Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Hoa Gạo


Gặp tháng ba mùa hoa gạo nở

Thức một khoảng trời vạt sông quê

Kìa mắt ai ngước nhìn mơ mộng quá

Ta như quen như lạ lẫm lối về. 

Không nuôi sống ai mà thành hoa gạo

Vô tư như chẳng biết có ai nhìn,

Khát vọng gì gửi trong màu hoa ấy

Cuối xuân rồi hoa gọi nắng hè lên. 

Ơi hoa gạo vẽ lên trời sắc đỏ

Thảm cỏ xanh, giàn đuốc, tháng ba xanh

Đường quê mưa mẹ ngang vai gánh mạ

Tay lượm bông hoa gạo cho mình. 

Ơi hoa gạo đẹp kiêu kỳ đến vậy

Rụng xuống rồi vẫn thắm đỏ như son,

Có ai biết những ngày hoa gạo trút

Một khoảng trời trơ trụi nỗi cô đơn.

(Đặng Khắc Hào)

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

Mùa hoa xoan nhớ em !



Cạn xuân, tím ngõ hoa xoan
Rơi như rắc phấn đa đoan cuộc tình...
Tầng không,..rơi một tiếng chim
Trời xanh,..rơi giọt lung linh nắng hồng.

Tím xoan ! Tím nhớ ! Tím mong !
Rơi chi ánh mắt, tím lòng người ơi ?
Hoa xoan tím một khoảng trời
Mà anh tím cả một đời nhớ em...!!!!


Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

Đôi lời tâm sự ngày giỗ đầu của bạn !

Hùng ơi ! Thế là một năm đã trôi qua rồi đấy Hùng ạ !  Tao hơn mày 1 tuổi; mày sinh năm 1953 còn tao sinh năm 1952 ! Cũng những ngày này của năm ngoái, năm 2012 khi BLL Cựu chiến binh Mặt Trận Quảng Trị chuẩn bị tổ chức đi thăm chiến trường, tri ân đồng đội và dự lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị thì mày đột ngột qua đời, để lại người vợ thân thương và hai đứa con trẻ chưa đủ khôn để bước vào sóng gió của cuộc đời. Để lại bao nỗi nhớ thương của đồng chí, đồng đội. Thế là kế hoạch đi thăm chiến trường của mày đành dở dang mà mãi mãi vĩnh viễn không bao giờ thực hiện. 
Hôm nay ngày giỗ đầu của mày, anh em chúng tao từ Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình lên, từ Thanh Hóa ra; từ Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc trở về, và anh em bạn bè ở Hà Nội cũng đến đông đủ. Chúng tao ngồi nói chuyện với nhau cùng ôn lại những năm tháng ác liệt tại chiến trường. Nhớ lại những trận đánh trong chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị (từ 30/3 đến 2/5/1972); tiếp đến chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (từ 28/6 đến 26/9/1973) rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Xuân 1975... gay go ác liệt là như thế mà sao chúng mình vẫn sống Hùng nhỉ ? Phải chăng người đời đã dạy "Sinh có hạn mà tử thì bất kỳ"; trong lúc Đất nước đã hồi sinh, đời sống của anh em chúng mình khấm khá hơn thì mày lại bỏ vợ con, họ hàng và anh em chúng tao mà đi ! Ôi cuộc đời thật là nghiệt ngã ! Chúng ta vẫn còn nhớ những năm tháng vùi mình trên bãi cát của Triệu Phong, Hải Lăng; hay vượt sông Thạch Hãn, sông Nhùng hay sông Mỹ Chánh trong mưa bom bão đạn....Những kỷ niệm đó không bao giờ nguôi đi trong mỗi người lính chúng mình ! 


Hôm nay, gặp lại nhau đây, những cựu chiến binh
Tưởng như năm tháng ngày xưa vọng về 
Gặp lại nhau đây, ai còn, ai mất
Để lại lòng ta,  xao xuyến bồi hồi !
Ôi những tháng năm mà ta không thể nào quên !
Những tháng năm cùng nhau chia bom, xẻ đạn !
Ôi thiêng liêng thay sống nghĩa tình đồng đội !
Gặp lại nhau đây, lòng sao bâng khuâng ! không nói nên lời !

Chúng tao thắp nén nhang này cầu mong nơi suối vàng mày yên nghỉ linh hồn được siêu thoát !
Phù hộ độ trì cho gia đình và anh em đồng đội được mạnh khỏe, may mắn ! 
Ngày 30/4/2013 này anh em chúng tao lại về thăm lại chiến trường xưa thắp hương tri ân cho đồng đội, mày phù hộ độ trì cho chúng tao đi về bình an Hùng nhé !  Vĩnh biệt mày Hùng ơi ! 







Nam Định ngày 11 tháng 3 năm 2013

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2013

TỰ SỰ NHÂN NGÀY 8-3 !

Thưa tất cả bà con, cô bác làng Bờ Lốc !  
Ngày Phụ nữ Quốc Tế 8/3 đã đến rồi, cho phép lão Cối tôi xin kính chúc những người  phụ nữ trong làng ta có một sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong cuộc sống !

Mấy ngày qua, lão có một số bài kêu gọi cánh đàn ông hãy vùng lên để giành lấy một ngày kỷ niệm. Song suy nghĩ kỹ, cảm thấy ân hận quá ! Ân hận bởi vì bị mang một cái tiếng là đàn ông đại trượng phu mà đi suy bì, tỵ nạnh với chị em Phụ nữ. Nghĩ lại thì với chị em, một năm có thưởng cho họ đến 365 ngày là ngày của họ quả cũng là xứng đáng.

Thưa cả làng !

Chúng ta đã biết, người Phụ nữ Việt Nam đã từ lâu đời được ca ngợi: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Và đức tính “ Cần cù, chịu khó, hy sinh, chịu đựng !”
Nhưng có một điều rất nghịch lý. Tại sao trên các mặt trận họ không thua kém gì đàn ông, thế mà sao ở hậu phương, gia đình họ lại chịu nhiều thiệt thòi đến như vậy ? Họ suốt đời bị người ta kêu gọi “Hãy tiếp tục hy sinh !”.
Để chứng minh cho điều này thi sĩ Hồ Zếnh đã từng viết:
“Cô gái Việt Nam ơi
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”

Nhưng nghĩ cho cùng, khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục “hy sinh”, đó chỉ là sự ngụy biện ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo, phiền muộn lên đôi vai gầy guộc, nhỏ bé của chị em mà thôi.
Từ ngàn đời nay dưới lũy tre làng, hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” người ta đã mặc nhiên thừa nhận rằng, ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời thì thân phận của người phụ nữ đã gắn chặt với hai từ “hy sinh”. Sự hy sinh vô bờ bến ấy đến nay vẫn còn bị ràng buộc, nứu bám theo tưởng chừng như có lúc khiến đôi chân họ quỵ xuống. Lo cho chồng con? Đúng rồi. Nhưng còn mẹ già, em dại thì sao? Cũng phải lo tất.
Có những chị em phải hy sinh cả hạnh phúc của mình để ở lại cùng cha mẹ lo cho đàn em nhỏ. Thưa, làm sao cô ấy có thể yên tâm đi xây dựng gia đình  khi  các em còn dại, cha mẹ đã già và “vườn dâu ai đốn” ? Thế đấy, đức tính quên mình, lo đến người khác của người phụ nữ Việt Nam dường như đã thấm sâu vào từng mạch máu và rất đáng được kính trọng. 

Thế nhưng, trong thời đại nay sự hy sinh ấy có cần phải được biểu dương mãi không? Không. Tôi quả quyết ngàn lần không. Nghĩ cho cùng khi kêu gọi người phụ nữ hãy cứ tiếp tục “hy sinh”, đó chỉ là sự ích kỷ của phái mạnh những muốn đè nặng âu lo trên đôi vai em gầy yếu của chị em mà thôi.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Đời cua, cua máy; đời cáy, cáy đào”. Sao cứ phải buộc người chị, người mẹ trong gia đình phải đứng ra gánh vác hết mọi chuyện như vậy ?  Thật là vô lý. Tại sao người vợ phải lo cho chồng con, rất mực thủy chung, đầu tắt mặt tối đến nỗi không còn lấy giây phút nào để dành cho riêng mình ? Như thế có phải chồng sẽ yêu hơn, sẽ cưng hơn, sẽ chiều chuộng hơn và cũng sẽ “biết ơn” nhiều hơn không ?
Không bao giờ, Chị em chúng ta đã nhầm to !
Đàn ông chỉ là cậu trẻ con lớn xác, dù thông minh, dù tài năng, dù gì đi nữa thì họ cũng có một khiếm khuyết “đáng yêu” là ưa cái “lạ” cái “mới”. “Một cái lạ bằng một tạ cái quen”. Cái lạ ấy chắc gì đã hơn được người vợ mình, nhưng nó lại thơm tho hơn, chưng diện hơn, nhan sắc hơn, trẻ chung hơn, “Trắng da vì bởi phấn dồi” nên có thể trong phút chốc nào đó họ quên béng đi hình ảnh tảo tần của người vợ mình.
Cho dù người đàn ông không lăng nhăng đi chăng nữa, theo tôi, sự hy sinh ấy cũng không cần thiết. Khi người đàn bà quá chu toàn, lập tức người đàn ông sẽ trở nên ỷ lại và nuôi dưỡng một suy nghĩ hết sức gia trưởng: đã là vợ thì phải có trách nhiệm lo cho chồng, nhà chồng! Nếu người vợ vừa há mồm ra: “Cả đời tôi hy sinh cho anh…”. Chưa kịp nói hết câu đã nghe tiếng cười mỉa mai đến trơ trẽn và tàn nhẫn: “Ai buộc cô phải hy sinh?”. Nghe mà đau, mà xót.

Nhưng, quan niệm lỗi thời ấy đã đến lúc cần phải thay đổi. Thật sự, không phải ở thời đại computer này mà từ thời khai thiên lập địa, người đàn bà cũng đã có những nhu cầu đòi hỏi như đàn ông. Mẫu số chung nhu cầu của hai giới tính, chung quy lại vẫn là thời gian sống cho chính mình. Khi đó họ mới thật sự tận hưởng giá trị sống mà mọi con người, mọi giới tính khi sinh ra đã bình đẳng. Sự bình đẳng không thể bắt đầu bằng sự hy sinh từ một phía của người đàn bà.
Chẳng lẽ khi có chồng là người đàn bà kết thúc mọi ước mơ trong đời  hay sao ? Tôi cực lực phản đối. Nhưng phải thay đổi từ đâu? Từ chính người đàn bà. Vâng, họ phải tự ý thức sự tự do cá nhân khi song hành cùng người đàn ông trên trái đất này. Đừng bao giờ mong đợi sự thay đổi ấy từ các đấng “mày râu”. Phải chính người phụ nữ, tự họ “giải phóng” thân phận mình. Đừng quên, sự tự do không đi cùng yếu đuối. 


Này, những  đấng “Mày râu” … các ngài có đồng tình như vậy không ? Nếu đồng tình, tại sao không suy nghĩ rằng, chính chúng ta phải biết hy sinh vì giá trị sống, chất lượng sống của chị em phụ nữ ? Bởi họ là mẹ của các con ta, là người chăm sóc ta, người đầu ấp, má kề bên ta và  là “Bà Chủ” của ta kia mà…
Quán triệt tư tưởng đó nên trở về đời thường tôi nguyện sẽ làm mọi việc có thể giúp chị em trong gia đình, để bù lại những gì chị em đã phải hy sinh thay tôi, khi tôi còn đang công tác xa nhà ! 

Hai mẹ con Bà Chủ đi thăm quan Chùa Hương, Bái Đính nhân ngày 8/3

Một số hình ảnh lão Phó Cối- Ô sin cao cấp đang làm việc tại nhà Bà Chủ: 

(Quét sân )


(Dọn rác)


(Sửa cây kiểng)


(Làm cỏ bồn Kiểng)


(Rửa bát)


(Nấu cơm) 
(Lau nhà)