Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Đầu năm vãn cảnh chùa Hương


23:39 22 thg 3 2011Công khai0 Lượt xem38

Mỗi độ xuân về, khi những cơn gió bấc thôi hun hút, chỉ còn mưa bụi giăng mờ, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, hàng triệu phật tử cùng du khách bốn phương lại nô nức hành trình về với hội chùa Hương-về với miền đất Phật, về với nơi Quan Thế âm Bồ tát hiện ứng tu hành để thỉnh những lời nguyện cầu cho năm mới tốt lành, hoặc thư thái thả hồn chìm đắm vào thiên nhiên.

Cách Hà Nội 62km về phía tây nam, thuộc địa bàn xã Hương Sơn - huyện Mỹ Đức (TP.Hà Nội), lễ hội chùa Hương tự ngàn đời đã đi vào thơ ca, nhạc họa của không biết bao nhiêu thế hệ thi nhân Việt Nam. Lễ hội chùa Hương cũng là một mốc thời gian để nói lời hẹn ước, đợi chờ của nối tiếp các thế hệ trai gái yêu nhau... Sở dĩ lễ hội chùa Hương ăn sâu vào tâm thức của những cư dân người Việt ấy là vì nơi đây được thiên nhiên ban tặng cho khung cảnh “kỳ sơn tú thuỷ” mà du khách muốn đến thắp hương lễ Phật phải vượt suối băng rừng bằng chính đôi chân của mình.
(Cảnh Bến Đục-Chùa Hương)

(Đền Trình)

(Cảnh bơi thuyền dọc theo suối Yến vào Thiên Trù)

Núi ở chùa Hương không hùng vĩ chất ngất như nhiều dãy núi khác ở Việt Nam, nhưng lại có vẻ đẹp kỳ thú với những tên gọi mang tính bí ẩn của thuyết phong thuỷ như: Núi long, ly, quy, phượng. Nhưng dân gian lại đặt tên cho núi gắn liền với đời sống hiện thực như: Núi ba đài rượu, núi con trăn, núi mâm xôi, núi con gà, núi voi, núi đổi chèo... Chùa lại nằm sâu trong núi, ẩn hiện mơ màng trong mây. Ngồi trên đò, ngược dòng Yến Vỹ, mùi hương đất trời, cỏ cây bảng lảng trong sương khói, khiến du khách như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Vậy nên từ thế kỷ 19, Chu Mạnh Trinh khi đặt chân đến Hương Sơn đã thốt lên:
“Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh,
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải bỗng giật mình trong giấc mộng…”.
Qua đền Trình (Ngũ Nhạc linh từ),  rời con thuyền với mái chèo ỳ oạp vỗ nước, du khách lại được tận hưởng cái thú trèo non hòa nhập với thiên nhiên hùng vĩ, cao rộng để đến với quần thể chùa chiền núi Hương Sơn như: Chùa Thanh Sơn, chùa Long Vân, động Hinh Bồng, động Tuyết Sơn, đền Trấn Sơn, chùa Giải Oan, Thiên Trù... và cuối cùng là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa trong.
Dù là người đã từng nhiều lần vào động Hương Tích bằng cả đôi chân và giờ có thêm cả cáp treo, nhưng đoạn đường 120 bậc đá bắt đầu từ cửa động xuống hang chùa không ai không có cảm giác “Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây...”. Lối vào động, trên vách đá cao bên trái có khắc 5 chữ “Nam thiên đệ nhất động” của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đặt bút đề tháng 3 năm Canh Dần (1770) khi nhà chúa tuần du Sơn Nam. Trong động, những khối thạch nhũ to nhỏ được người xưa thổi hồn đặt tên theo hình dáng tự nhiên. Ngay cửa động có một cột nhũ đá lớn được đặt tên là núi đụn gạo. Trong đời sống nhân dân, gạo là thức ăn quan trọng hàng đầu, nên  đụn gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu.
(Chùa Thiên Trù)
(Ga cáp treo trên động Hương Sơn)
(Chùa Tiên Sơn)
Cảnh người đi bộ lên động Hương Tích
Cảnh chen nhau lên cáp treo


Động Hương tích
Dưới chân đụn gạo có một hõm đá nhỏ xíu gọi là cối giã. Gần đụn gạo là núi Cô và núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt tháng rỏ xuống không ngừng, nên du khách ai đến cũng muốn được một giọt lấy may. Cùng một hàng dọc với núi Cô, núi Cậu và lui vào phía trong là cây bạc, cây vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh. Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy chuồng lợn, ao bèo, nong tằm, né kén... Toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá. Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long.
Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong chùa Hương mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Quan âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn. Pho tượng bằng đá, có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ tì lư. Tượng ngồi ở tư thế đặc biệt, tay phải cầm viên ngọc minh châu, chân trái duỗi, đặt trên một bông sen nở, chân phải co, dưới chân cũng có một bông sen. Theo bài ký khắc trên đá năm 1806 thì pho tượng này được tạc năm 1793.
Đầu năm vãn cảnh chùa Hương, hành hương về nơi cõi Phật, được hòa mình vào non xanh nước biếc nơi này khiến lòng ta thanh thản hơn, tràn đầy sức sống hơn cho việc chinh phục những mục tiêu mới của tương lai phía trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét