Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

HÔM NAY NGÀY GIỖ EM !

Hòe ơi ! Hôm nay sau 23 năm em trở về cõi vĩnh hằng, gia đình tề tựu đông đủ nhân ngày nhật kỵ của em !
Anh vẫn còn nhớ như in cái ngày, tháng, năm định mệnh ấy. Hôm đó là thứ 5, ngày 19 tháng 6 âm lịch năm 1990, sau mấy tháng bận chỉ huy Trung đoàn diễn tập, xe đưa anh ra ga Vĩnh Yên để về thăm em và các con. Chiều tối thứ 6 bỗng nhiên em lên cơn vật vã, nôn, mửa, anh vội vã đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Và cũng từ lúc đó em thiếp đi không chăng trối được một lời. Huyết áp hạ, người mê man bất tỉnh, bệnh viện thành phố chuyển em lên bệnh viện tỉnh. Đến 13 giờ 45 phút thứ 7 ngày 22 tháng 6 năm 1990 mọi phương tiện cấp cứu đều vô vọng, em nhìn anh lần cuối, nhìn ánh mắt em anh hiểu, muốn nói nhưng chẳng được nên lời ! Em đã bỏ anh và các con mà đi. Anh chết lặng, nuốt nước mắt vào trong nói với mọi người ra gọi xích lô đưa em về nhà. Thời tiết mùa hè nóng nực 39 - 40 độ, nhìn cái cảnh 3 đứa con đầu đội khăn tang, đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa bé nhất mới 5 tuổi đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng anh thật đau khổ vì thương em và thương các con. Em đã bỏ anh và các con để ra đi quá sớm, ở cái tuổi 37 đang đầy sức xuân. Trong chiến tranh, mũi tên hòn đạn của kẻ thù đã cướp đi một phần xương máu của anh cũng không đau bằng nỗi đau mà anh đã mất em !  Anh rất ân hận, bởi vì suốt năm tháng phải xa em và các con, âu cũng là nhiệm vụ của người lính mà em ! Hãy cảm thông và bỏ quá cho anh em nhé ! Trong lòng anh đâu muốn vậy ? Giữa lúc đất nước gặp khó khăn, cái thời bao cấp cả xã hội và gia đình mọi người đều như thế ! 
Sau 23 năm em đi xa, nhà mình đã có nhiều thay đổi ! Giữ đúng lời thề trước anh linh của em, anh và Lan đã nuôi dạy các con nay đều đã khôn lớn và trưởng thành. Tất cả các con: con anh, con em và con của chúng ta, cả 5 đứa đều đã học Đại học, 4 đứa đã có công ăn việc làm đàng hoàng. Tuy không giàu có, nhưng được sự lo liệu của bố mẹ, cùng sự tự phấn đấu, các con cũng có nhà cửa vững chắc và cuộc sống đủ ăn, các cháu ngoan và học giỏi. Chúng mình đã có 4 thông gia, đến cuối năm nay chúng mình sẽ có 10 cháu nội và ngoại tất cả em ạ ! Được như ngày hôm nay, không thể thiếu được công lao của Lan, người kế phụ, kế mẫu cùng sát cánh bên anh nuôi dạy các con trong suốt cả chặng đường.
 Hôm nay ngày nhật kỵ của em có mặt đầy đủ các con cháu và gia đình. Về xum họp cùng gia đình, với mọi người, với anh, Lan và các con em nhé !

Hàng năm đến ngày giỗ
Cây Lộc vừng trổ hoa
Năm tháng dần trôi qua
Tiếc thương chưa nhạt nhòa
Như cây xanh khóc lá
Mãi một đời lìa xa


Em ra đi đột ngột
Nỗi đau lòng chưa nguôi
Thăm em bên mộ lạnh
Anh nức nở ngậm ngùi


Em một mình đơn côi
Giữa mông mênh thinh lặng
Anh nghe lòng chơi vơi
Xót xa từng chiều vắng

Mỗi năm ngày giỗ em
Anh lại ra thăm mộ
Mong em giấc yên bình
Duyên mình anh riêng nhớ





Cây bao lần nở hoa
Chồi mấy lần xanh lá
Dù em xa mãi xa
Vẫn hoài anh tiếc nhớ …

Nam Định ngày 29/7/2013 (22/6 Quý Tỵ)

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

NÓI VỚI NGƯỜI ĐÃ KHUẤT

Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày thương binh liệt sĩ, nhớ đến bạn tôi, những đồng chí, đồng đội đã nằm lại chiến trường, có người đã tìm được hài cốt, có người vẫn nằm bơ vơ nơi chân trời góc bể. Nhân dịp này có đôi lời tâm sự cùng các anh:

Chúng mình, lính cùng trung đoàn 
Đến đây đón các cậu về quê mẹ
Mấy chục năm rồi... Đáng lẽ
Phải vào rước các cậu từ lâu




Đồng đội mình, đứa trước, đứa sau
Rồi tất cả cũng sẽ về với đất,
Ôi ! những linh hồn còn, mất !
Hai nghìn, sáu trăm quân chứ có ít gì đâu ?
Có đứa nằm tận ở rừng sâu,
Đứa ở ven đường, đứa bên bờ suối vắng.....
Chúng tớ thấy lòng mình không tĩnh lặng,
Mỗi khi các cậu chưa về.
Ngày chiến thắng !
Những thằng sống chúng tớ gặp nhau cười hả hả, hê hê
Nhưng không mời được cậu cùng uống bia, uống rượu
Cũng là lẽ thường tình thôi mong cậu hiểu,....
Ở thế giới bên kia, các cậu hãy tìm nhau
Và nói giùm chúng tớ một câu:
Cho đến chết vẫn không quên đồng đội !
Nếu có sơ suất gì cho chúng mình xin lỗi !
Vì dù sao cũng là lính trung đoàn !



Thương các cậu nhiều nên ngày Bắc đêm Nam
Không phải mình tớ đâu, mà anh nào cũng thế
Khi nằm xuống rồi cùng về đất mẹ
Sang "Bên kia" nhớ tìm bạn trung đoàn
Lại hành quân đường dài, lại ra Bắc vào Nam
Thôi chúc cậu mãi nằm yên nghỉ...








Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

THÁNG BẨY NHỚ BẠN

( Những ngày của tháng 7 và tháng 8 năm 1972 này cách đây 41 năm trước cuộc chiến đấu phòng ngự Quảng Trị diễn ra rất quyết liệt để chuẩn bị cho Hội nghị Pari dự định họp lại vào ngày 13 tháng 7 sau nhiều lần bị trì hoãn. Những người lính năm đó còn rất trẻ, họ là những thanh niên mới vừa tròn 18 đôi muơi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông hay mới bước chân vào giảng đường các trường đại học tạm gác bút nghiên lên đường giết giặc. Trong đó có 250 học sinh của Trường Cấp 3 Mỹ Lộc (Nay là Trần Hưng Đạo)-TP Nam Định. Hôm nay những người còn sống sót trở về chúng tôi lại tụ tập ôn lại những kỷ niệm một thời chiến tranh khốc liệt và bi hùng tráng đó. Nhân dịp kỷ niệm ngày TBLS 27/7 kính tặng các bạn, hương hồn những người lính sinh viên và học sinh ở mặt trận Quảng Trị năm 1972 một bài thơ của Nguyễn Trọng Luân thay cho nén tâm nhang gửi tới các bạn !

Đợi mãi bạn vẫn không trở về
Để cùng nhau dự ngày vui gặp mặt
Đồng đội ngày ấy giờ thưa thớt lắm
Hội trường đầy hoa mà nước mắt tuôn trào.
Mới đó, đã hơn ba mươi năm rồi sao !
Ngày từ biệt giảng đường chưa dám cầm tay con gái
Chôn bạn nơi cửa rừng, trong balô còn lại
Tấm ảnh nhỏ nhoi cô bạn gái cùng trường...
Vẫn còn đây những góc phố, con đường
Đêm chia tay, mặt trận đầy súng nổ
Cùng hát ? Ôi Chiều Mátxcơva? trước khi vào Thành cổ
Khúc hát lặng rồi, vượt Thạch Hãn luồn sâu...
Bao người ngã xuống ngay sáng hôm sau
Những đứa bạn cùng trường chung ngày giỗ
Hoa phượng ơi, mùa hạ về cháy đỏ
Trẻ mãi lời ru nơi đồng đội tôi nằm...
N.T.L
(Thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn-Thành cổ Quảng Trị)

Một số tư liệu để các bạn thấy mức độ ác liệt trong 81 ngày đêm phòng ngự Quảng Trị:
Tác chiến bảo vệ thành cổ Quảng trị diễn ra từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972. Thị xã Quảng Trị  nằm bên bờ sông Thạch Hãn, tiếp giáp giữa hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong, diện tích khoảng 4 km2. Thành cổ Quảng Trị còn gọi là thành Đinh Công Tráng nằm ở phần phía Bắc thị xã được xây dựng từ thế kỷ 19. Thành có hình vuông, mỗi chiều 500m, bốn góc thành nhô ra bốn tháp hình trụ như bốn lô cốt. Tường thành được xây bằng gạch cao 4m, mặt tường rộng 0,65m, chân tường rộng 12m. Ngoài tường thành có hào nước bao quanh rộng 18m, sâu 2 đến 3m. Thành có 4 cửa ở giữa bốn cạnh đi ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Mỹ nguỵ lợi dụng thành cổ làm căn cứ hành chính, quân sự. Ngày 1 tháng 5 ta đã tiến công giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Từ ngày 16 đến 26 tháng 6 địch tập trung lực lượng phản công kiên quyết chiếm lại địa bàn đã mất. Các lực lượng của ta buộc phải chuyển vào phòng ngự. 
- Từ ngày 27/7 đến ngày 16/9/1972: Địch đã sử dụng 720.202 viên đạn pháo các loại (trong đó nội thành cổ phải chịu 52.493 viên); 2.244 lần chiếc không quân đánh phá với 290.000 tấn bom các loại (Theo tài liệu của địch). - - - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ ngày 28 tháng 6 đến 30 tháng 8 năm 1972 quân và dân thị xã cùng với mặt trận Quảng Trị tiêu diệt 26.400 tên địch, bắt sống 71 tên, diệt gọn 12 đại đội, đánh thiệt hại nặng 19 tiểu đoàn; bắn rơi 205 máy bay, phá huỷ 349 xe tăng; phá huỷ 230 khẩu pháo các loại. 
- Ta: Hy sinh 14.086 người (4,4%), (hi sinh 12.315 và mất tích 1.771 người). 
- Ta: Bị thương: 31.309 người (9,8%); (Trong đó trước khi bước vào chiến dịch 378 người (1/%), trung bình bị thương 3,15 người /ngày; giai đoạn tiến công Quảng Trị 4.619 người (6%), trung bình bị thương 136 người/ ngày;  giai đoạn giữ thị xã Quảng Trị 13.142 người (16,4%), trung bình bị thương 162 người/ngày; giai đoạn phòng thủ vùng giải phóng 8.967 người (11,9%), trung bình bị thương 65 người ngày. (Tính % so với tổng quân số tham gia trung bình qua từng giai đoạn). 
(Theo tài liệu Tổng kết tác chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị-1972 Viện LSQSVN-Nxb QĐND- Hà Nội-2006).

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Tháng 7, tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi lại quay về Quảng Trị !

 Tháng 7, tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ lại trở về. Mới tháng trước đây thôi, nhân dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4-1/5 anh em chúng tôi đã có chuyến "hành xác" đi viếng thăm 30 nghĩa trang liệt sĩ thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Rồi lại đi thăm chiến trường Tây Nguyên. Mọi người có khái niệm đi du lịch, nhưng anh em chúng tôi không có quan niệm như thế. Bởi đi du lịch là đi nghỉ ngơi, ăn chơi và thăm các danh lam thắng cảnh. Còn chúng tôi, đi đến những nơi anh em đơn vị chúng tôi đã từng chiến đấu, thắp nén tâm nhang thưởng niệm ở những nơi anh em, đồng đội của chúng tôi đã hy sinh, hiện có người đã được về với mẹ, có người đã về được các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng phần lớn vẫn còn nằm lại nơi rừng thiêng, nước độc, nằm lại những đáy sông, chân trời và góc biển.  
Vừa về đến nhà, Ban liên lạc cho biết chúng tôi lại có chuyến đi Quảng Trị dự lễ kỷ niệm 45 năm giải phóng Khe Sanh và huyện Hướng Hóa (7/7/1968-7/7/2013) thế là chúng tôi lại chuẩn bị lên đường. Đoàn chúng tôi đi lần này chỉ có 30 người, gồm đoàn Hà Nội: 9 người, còn lại là đoàn Hà Nam; Đà Nẵng; miền Đông-Nam Bộ. 



Nằm về phía tây của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa là vùng đất có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng. Nơi đây đã trở thành địa bàn trọng yếu, tiếp giáp với miền Bắc XHCN, là cửa ngõ hành lang chiến lược của cả nước nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.


Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964, đế quốc Mỹ đưa quân vào chiến trường miền Nam thực hiện chiến lược chiến tranh mới: Chiến tranh cục bộ. Nhằm tạo lập một “chốt cứng” ở phía tây bắc chiến trường Trị- Thiên, Mỹ- nguỵ đã tập trung một lực lượng quân sự lớn hòng biến tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hóa nói riêng thành vành đai trắng. Chúng tập trung mọi binh lực và kỹ thuật hiện đại, dựng lên hàng rào điện tử Mc.Namara chạy dài từ Cửa Tùng lên đến tận biên giới Việt -Lào; trang bị nhiều vũ khí tối tân như máy bay B52, pháo hạng nặng 175 mm, chất độc da cam, thiết bị nghe nhìn điện tử... cùng các loại vũ khí giết người kiểu mới, đồng thời dốc sức xây dựng tập đoàn cứ điểm Khe Sanh gồm các cứ điểm: Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh và Huội San (Lào)... trở thành khu vực phòng thủ mạnh nhất. Cụm cứ điểm Tà Cơn được xây dựng với hệ thống công sự dày đặc, hình thành thế trận phòng ngự kiên cố, liên hoàn với cứ điểm Làng Vây nằm trên trục đường 9.


Biểu diễn tiết mục Sức mạnh Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Khe Sanh

Bao bọc giữa núi rừng Trường Sơn hiểm trở, cao nguyên Khe Sanh - một vùng đất với một diện tích gần 10 km2 được địch đánh giá là “cái mỏ neo”, âm mưu làm bàn đạp cho các cuộc hành quân “tìm diệt”, cắt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn- đường mòn Hồ Chí Minh, ngăn chặn quân ta từ miền Bắc vào, từ Lào sang, và đường tiến quân xuống vùng đồng bằng ven biển hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên -Huế, nên được Nhà Trắng hết sức quan tâm, cam đoan chi viện để giữ bằng được tập đoàn cứ điểm Khe Sanh. Do đó, ngày 21/1/1968, khi quân ta nổ súng tấn công đợt 1 đánh Khe Sanh, chiếm quận lỵ Hướng Hóa, vây hãm làng Vây, Tà Cơn... thì Bộ chỉ huy quân sự Mỹ cho rằng, “đây có thể là một Điện Biên Phủ thứ hai”. Ngay lập tức, tổng thống Mỹ Giôn-xơn chỉ thị cho tướng Tay-Lo lập “Phòng tình hình đặc biệt” tại Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự Khe Sanh, kịp thời đề ra cách thức bảo vệ Khe Sanh với bất cứ giá nào; tăng cường thêm 7.000 lính thủy đánh bộ lên trấn giữ Khe Sanh ngoài một lực lượng tinh nhuệ với gần 10.000 tên, gồm 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, các lực lượng pháo binh, thiết giáp…, một bối cảnh diễn ra giống như thực dân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương “về thực hiện cuộc tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam xuân hè 1968”, tập đoàn cứ điểm Khe Sanh được quân giải phóng đặt trong kế hoạch tiêu diệt, đập tan toàn bộ tuyến phòng ngự của địch trong cục diện chiến trường Trị - Thiên Huế nói riêng và trên toàn miền Nam nói chung vào năm 1968.

Theo đúng kế hoạch, từ ngày 20/1/1968, chiến dịch đánh chiếm cụm cứ điểm Khe Sanh và giải phóng Hướng Hóa bắt đầu. Cùng với việc tiêu diệt các cứ điểm phía Tây để mở thông đường số 9, quân và dân ta nổ súng tấn công chi khu quân sự huyện lỵ Hướng Hóa.

Đêm mồng 6 rạng ngày mồng 7/2/1968, lần đầu tiên bộ đội tăng thiết giáp xuất trận, phối hợp với bộ binh và bộ đội địa phương bất ngờ tấn công căn cứ Làng Vây. Quân và dân ta với phương châm “vây, lấn, tấn, phá, diệt địch”, kết hợp bao bây Tà Cơn ngày càng mạnh, làm cho địch trong thế bị động, ngày càng lúng túng.

Trước nguy cơ thất bại, Mỹ - ngụy điên cuồng mở cuộc hành quân giải tỏa bằng chiến dịch “Ngựa bay”, “Lam Sơn 270”, huy động Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ, kết hợp với 17 tiểu đoàn nhằm tái chiếm các cứ điểm đã bị mất. Nhưng với vũ khí hiện đại và lực lượng quân khổng lồ lúc này đã không khuất phục ý chí chiến đấu kiên cường, xông lên quyết chiến quyến thắng của quân và dân ta. Cuộc hành quân giải toả “Ngựa bay” của địch bị thất bại nặng nề, vòng vây Khe Sanh ngày càng bị thắt chặt, quân đồn trú của Mỹ bị hoang mang lo sợ, hoảng hốt kêu cứu. Bị thiệt hại nặng nề và trước tình thế bị bao vây cô lập, từ ngày 26/6 trong thế tuyệt vọng, đế quốc Mỹ buộc phải hạ lệnh rút quân khỏi Khe Sanh trong sự thất bại thảm hại.

Tranh thủ thời cơ, quân và dân ta chặn đánh quân địch chạy bằng đường bộ và hàng không. Ngày 9/7 quân và dân ta chiếm giữ cứ điểm Tà Cơn, Khe Sanh hoàn toàn giải phóng, đập vỡ một mảng trọng yếu tuyến phòng thủ đường 9-Khe Sanh của địch. Từ các hướng quân dân ta tiến về tiếp quản chính quyền huyện lỵ, cờ đỏ sao vàng tung bay rợp trời Khe Sanh - Hướng Hoá. Ngày 11/7/1968, Bộ Tư lệnh mặt trận Khe Sanh ra thông báo: “Sau 170 ngày chiến đấu liên tục và vô cùng anh dũng, quyết liệt, quân giải phóng mặt trận Khe Sanh đã chiến thắng oanh liệt, đập tan ý đồ ngông cuồng và ngoan cố của giặc Mỹ tại chiến trường Bắc Quảng Trị, buộc chúng phải thất thủ ở Khe Sanh”. Như vậy, sau 4 đợt tấn công, vây hãm của quân và dân ta từ 20/1 đến 9/7/1968, huyện Hướng Hóa, huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn.

Thắng lợi trên mặt trận đường 9 mà đỉnh cao là chiến thắng Khe Sanh-Hướng Hoá có ý nghĩa vô cùng to lớn. Cùng với thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ta đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc và ngồi vào đàm phán tại Paris.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh là bản anh hùng ca của dân tộc ta, của quân đội ta, cũng là niềm tự hào của quân và dân Quảng Trị và huyện Hướng Hóa anh hùng. Chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển của huyện Hướng Hóa 9/7 (1968 - 2013) thật đáng phấn khởi và tự hào, thành tích đó đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng việc phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Một số hình ảnh đi dự lễ kỷ niệm:

(Thắp hương tại cửa khẩu Cha Lo-đường đi Cổng Trời)
(Tại thành cổ Quảng Trị)

(Tại bến thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn) 
(Bên bờ sông Thạch Hãn)

(Tại cứ điểm 241-Carrol)

(Trên cầu Đakrông)

(Tại nghĩa trang Khe Sanh (đồi Ku bốc)

(Với Thu Uyên tại sân bay Tà Cơn)


(Tại bảo tàng Đường 9-Khe Sanh)


(Bên máy bay Chehook CH-47 của Mỹ trên sân bay Tà Cơn)




(Tại buổi truyền hình trực tiếp)


(Tại lễ khởi công xây dựng đài tưởng niệm và bến thả hoa dòng sông Ô Lâu bên cầu Mỹ Chánh thuộc xã Hải Sơn-Hải Lăng-Quảng Trị)


 (Cùng đoàn trưởng và các cựu chiến binh)
(Thả hoa trên sông Ô Lâu dưới chân cầu Mỹ Chánh)


(Tại nghĩa trang liẹt sĩ Trường Sơn)
(Tại đèo Đá Đẽo trên đường Hồ Chí Minh)
(Tại cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh-Tân Kỳ-Nghệ An)
(Khu tưởng niệm anh hùng liệt sĩ khu vực bến phà Long Đại)

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Tri ân đồng đội !

Cứ mỗi lần trở về với Quảng Trị là Nó lại bồi hồi xúc động. Nơi đây 5 năm trời (1970-1974) so với 40 năm cuộc đời quân ngũ Nó đã từng sống, chiến đấu lao động và học tập cùng với anh em đồng đội chẳng đáng là bao. Nhưng mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này, đến các địa danh nơi Nó cùng đồng đội đã từng chiến đấu, các nghĩa trang Liệt sĩ thắp hương tri ân đồng đội Nó đều khóc. Nó thương biết bao nhiêu lớp anh em đồng đội và người dân Quảng Trị của Nó đã hy sinh trên mảnh đất này để cho nó được sống. Hiện nay nhiều người còn đang nằm lại các vùng rừng núi, chân trời, đáy sông và góc biển ! Hôm nay Nó lại trở về Tri ân đồng đội ! Nó nguyện với anh em rằng Trời cho Nó còn sức khỏe Nó đi, năm nào nó cũng sẽ về Tri ân đồng đội !
Hôm nay 04/7/2013 Nó lên đường trở về Quảng Trị dự lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh và giải phóng huyện Hướng Hóa tổ chức vào 20 giờ 10 ngày7/7/2013 tại Sân bay Tà Cơn, đi thắp hương Tri ân đồng đội.  Chào các bạn blogspot nhé ! Lão phó Cối tôi đi ! Các bạn vô nhà cứ vô tư nhé ! Hẹn một ngày gần đây gặp lại !