Lão lại bay đi Tây ! Có ai hỏi gì điện cho lão số điện thoại 01234567890 nhá !
Hẹn gặp lại !