Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nhớ lại một thời đã qua, phần thứ 7: Tôi đi Tây !

Ở trường Văn hoá quân đội, có nhiều lớp, lớp học của tôi chỉ có 5 anh em, mỗi đứa một quê: anh Hà Phú Cường thuộc Quân khu 2, lớp trưởng quê Phú Thọ; anh Nguyễn Văn Đạo quê Ba Vì, Sơn Tây ở Sư đoàn 312, Quân đoàn 1; anh Trần Quốc Phú quê Hà Tĩnh, ở Sư đoàn 320 Quân đoàn 3; anh Nguyễn Văn Hà quê Hà Tĩnh, thuộc Sư đoàn 308 Quân đoàn 1 và tôi ở Sư đoàn 320B Quân đoàn 1. Trường Văn hoá Quân đội trước đây đóng ở thị xã Lạng Sơn, năm 1979 khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra trường được lệnh chuyển về Mỏ Chén thuộc Ba Vì, tỉnh Hà Sơn Bình, riêng hệ Chỉ huy chúng tôi ở Phùng Thượng, Phúc Thọ. Cơ sở vật chất của nhà trường còn rất sơ sài. Các lớp học và nhà ăn, cùng cơ quan hành chính của Hệ có doanh trại nhà tạm bằng tre nứa, lợp dạ.  Còn toàn bộ học viên chúng tôi phải ở nhờ nhà dân. Phùng Thượng là một làng thuần nông, ngoài công việc đồng áng xong, người dân ở đây có nghề bắt rắn rất giỏi. Cứ mỗi độ gặt hái xong là cả làng đi bắt rắn, đến mùa lại về cày cấy. Sống ở đây thỉnh thoảng bọn chúng tôi lại được uống rượu và ăn thịt rắn, kể cũng hay. Hàng ngày chúng tôi lên lớp học 2 lần, nội dung học tập của chúng tôi chủ yếu là tiếng Nga và làm quen với các phong tục tập quán của đất nước của Lênin. Thấm thoát thời gian trôi đi rất nhanh, đến tháng 8 năm 1980 chúng tôi chuyển về Sài Đồng, Gia Lâm Hà Nội để khám sức khoẻ, làm hộ chiếu, chuẩn bị nhận hành lý để đi du học.
Vào một đêm đẹp trời đầu tháng 9 năm 1980, chiếc IL-62 của hãng hàng không Liên Xô Aeroflot chở 186 anh em học viên Quân sự chúng tôi rời khỏi sân bay Đa Phúc (hồi đó chưa gọi là sân bay Nội Bài) theo đường Viễn Đông, qua eo biển Nhật Bản, tạm dừng ở sân bay Khabarovsk khu vực viễn đông của Liên Xô, sau đó tiếp tục bay thẳng về thủ đô Moscow. Những năm trước đây đi học ở Liên Xô, thường đi bằng tầu hoả qua Bắc Kinh, nhưng từ năm 1979 xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, tầu hoả liên vận quốc tế bị đóng cửa,  nên chúng tôi phải đi bằng máy bay.

(Thành phố Khabarovsk) 
Sau 14 giờ bay liên tục, đến 20 giờ, (giờ Moscow sớm hơn giờ Hà Nội 4 tiếng) chúng tôi đặt chân xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo-2 vùng ngoại ô thủ đô Moscow. Xe của học viện quân sự frunde và cán bộ của tuỳ viên Đại sứ quán Việt Nam đã chờ đón chúng tôi ở đó. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, nhận hành lý chúng tôi lên xe, sau hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi đã về tới khu ký túc xá của Học viện.  

(Sân bay quốc tế Sheremetyevo-2)

(Thủ đô Mosscow)

          Học viện Quân sự Frunze là trường đào tạo sĩ quan chỉ huy binh chủng hợp thành cấp trung đoàn của quân đội Nga. Khuôn viên của trường năm trên Quảng trường Lép Tônxtôi, đối diện với Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô.
          Trường được thành lập năm 1918, được gọi là Học viện Hồng quân Công nông, ngày 5 tháng 11 năm 1925 đổi tên thành học viện Quân sự frunze. Địa chỉ của trường ở thủ đô Moscow.  Học viện có 1 Giám đốc; phụ trách Giáo dục-Đào tạo, Nghiên cứu Khoa học có 1 Phó Giám đốc. Giám đốc là Đại tướng, Phó Giám đốc phần lớn là Trung tướng. Dưới Học viện có Ban Huấn luyện, Ban Nghiên cứu và Bảo đảm vật chất kỹ thuật, Ủy ban Nhà trường, Ủy ban Học thuật và Ủy ban Phương pháp giảng dạy. Đơn vị phụ trách dạy học và bảo đảm dạy học là Phòng Nghiên cứu Giảng dạy Chiến dịch Chiến thuật, Phòng Lịch sử chiến tranh và Nghiên cứu giảng dạy lịch sử nghệ thuật quân sự, Phòng Nghiên cứu giảng dạy Ngoại ngữ, Phòng Trưng bày nghiên cứu khoa học, Thư viện v.v…


Khoa Ngoại quốc học viện Quân sự Frunze. (C120mm đứng hàng trên, thứ 6 từ trái sang)

          Điều kiện nhập học của học viên vô cùng khắt khe, buộc phải tốt nghiệp các trường chỉ huy cao cấp các binh chủng hợp thành, từng qua cương vị chỉ huy tiểu đoàn từ 2 năm trở lên, có kinh nghiệm thực tiễn chỉ huy phân đội, tu dưỡng, rèn luyện, chiến đấu tốt, dưới 38 tuổi, quân hàm cấp Đại úy hoặc Thiếu tá.
Cách thức tuyển sinh là thông qua lãnh đạo giới thiệu, thẩm tra từng người, lựa chọn những người ưu tú. Thống nhất các môn thi gồm tiếng Nga, toán học, vật lý, văn học, chiến thuật, trang bị kỹ thuật v.v… 
Học viện Frunze có Hệ cơ bản và Hệ hàm thụ. Chế độ học tập đều là 3 năm. Riêng đối với học viên Việt Nam học 4 năm vì phải học thêm 1 năm Ngoại Ngữ. Chương trình học của Hệ cơ bản là: Công tác Tham mưu tác chiến, chiến dịch, chiến thuật binh chủng hợp thành, lịch sử chiến tranh, quân đội nước ngoài, kinh tế học, ngoại ngữ, tâm lý học quân sự, giáo dục học quân sự, kỹ thuật quân sự và hậu cần quân sự…

          Chương trình học của Hệ hàm thụ được thiết kế và có tiến độ tương đồng với Hệ cơ bản, nhưng quá trình dạy học chủ yếu nhấn mạnh đến việc tự học của học viên.

Phương pháp dạy học của trường này tương đối tiên tiến, trong huấn luyện đặc biệt nhấn mạnh vận dụng tổng hợp nhiều hình thức như giảng bài, thảo luận trên lớp, tự học-tự nghiên cứu, các bài tập thực hành, các loại diễn tập…, nâng cao tố chất kỹ thuật quân sự chiến dịch, chiến thuật cho học viên, bồi dưỡng cho học viên khả năng độc lập suy nghĩ và giải quyết vấn đề. 
Giáo viên của Học viện có tri thức uyên bác, kinh nghiệm phong phú, rất nhiều giáo viên đều là những vị tướng và sĩ quan từng trải nghiệm qua chiến tranh, nhiều năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời có học hàm Tiến sĩ. Những giáo viên khoa ngoại quốc phần lớn đã sang Việt Nam.
Đây là Học viện có uy tín trên thế giới, đã đào tạo một số lượng lớn nhân tài quân sự cho các lực lượng vũ trang Nga, trong đó có các nguyên soái của Liên Xô gồm Chuikov, Gelieqike, Zhukov, Varro Ivanov, Niyazov đều từng tốt nghiệp trường này. Các Nhà chỉ huy quân sự của Việt Nam cũng có rất nhiều người đã từng học ở đây và học ở Học viện Vô Lô xi lốp. 
Năm đầu tiên chúng tôi được học tiếng Nga, cuối năm tổ chức thi, nếu ai không đạt thì sẽ phải trả về nước.  Bước sang năm thứ 2 bắt đầu học chương trình chính khoá. Tât cả các môn học ở đây sau khi học xong phần lý thuyết đều được thực hành. Ngoài các môn chung, về chiến thuật chiến dịch, năm thứ nhất chúng tôi học cấp tiểu đoàn, năm thứ hai học cấp trung đoàn, năm thứ ba học cấp sư đoàn và một phần tập đoàn quân. Học xong cấp nào, đều có thăm quan diễn tập thực binh ở cấp đó. Chúng tôi được học và sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị có trong biên chế của đơn vị.
Chương trình học tập của chúng tôi rất căng thẳng. Buổi sáng lên lớp tại phòng học hay giảng đường. Buổi chiều và buổi tối tự học bài cũ và chuẩn bị các bài tập cho các buổi học hôm sau. Riêng buổi chiều thứ 7 và ngày chủ nhất được nghỉ. Tự học, nhưng tất cả chúng tôi phải vào học viện, không được phép mang tài liệu ra khỏi cổng. Nếu ai chấp hành không nghiêm sẽ bị kỷ luật đuổi về nước luôn. Chính vì vậy, có những buổi tối chúng tôi phải học đến tận 10 giờ hoặc 11 giờ đêm, đến nỗi trực ban của Học viện phải lên mời về.
Các môn học khác, nhất là các môn bắn súng bộ binh và pháo đi cùng bộ binh thì chúng tôi không sợ, đến Tây phải nể luôn. Nhưng riêng cái khoản lái và bắn các loại súng trên xe và vũ khí mới thì chúng tôi thua Tây là cái chắc rồi, vì bên Việt Nam mình làm gì có thời gian và vũ khí đâu mà được thực hành. Tôi còn nhớ, buổi ban đầu ra tập lái xe chiến đấu bộ binh, hay xe tăng. Họ giao cho chúng tôi mỗi người 1 xe và 1 phụ lái để tập lái theo các bài. Thằng thì cho xe xuống ao, đứa thì đưa xe lên đồi, nhìn rất buồn cười. Biết là chúng tôi chưa được học, nên Học viện phải bố trí chương trình thêm cho chúng tôi. Học đưa cho mỗi tên 1 xe ra một bãi rộng mênh mông tập lái chán đi sau đó mới đưa vào lái theo bài. Hết lái bắn các bài ban ngày, rồi đến lái bắn ban đêm. Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ.  
Nói về ăn ở và sinh hoạt của chúng tôi rất đàng hoàng, 4 anh em ở một căn hộ khép kín gồm 2 phòng ngủ, 1 bếp và phòng ăn, 1 công trình phụ. Ăn uống chúng tôi tự túc nấu ăn lấy. Buổi sáng chúng tôi ăn bánh mì sữa, buổi trưa chúng tôi ăn mỳ ống nấu thịt, buổi chiều có thời gian rảnh hơn, chúng tôi ăn cơm theo kiểu Việt Nam. Ghép  2 anh em ăn chung với nhau, mỗi người trực phòng 1 tuần, đi chợ, mua sắm đồ ăn, lương thực thực phẩm của 1 tuần đó. Mỗi 1 năm chúng tôi được may đo 1 bộ quần áo hè, 1 bộ quần áo đông. Phụ cấp 1 tháng được 80 rúp, đến năm 1983 tăng lên 110 rúp. Nếu như trước đây, chưa có chiến tranh biên giới phía Bắc, mỗi năm chúng tôi được nghỉ hè 1 lần đi về bằng tầu hoả qua Trung Quốc. Nhưng từ năm 1979, đường tầu qua Bắc Kinh bị cắt, nên chế độ nghỉ phép của chúng tôi cứ 2 năm một lần về bằng đường hàng không. Năm 1981 chúng tôi không được về phép mà nghỉ hè tại Xô Chi.
Lớp Việt Nam đi nghỉ mát ở Xô Chi cùng các bạn bè nước ngoài. (C120mm đứng sau người ngồi trên bậc)
Năm 1982, sau 2 năm đi xa, chúng tôi được về phép nghỉ phép 1 tháng, lại tiếp tục trở lại nước Nga để học tập, và đến tháng 10 năm 1984, sau 4 năm dùi mài kinh sử ở nước bạn, chúng tôi tốt nghiệp về nước.
C120mm cùng anh em vui ngày chiến thắng phát xít (ngày 9 tháng 5) trên Công viên "Văn hoá" tại thủ đô Matxcơva năm 1980.(C120mm đứng thứ nhất từ trái sang) 
Lớp Việt Nam, cùng với các bạn Mông Cổ bên cô giáo dạy Nga văn- 1981
Lớp học của C120mm thăm nông trang thuộc ngoại ô Matxcơva
Dù sao đi chăng nữa chúng tôi cũng có 4 năm học tập ở bên đất nước của Lênin vĩ đại. Một trong những cường quốc trong khối kinh tế Sép, và khối quân sự Vác xa va hồi bấy giờ, là một niềm mơ ước của những ai mong muốn được du học ở nơi đây. 
Năm anh em cùng lớp chúng tôi hồi đó nay đều đã trưởng thành trong quân đội, anh Trần Quốc Phú hiện nay là Hiệu trưởng trường Sĩ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây, anh Nguyễn Văn Đạo-Tư lệnh Quân khu 1 đã nghỉ hưu ở Hà Nội, anh Cường và anh Hà đã mất do ảnh hưởng của vết thương chiến tranh. Còn tôi, hiện là Ô sin trông coi trang trại cho bà chủ ở Nam Định.
Trong những năm học tập ở bên đó, biết bao nhiêu những kỷ niệm, những ký ức được sống bên những anh em, đồng chí bạn bè của các nước trong phe Xã Hội chủ nghĩa. Bây giờ đây vẫn còn khắc đậm dấu ấn trong ký ức của tôi. Ký ức của một thời đã qua !     
Còn nữa !  Phần tiếp theo: Tôi đi buôn !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét