Năm 1990, sau khi vợ mất, gia đình tôi phải chia năm, xẻ bảy. Hai cháu trai của tôi, cháu thứ nhất 11 tuổi học lớp 5 và cháu thứ ba 5 tuổi ở với ông bà nội, cháu gái thứ hai 8 tuổi học lớp 2 về quê ở với ông bà ngoại. Còn cháu gái, con riêng của vợ tôi 6 tuổi, bắt đầu đi học lớp 1 ở với ông bà nội của cháu. Việc đầu tiên là chúng tôi đón các cháu về ở chung một gia đình. Hai chúng tôi nguyện với người đã khuất sẽ lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn, dạy bảo các cháu nên người.
Cái vất vả nhất với chúng tôi là việc dạy bảo các cháu, thứ hai là về kinh tế lúc đó rất khó khăn. Trở về đơn vị, tôi rất lo lắng cho người vợ trẻ một mình ở nhà chèo chống thế nào ? còn cuộc sống của tôi thì luôn luôn ở xa. Là giáo viên và bộ đội sống trong những năm 1990 của thế kỷ 20 cũng như bao người dân khác, với đồng lương lúc đó không phải là sung túc lắm, trong khi đó chúng tôi lại phải nuôi 4 cháu ăn học, nên một kế hoạch kết hợp tăng gia với chăn nuôi trồng trọt tự cứu lấy mình để giảm bớt một phần khó khăn cho gia đình đã được ra đời.
Chúng tôi xây một chiếc chuồng nho nhỏ, đủ nuôi hai con lợn. Mảnh vườn trước và sau nhà trồng rau quả, tự cung, tự cấp và kết hợp lấy rau cho lợn, ao chúng tôi thả cá. Mỗi khi đến mùa chúng tôi dồn tiền đong thóc sát lấy gạo cho các con ăn dần, còn cám để nuôi lợn. Vì vậy, mỗi năm nhờ lao động, tăng gia chăn nuôi nên cuộc sống của gia đình chúng tôi có phần ngày một ổn định hơn.
Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải tất cả diễn ra đều êm đẹp theo một chiều, mà vẫn có những sóng gió xảy ra. Các cháu đang ở cái tuổi dở dở, ương ương, khôn chẳng ra khôn, dại chẳng ra dại. Các hiện tượng ham chơi, đánh điện tử, nghe bạn bè xấu rủ rê bỏ học, vô lễ với mẹ…. bắt đầu xuất hiện, làm cho vợ tôi đôi lúc cũng tủi thân và chạnh lòng. Nhưng vợ tôi vẫn một mực chịu đựng, kiên trì dạy bảo các cháu, không bao giờ cho tôi biết những điều đó, để giữ êm ấm gia đình mỗi khi tôi tranh thủ qua nhà.
Năm 1993, sau một năm củng cố gia đình chúng tôi quyết định sinh “con chúng ta”, và ngày 20 tháng 10 năm 1993, ngày Phụ nữ Việt Nam bé Minh Trang của chúng tôi ra đời.
(Cháu thứ hai: Việt Nga bế em Minh Trang năm 1993)
(Bé Minh Trang khi còn nhỏ-1993)
(Và đây là gia đình nhà c120mm năm 1998: Hai vợ chồng rổ rá cạp lại với con em, con anh và con chúng ta)
Từ nay gia đình chúng tôi có thêm một thành viên mới, giữa niềm vui và nỗi lo lắng cứ đan xen với nhau. Cũng từ đây những khó khăn vất vả lại đè nặng lên vai người vợ trẻ của tôi. Để giúp vợ đỡ một phần trong việc nuôi dậy con cái, tháng 9 năm 1993 tôi xin chuyển vùng từ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 về công tác tại Trung đoàn 64, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1.
Trung đoàn 64 là đơn vị khung thường trực, làm nhiệm vụ huấn luyện quân dự bị động viên và huấn luyện tân binh giao cho các đơn vị phía Nam. Một năm chúng tôi huấn luyện quân DBĐV 1 lần, lấy tân binh và huấn luyện xong giao cho quân đoàn 3 và quân đoàn 4 và các đơn vị phía Nam. Đây là thời gian tôi được ở gần nhà nhất sau 23 năm công tác trong quân ngũ.
(Ảnh C120mm cùng với Ban chỉ huy trung đoàn 64 năm 1994 và thủ trưởng Quân đoàn 1, thủ trưởng Sư đoàn 390. Hàng trên, từ trái sang phải: anh Toản-CNKT trung đoàn; anh Dương-CNKT Quân đoàn; C120mm-Trung đoàn trưởng; anh Sinh-Phó tư lệnh chính trị Quân đoàn; anh Bình- Phó trung đoàn trưởng về chính trị; anh An-Phó sư đoàn trưởng về chính trị; anh Ước-Phó trung đoàn trưởng về chính trị; anh Châu-Tiểu đoàn trưởng dBB7. Hàng thứ hai từ trái sang: anh Trúc-Sư đoàn trưởng; anh Tu, Phó trung đoàn trưởng-TMT; anh Thành, phó sư đoàn trưởng-TMT; anh Lam, Phó tiểu đoàn trưởng về chính trị Tiểu đoàn 8; anh Thống Chủ nhiệm HC trung đoàn).
Về đơn vị mới cách nhà có hơn 50 km, được gần nhà hơn một nửa đường so với Quân đoàn 2, được sự quan tâm của đơn vị nên tuần nào tôi cũng ghé qua nhà được 1 lần vào ngày chủ nhật. Vì vậy, có điều kiện quan tâm, dạy bảo các cháu nhiều hơn.
Tuy nhiên, thời gian gần nhà cũng chẳng được bao lâu, đầu năm 1995 theo sự phân công của tổ chức, tôi lại nhận nhiệm vụ đi học cao học tại Học viện Lục quân Đà Lạt, Lâm Đồng với thời gian 3 năm. Sau khi bàn giao, tổ chức liên hoan chia tay, tôi tranh thủ về thăm nhà vài ngày. Vào Học viện, nỗi xa vắng, nhớ nhà, thương vợ nhớ con; lo lắng cho một gia đình với một người vợ cùng 5 đứa con nhỏ cứ đè nặng trong tâm trí của tôi. Kết thúc đợt ôn thi đầu vào đã có kết quả, tháng 9 năm 1995 chúng tôi bắt đầu nhập học tại học viện. Mọi liên lạc về nhà chủ yếu bằng thư từ, hồi đó đâu đã có điện thoại bàn, hay điện thoại di động như bây giờ. Tôi còn nhớ cả đường phố mới có 1-2 gia đình có điện thoại, còn máy di động hầu như chưa xuất hiện như bây giờ. Để nắm tình hình gia đình, cứ thứ 7 hàng tuần đúng 8 giờ tối vợ tôi lại sang nhà anh ruột để nghe máy, còn tôi đúng giờ này có mặt ở máy dịch vụ của học viện để liên lạc. Nhiều hôm phải chờ đợi sốt cả ruột, đến lượt mình gọi được thì vợ ở nhà chờ quá lâu lại phải về với con, thật là cực.
(C120mm cùng lớp cao học 3 và cô giáo anh văn, Học viện Lục Quân-1995. Hàng trên, từ trái qua phải: Anh Liên-Khoa chiến thuật HVLQ; anh Luật, Trường quân sự QĐ1; C120mm, f390/QĐ1; anh Noi, khoa chiến thuật HVLQ; anh Nhoạn, khoa Trinh sát HVLQ; anh Thanh, Học viện CTQS; anh Việt, Quân chủng PKKQ. Hàng thứ 2, từ phải qua trái: Cô Tuyến, giáo viên khoa ngoại ngữ Đại học Đà Lạt; anh Hồng, khoa chiến thuật HVLQ; anh Mỹ, Học viện CTQS; anh Nghiệp, trường Sĩ quan Đặc công)
Vào học viện nhập học được đúng một tuần, thì 16 giờ 30 phút ngày 12 tháng 8 âm lịch năm 1995 tôi nhận được điện ở nhà bố đẻ tôi đã qua đời. Đúng sáng hôm sau được phép của Học viện, tôi ra bến xe Đà Lạt để ra Bắc.
Trong những ngày đó, ở miền Trung đang mưa lớn, lụt nặng. Quốc lộ 1, đoạn từ Huế ra đến Quảng Bình ngập sâu dưới nước có nơi đến hơn 1 mét. Xe ô tô cứ phải tăng bo từng đoạn. Chúng tôi phải nằm ngủ trong các trường học, các sườn đồi ở khu vực Huế, Triệu Phong, Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị mất 2 ngày đêm; đây là khu vực chiến trường quen thuộc mà chúng tôi hoạt động vào những năm 1972-1973. Do bị lũ lụt chia cắt, chúng tôi bị cô lập, không có gì ăn. Mới đầu còn các quán bán Mì tôm với giá 3000 đ/1 gói, sau lên 5.000đ, 10.000 đ, 12.000 đ một gói cũng không có mà mua. Cuối cùng, những người dân quanh đó nấu canh mì với cá bán cho chúng tôi, đói có cái mà ăn còn là hạnh phúc.
Khi xe chúng tôi đến phà Quán Hầu thì mật độ xe ở đây kẹt đã dài đến chục cây số. Vượt qua bến phà này mất đứt 1 ngày 1 đêm. Thật là một chuyến đi lịch sử, có một không hai. Khi tôi về đến nhà thì bố tôi đã mất được 5 ngày. Cuộc đời bộ đội là như vậy, phải chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, và tôi tin rằng ở nơi chín suối bố tôi sẽ thông cảm và thứ lỗi cho tôi.
Vừa lo đám tang cho bố tôi xong thì cháu Minh Trang bị sốt rất nặng, chúng tôi lại phải cho cháu vào bệnh viện, tôi cũng đã đến ngày trả phép về đơn vị. Nhìn cháu nằm thiêm thiếp trên giường bệnh trong lòng tôi như lửa đốt, thương vợ thương con, nhưng vì nhiệm vụ vẫn gác lại nhờ mẹ, các cô dì chú bác ba bên và bà con hàng xóm láng riềng giúp đỡ, tôi vẫn gác lại mọi công việc để trở về đơn vị đúng thời gian quy định.
Cháu nằm ở bệnh viện đa khoa tỉnh 30 ngày cũng không đỡ buộc phải chuyển lên bệnh viện Nhi Thụy Điển-Hà Nội điều trị thêm 45 ngày nữa mới khỏi. Đúng là "phúc bất trùng lai, họa vô đơn trí", khó khăn chồng chất khó khăn. Đây cũng là giai đoạn vất vả nhất của chúng tôi. Vợ và con nằm trên bệnh viện Nhi, Thụy Điển, chồng thì trong Đà Lạt, còn 4 cháu nhỏ ở nhà với ông bà nội, ngoại 3 bên. Làm vợ bộ đội là vất vả và gian khổ như vậy đó. Để có cuộc sống thành đạt, an bình hôm nay tôi cũng cảm ơn vợ tôi, một người tận tụy, chịu đựng gian khổ, đảm đang, nuôi dạy các cháu. Cảm ơn bố mẹ, cô gì, chú bác ba bên, anh em, bạn bè, làng xóm đã cưu mang gúp đỡ tôi trong lúc hoạn nạn. Và cuối cùng là các con tôi, với một cảnh đời éo le, mẹ mất từ sớm, nhưng chúng cũng đã vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, thông cảm và thương yêu người mẹ tuy không sinh ra, nhưng có công dưỡng dục chúng nó nên người. Một cảnh đời: Mẹ gà, con vịt, con ngan nhưng sống rất hạnh phúc, đầm ấm.
Thế rồi thời gian thấm thoát trôi mau, thời gia 3 năm trôi qua, mỗi năm chúng tôi được qua nhà hai lần, một lần vào tết nguyên đán và một lần vào dịp nghỉ hè, tháng 11 năm 1997 chúng tôi kết thúc khóa học trở về ngoài Bắc.
( 7 anh em phía Bắc của Lớp cao học 3 năm 1997)
Tháng 1 năm 1998 tôi bắt đầu chuyên công tác về Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Tham mưu Quân đoàn 1. Cuộc sống của tôi bắt đầu chuyển sang lĩnh vực công tác mới.
(Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Tham mưu Quân đoàn 1. Từ phải qua trái: Văn, Quý, Liên, c120mm, Hà, Anh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét