Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Quảng Trị ơi ta sẽ quay lại với "Mùa hè đỏ lửa" !

Quảng Trị mảnh đất thân thương, anh hùng, bất khuất với một thời mưa bom, bão lửa gắn liền với 40 năm cuộc đời quân ngũ của Nó.
Ngày 7 tháng 7 tới Nó sẽ quay về với Quảng Trị dự lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh và giải phóng  Hương Hóa, huyện đầu liên của miền Nam được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tại thành cổ Quảng Trị


Bên tượng đài chiến thắng Khe Sanh-1968


Sân bay Tà Cơn nơi sẽ truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh và giải phóng huyện Hướng Hóa vào tối 07/07/2013





Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

NGÀY GIỖ MẸ

Mẹ ơi ! Thế là một năm mẹ đã đi xa, về cõi âm phụng sự tiên tổ. Hôm nay họ hàng, con cháu, anh em chúng con quy tụ về đây nhân ngày giỗ đầu của mẹ !  Chúng con cầu mong nơi suối vàng mẹ hãy yên nghỉ ngàn thu, linh hồn mẹ được siêu thoát, phù hộ độ trì cho con cháu mẹ nhé ! 













GIỖ MẸ !

Căn nhà giờ vắng mẹ cha
Khiến đàn con trẻ hết ra lại vào
Hồn mẹ nơi chốn trời cao
Nhớ cha, thương mẹ cồn cào ruột gan
Ngẩn ngơ kìa mấy nhành lan
Nhân ngày giỗ mẹ đầy giàn nở hoa
Khói hương nghi ngút nhạt nhòa
Ai như lưng mẹ xa xa ngoài vườn
Cỏ cây thấy mẹ đỡ buồn
Nắng vui như thấu ngọn nguồn chúng con
Hao hao…dáng mẹ gầy mòn
Thương đàn con trẻ ngủ ngon giấc nồng
Ngoài vườn mấy khóm trầu không
Hoa cau chúm chím mẹ trồng năm xưa
Lưng còng đon đả sớm trưa
Bạc vai áo mẹ sớm trưa tảo tần
Mẹ ơi… trên quãng đường trần
Chúng con luôn vẫn vẫn cần mẹ ơi..!
Chắp tay khấn lạy ông trời
Suối vàng mẹ sống cuộc đời bình yên…

         

Nam Định 15/6/2013 (8/5 Quý tỵ)

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Nỗi day dứt 45 năm chưa lúc nào nguôi ! (Theo lời kể của ông Dương Đình Dung-CCB Sư đoàn 304; Thọ Dương ghi)


Nghe tin tối ngày 7/7/2013 tới đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với TU, UBND, HĐND tỉnh Quảng Trị tổ chức kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh năm 1968 tại sân bay Tà Cơn, chào mừng huyện Hướng Hóa là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, trong lòng tôi không nguôi ngoai được nỗi day dứt của mình về một người chiến sĩ đã hy sinh trước giờ nổ súng mà tôi trực tiếp mai táng trong lòng địch.
Thời gian đó tôi là Trung đội trưởng trinh sát thuộc Đại đội 20 trinh sát của Trung đoàn 24 Sư đoàn 304. Để chuẩn chi cho đơn vị tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây, tôi được trung đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy 1 tiểu đội tiến hành đặt đài quan sát và tổ chức trinh sát thực địa bám nắm địch, giúp cho chỉ huy trung đoàn xây dựng quyết tâm tiêu diệt địch một cách chính xác. Đài quan sát của chúng tôi được đặt trên một điểm cao hướng Tây Bắc, cách Làng Vây khoảng một nghìn mét.
Chiều ngày 18 tháng 12 năm 1968, tôi cùng tiểu đội trinh sát làm nhiệm vụ dẫn đường và cảnh giới cho đoàn cán bộ của Tiểu đoàn 5 đi trinh sát thực địa. Đoàn cán bộ gồm có các đại đội trưởng bộ binh, đại đội trợ chiến của tiểu đoàn, các cán bộ đơn vị trợ chiến của trung đoàn tăng cường cho tiểu đoàn 5, do đồng chí Sần-Chính trị viên tiểu đoàn, đồng chí Ninh-Tham mưu trưởng tiểu đoàn chỉ huy.
Chúng tôi lợi dụng địa hình địa vật tiến hành quan sát xa; Khi trời tối dần, chúng tôi bắt đầu lợi dụng địa hình địa vật, từ đài quan sát theo sườn Bắc Đường số 9, qua cầu Bia Hiêng, tiếp cận vào phía Tây căn cứ Làng Vây.
Khoảng 20 giờ cùng ngày, chúng tôi vào cách điểm chính căn cứ Làng Vây khoảng 300 mét, cách đồn tiền tiêu của căn cứ Làng Vây khoảng 100 mét thì gặp vào ổ phục kích của trung đội thám báo địch từ Làng Vây chúng phái ra cảnh giới. Đồng chí Nguyễn Văn Sợi hy sinh tại chỗ, đồng chí Phạm Văn Toàn bị thương nhẹ. Hai đồng chí cùng quê xã Trực Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Để giữ bí mật cho trận đánh và cho chiến dịch chúng tôi không được phép nổ súng. Tôi và đồng chí Trần Văn Chế ở thôn Thư Điền, xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định bí mật đưa thi hài Nguyễn Văn Sợi về đài quan sát, tổ chức mai táng và thầm nói với linh hồn em rằng: Hãy yên nghỉ tại nơi đây, sau này trận đánh và chiến dịch kết thúc chúng tôi sẽ đưa em về nơi quy tập các liệt sĩ của đơn vị.
Trận đánh Làng Vây kết thúc thắng lợi, chiến dịch Đường 9-Khe sanh 1968 toàn thắng, huyện Hướng Hóa hoàn toàn được giải phóng. Đơn vị chúng tôi lại cơ động tham gia các chiến dịch: Lam Sơn 719 (Đường 9-Nam Lào)-1971; Tiến công và phòng ngự Quảng Trị 1971-1973.
Năm 1973 tôi bị thương và sức khỏe yếu, được đơn vị cho ra Bắc điều dưỡng. Đến 1/11/1974 do thương tật và tình hình sức khỏe, cộng với gia đình khó khăn nên tôi dời khỏi đơn vị, dời khỏi quân ngũ từ đó. Tiếp theo đơn vị lại cơ động tham gia các chiến dịch: Thượng Đức-1974 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường Căm Pu Chia.
45 năm đã trôi qua, tôi bây giờ đã bước sang tuổi 75, một nỗi day dứt
trong lòng tôi không thể nguôi ngoai được. Đồng chí Sợi hy sinh trong lòng địch, nên việc mai táng thi hài đồng chí chỉ có tôi còn nhớ khu vực, đơn vị không ai biết. 
Nguyễn Văn Sợi ơi ! 45 năm em đi xa, quê hương em bây giờ cũng có nhiều thay đổi. Bố, mẹ, và anh trai cả đã mất cả rồi. Gia đình chỉ còn 2 chị gái tuổi đã cao, điều kiện kinh tế khó khăn lắm không thể đi tìm em được. Hôm nay, anh xuống nhà thắp nén nhang cho em trước khi anh đi dự lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh, anh sẽ cố gắng đến khu vực đài quan sát của chúng mình năm xưa, em sống khôn chết thiêng thì hiện về để anh đề nghị với chương trình “Trở về từ ký ức” của Đài truyền hình Việt Nam, Các cấp ủy Đảng chính quyền huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị; lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 tìm kiếm đưa thi hài em về quê hoặc nghĩa trang Liệt sĩ  để ngày lễ, ngày tết gia đình và đồng đội có điều kiện thắp nén nhang tưởng nhớ tới em, em nhé !

(Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Sợi)
  

(Người trung đội trưởng-(45 năm về trước) thắp nén nhang cho các cụ thân sinh và đồng chí Nguyễn Văn Sợi)

(Người yêu liệt sĩ Nguyễn Văn Sợi ở quê. thắp nén nhang tưởng nhớ tới anh)

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Các cụ lại đi biển !

Tháng 5 âm lịch trời nắng như thiêu như đốt, con cháu còn đang phải gồng mình lên để chống trọi với cái nắng, cái nóng và cái gió. Vợ chồng con cái chúng nó rủ nhau đi nghỉ ngơi, đứa lên rừng, đứa xuống biển, đứa thì đi Tây, đứa thì đi Tầu. Còn các lão già thì sao ? Các lão không nóng chắc ? Chúng mày đi được thì các lão cũng phải Phượt chứ, kém gì ? Thế là 150 cụ rủ nhau đi biển !
Nói đến phượt thì từ lão 60 đến cụ 90 mắt sáng lên ! Đi không mất tiền, lại còn được ăn, được xe đưa, xe đón, đi về còn có quà chứ ! Không đi thì thiệt à ? Ở nhà khác gì ở tù ! Nhất là sau chuyến đi này về có Cụ "Ngồi sau nải chuối ngắm gà khỏa thân cũng không ngán nhá ! Thế là phải cố mà đi ! 
Từ sáng sớm 3 xe con, 2 xe lớn đã đón các cụ đi biển. Chuyến đi của các cụ đã được chuẩn bị từ trước đó 1 tháng do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh mời các cụ về tham quan huyện Nghĩa Hưng, huyện trọng điểm của tỉnh về "Xây dựng nông thôn mới". 
Sau gần một tiếng cơ động, khoảng 07 giờ 30 các cụ đã có mặt tại xã Nghĩa Sơn, xã đã hoàn thành 17/19 tiêu chí "Xây dựng nông thôn mới". Là một xã thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế chỉ còn 30% là sản xuất nông nghiệp, còn lại 70% là cơ cấu công nghiệp và dịch vụ. Tại Hội trường của xã, các cụ được nghe đồng chí bí thư báo cáo kết quả sau hơn hai năm xây dựng nông thôn mới.


Tiếp theo đó các cụ lên xe đi thăm cánh đồng "Mẫu lớn". Nếu trước đây, mỗi gia đình có từ 5 đến 7 mảnh ruộng thì nay chỉ còn 1 mảnh thôi. Mảnh liền mảnh, chứ không còn sự phân cách giữa các gia đình nữa. Tất cả cùng cày bừa, cùng cấy, cùng thu hoạch một đợt và cùng gieo xạ 1 giống lúa. Sản xuất hoàn toàn bằng máy móc hết. 

Nhìn cả cánh đồng chỉ có hơn chục chiếc máy gặt đập liên hợp làm việc, nông dân bây giờ làm ăn sướng thật.
Mấy cụ là cán bộ lão thành khen lấy, khen để ! 

Hệ thống đường sa ở nông thôn, đường ra cánh đồng đều được bê tông hóa, các bờ kênh đều được kè đá sạch sẽ.

Thăm đồng ruộng xong, các Cụ bắt đầu tiến ra biển thăm quan hệ thống kênh mương và đê biển; khu nuôi trồng thủy sản:



Đến lượt rủ các cụ ra biển để tắm mát, các cụ ứ vào chơi ! Già rồi xuống biển trời nóng này lên có mà toi !
Thôi thì đã ra biển thì mời các cụ đứng trước biển tí xem sao:


Đứng trước biển con người ta thật nhỏ bé !

Kết thúc chuyến đi các cụ quay về UBND huyện giao lưu với cán bộ và công nhân viên của huyện và dự bữa cơm thân mật. Đồng chí chủ tịch câu Lạc bộ tặng hoa và Vật lưu niệm.
Chuyến đi "cưỡi ngựa xem hoa" của các Cụ thật là ý nghĩa. Nhất là những cụ tuổi đã cao, sức đã yếu rất phấn khởi, vì không biết sang năm các cụ có còn đi được nữa không ? Vì mỗi một năm câu lạc bộ bị quan Diêm Vương cắt hộ khẩu 5 cụ ! he he .
Nhưng được sống với các cụ đời vẫn tươi vui lắm ! Vì Lão Cối tôi so với các cụ mình vẫn còn là Thanh Niên !

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Quảng Trị ơi ! Ta sẽ quay trở lại

Theo kế hoạch vào 19 giờ ngày 07 tháng 07 tới ĐU; UBND & HĐND huyện Hướng Hóa và tỉnh Quảng Trị tổ chức kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh-1968. Đài VTV sẽ tường thuật trực tiếp tại sân bay Tà Cơn. Lão cũng được mời dự với cương vị là  lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 qua các thời kỳ !  Lão sẽ quay trở lại Quảng Trị nhé ! Quảng Trị ơi !

(Bên bờ sông Hàn-5/2013)