Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nhớ lại một thời đã qua ! Phần 2

Nói về cái nghiệp học hành của tôi cũng lắm gian nan. Từ năm lớp 1 đến năm lớp 4, ngày xưa gọi là cấp 1 tôi học tại trường của xã. Gọi là trường học thôi, nhưng đâu có được học tập chung như các trường học bây giờ ! Nhà của Ban giám hiệu và khu tập thể của trường giành riêng cho những thày cô ở xa là những ngôi nhà tranh tre vách đất, các lớp học dựa vào những ngôi đình, ngôi chùa của địa phương. Do số lượng lớp có hạn nên học sinh phải học 3 ca: buổi sáng, ban trưa và buổi chiều.
Năm 1964, trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, Mỹ Nguỵ tiếp tục âm mưu phá hoại miền Bắc từ hình thức phá hoại bí mật sang chống phá bằng không quân và hải quân.
Ngày 2 tháng 8 năm 1964 chúng đã gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ đánh phá miền Bắc Việt Nam. Bắt đầu từ đây miền Bắc đã chuyển từ thời bình sang thời chiến. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học sơ tán. Những năm học cấp 2, cấp 3, chúng tôi phải sơ tán về học tại những địa điểm ở xa thành phố. Một tuần lễ, ngoài các buổi học, chúng tôi phải lao động xây dựng trường lớp. Bắt đầu vào năm học mới mỗi đứa phải góp 2 cây tre, 20 kg rơm để làm nhà, làm hầm kèo trú ẩn….Lớp học của chúng tôi là nhà âm, bằng tre nứa nửa nổi, nửa chìm; xung quanh lớp học đắp đất để chống bom, bên trên làm trần bằng rơm bện để chống bom bi; Từ lớp học có các cửa thông ra ngoài tới hệ thống giao thông hào và hầm kèo trú ẩn.
Trong quá trình đi học không được tụ tập đông, không được mặc áo sáng mầu, đầu phải đội mũ rơm…Có những hôm đang học thì máy bay đánh vào thành phố, tiếng bom nổ, tiếng pháo phòng không của ta bắn lên, chúng tôi phải cơ động vào hầm trú ẩn. Khổ nhất là những hôm trời mưa to, nước ngập các giao thông hào và hầm kèo, lại phải mang gầu tát nước, hơn nữa việc ra vào lớp bị bùn bẩn nhếch nhác. Thầy và trò nhà trường vừa dạy học, vừa tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu. Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt”, với quyết tâm đánh thắng giặc trên mặt trận giảng dạy và học tập, các lớp học được phân tán về hầu hết các xã trong huyện và được nhân dân nhiệt tình giúp đỡ, che chở. Trong ký ức các thế hệ nhân dân khu vực vẫn khắc sâu hình ảnh những lớp học sơ tán ở các thôn xóm thuộc các xã Mỹ Tân, Mỹ Tiến, Mỹ Hưng, Lộc Vượng… Thầy trò vừa giảng dạy và học tập, vừa làm hầm, đào giao thông hào, sẵn sàng chiến đấu. Dưới bom đạn của giặc, thầy trò vẫn hăng say, miệt mài dạy và học.

(lớp học dưới hầm )

Có thể nói những ngày tiếp theo đó là những ngày long đong nhất trong cuộc đời học trò của thế hệ chúng tôi. Địa điểm học cứ vòng quanh như đèn cù khắp các thôn xã xung quanh trường như Hồng Phong, Đoàn kết, Tân Tiến, Trung Trại, khi chúng tôi học cấp II; Nguyễn Huệ, Lăng Xá, La Đồng, La Hóp khi học cấp III… Có thời gian vì ban ngày báo động máy bay Mỹ quá nhiều không thể học được, chúng tôi phải chuyển sang học vào buổi tối. Thế là hành trang của chúng tôi mỗi khi đến lớp lại có thêm một chiếc đèn dầu. Trên bảng đen treo một chiếc đèn bão. Nhưng tất cả các ngọn đèn đều phải che bớt lại để không bị lộ sáng ra ngoài, chỉ để vừa đủ ánh sáng chép bài. Vậy mà thầy trò vẫn cứ vui vẻ dạy và học… Suốt cả năm học lớp 9 và lớp 10 chúng tôi phải học trong cảnh dã chiến như thế bởi Nam Định là một trong những thành phố trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Vì phải học xa nhà nên cứ chiều thứ 7 là chúng tôi về nhà lấy gạo, củi. Trong những năm tháng khó khăn đó, tôi đi học là được ưu ái rất nhiều, khẩu phần ăn của tôi trong tuần là 14 miệng bò gạo độn 50% ngô mảnh, chai 65 nước mắm pha loãng 30%; còn rau và thức ăn thì tự cải thiện. Cứ mỗi buổi sáng lên lớp học, chiều về nhà tự học là chúng tôi mỗi đứa một chiếc cần câu ra cánh đồng, đến các ruộng lúa để câu cá rô về kho; còn rau thì đi các bờ ruộng, các lối đi để hái rau dền cơm, rau xam, rau muối ở các ruộng rau khoai lang của hợp tác xã. Ở nhà tôi biết mẹ và anh em tôi phải chịu khổ và vất vả hơn tôi nhiều, gọi là khoai độn gạo thì mới đúng vì gạo thì ít mà độn khoai thì nhiều, có thể một củ khoai cõng chục hạt gạo; mẹ và các em đã giành nhiều phần ưu ái cho tôi. Nên các ngày thứ 7, chủ nhật tôi cố gắng giúp mẹ và các em giải quyết công việc gia đình. Công lao của cha mẹ thật là như biển rộng bao la, không gì có thể so sánh được. Phải nói rằng tình thương của mẹ, cùng với những hạt gạo, củ khoai đã thương mà nuôi lớn chúng tôi nên người. Thế rồi năm tháng cứ trôi đi, tôi cũng đã học hết  chương trình cấp III.
Do đất nước có chiến tranh, thế hệ học sinh, sinh viên chúng tôi ngày ấy rất nhiều người đã phải xếp bút nghiên ra trận. Tôi cũng là một trong những số đó.  Tôi vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều ngày 25 tháng 4 năm 1970 anh em chúng tôi chính thức nhập ngũ vào Sư đoàn 320A (đoàn Đồng Bằng). Cả trường tôi đợt này đi đông lắm, hơn 200 người, riêng lớp tôi 20 người. Bạn bè đưa tiễn chúng tôi rất đông với tình cảm người đi, kẻ ở thật là lưu luyến.
Đúng 17 giờ ngày 25 tháng 4 năm 1970, chuyến tàu hỏa chở cánh lính học sinh chúng tôi rời ga Nam Định xuôi về phía Nam…Anh em chúng tôi đứng ở lan can phía đuôi toa tầu, nghe chiếc đầu máy hơi nước già cỗi nặng nề lôi một dãy toa dài phía sau, trên khuôn mặt mỗi người đều hiện lên nột nỗi buồn man mác. Khoảng 5 giờ sáng ngày 26 tháng 4, anh em chúng tôi đã có mặt tại ga Minh Khôi, tiếp tục đi bộ khoảng hơn 10 cây số nữa vào đến nông trường Yên Mỹ thuộc xã Thăng Long, Thăng Thọ, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hoá. Doanh trại đơn vị chúng tôi là một dãy nhà lá làm trên một sườn đồi; chúng tôi huấn luyện ở đây 1 tháng, sau khi bắn đạn thật xong bài 1 bắn mục tiêu cố định chúng tôi được điều về đơn vị chiến đấu gấp. Tôi được điều về Trung đội trực thuộc của Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64, đơn vị đóng quân tại xã Cát Sơn, huyện Tĩnh Gia. Khi về đến đơn vị chúng tôi khẩn trương làm công tác chuẩn bị cho hành quân nhận nhiệm vụ. Anh em trong tiểu đội nhận quân trang bổ sung, gạo, trang bị vũ khí, lương thực thực phẩm. Khí thế của đơn vị rất khẩn trương. Nhân dân và các đoàn thể địa phương biết chúng tôi chuẩn bị lên đường đến thăm hỏi và động viên, tình cảm quân với dân thật là thắm thiết.
Ngày 12 tháng 6 năm 1970 đơn vị chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ hành quân đi chiến trường.  Xe ô tô chở chúng tôi theo các trạm giao liên của đường Trường Sơn, qua dốc Bò Lăn, các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, vào ngã 3 Thạch Bàn lên làng Ho rồi vào đến đồi dốc Khỉ thuộc xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình. Trong những năm 1965-1972, đó là những ngày tháng ác liệt nhất. Có giai đoạn máy bay Mỹ đánh 101 ngày đêm liên tục vào làng Ho để hòng đốt cháy kho chứa gạo, súng đạn và bộ đội của Binh trạm 27 của Đoàn 559. Làng Ho trở thành tọa độ lửa, và là tuyến hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam.
Khu vực này chủ yếu là nơi bộ đội và thanh niên xung phong đóng quân và một số hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Lúc đầu, bà con dân tộc cũng không biết bộ đội, TNXP là ai. Song ngày một ngày hai, bà con dân tộc nơi đây đã sát cánh chung sức cùng với bộ đội để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Dân bản phân công thanh niên khỏe mạnh ra giúp bộ đội làm đường, dựng lán, vận chuyển gạo, đạn dược… Bộ đội dạy cho bà con dân bản học chữ, tập hát những bài ca cách mạng. Dân bản, bộ đội, TNXP đã gắn bó keo sơn để rồi chính họ làm nên những nhánh đường Trường Sơn huyền thoại.
Đơn vị tôi có nhiệm vụ kết hợp cùng với các đơn vị thanh niên xung phong (Tiểu đoàn TNXP 119, với 3 đại đội gồm C751, 752 và 759, do chị Nguyễn Thị Kim Củng làm tiểu đoàn trưởng) mở rộng Đường 16 đoạn từ Làng Ho qua dốc Khỉ vào ngã 3 Dân Chủ, đến Bắc sông Băng Hiêng, có chiều dài khoảng 50 km từ đường xe thồ thành đường cho xe cơ giới đi được. Song song với việc mở đường, chúng tôi còn sẵn sàng ứng cứu giải toả đường khi bị tắc, cứu hàng hoá khi bị máy bay địch đánh phá. Ban ngày Mỗi khi có tiếng máy bay OV-10 bay qua, chúng bắn pháo khói chỉ điểm cho lũ máy bay phản lực ném bom. Ban đêm chúng sử dụng máy bay C130 có hệ thống bắn ban đêm tiêu diệt các xe ô tô chở hàng của ta. Các xe chở hàng chạy vào ban đêm, từ 18 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.Chúng tôi thay nhau trực cả đêm, ngồi trực nhìn những đoàn xe với hệ thống đèn gầm lầm lũi chở hàng vào chiến trường, chúng tôi đếm từng xe vào, đợi cho đến sáng hôm sau xem số xe có chạy ra đủ không ? Mọi người chỉ mong rằng đêm hôm đó sẽ không có chuyện gì xảy ra, cho đỡ vất vả. 
Trong những năm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, làng Ho chính là địa chỉ đỏ của Bộ đội Trường Sơn và Thanh niên xung phong (TNXP). Chính nơi này, Quân ủy Trung ương quyết định mở đường cơ giới Thạch Bàn, làng Ho, làng Ho-Khe Sanh để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh và Mậu Thân năm 1968. Đây cũng chính là điểm tập kết lực lượng, quân lương chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971…Sau 35 năm ngày đất nước thống nhất , tôi lại có dịp quay trở lại nơi chiến trường xưa. Bây giờ đây Làng Ho đã có nhiều sự thay đổi. Đồng bào các dân tộc ở làng Ho đang nắm chặt tay nhau xây dựng bản làng giàu, đẹp bên đường Hồ Chí Minh đầy sức sống mới. 
Công việc của chúng tôi cứ như vậy trong suốt thời gian dài đến tháng 9 năm 1970 thì toàn bộ tuyến đường 16 cơ bản đã hoàn thành, chúng tôi nhận được lệnh hành quân ra Quảng Trạch để sẵn sàng đánh địch khi chúng liều lĩnh đổ bộ ra nam Quân khu 4 và đường 9 Nam Lào. Một nỗi buồn vô hạn, trong mấy tháng mở đường dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù ấy, Tiểu đội tôi có 9 người, đã có 2 người hy sinh phải nằm lại cánh rừng già bên cạnh làng Ho, 3 người bị thương nặng phải trở về tuyến sau đến nay tôi vẫn chưa một lần gặp lại. 
(Còn nữa)

8 nhận xét:

  1. Ngày mới chúc anh vui và tặng anh TEM VÀNG nè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Minh Châu Trần đã ghé thăm !
      Chúc một ngày mới vui vẻ nhé !

      Xóa
  2. Tem mới cho anh nè, hii
    Chúc anh ngày mới an vui nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh cảm ơn Mai Thúy Lê nhé !
      Chúc em một ngày mới vui vẻ !

      Xóa
  3. Lão Cối ơi , lão Cối à ...ngày mới vui nhiều nghe Lão !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lão cảm ơn Dung nhé !
      Chúc nàng một ngày mới vui vẻ và may mắn nhiều !

      Xóa
  4. Kỷ niệm nhớ một thời trong binh lửa
    Thế anh hào lịch sử mãi còn ghi ........................
    .........

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bạn đã ghé thăm !
      Chúc một ngày mới tốt lành nhé !

      Xóa