Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nhớ lại một thời đã qua (Phần 8): Tôi đi buôn !

 Tôi đã viết “Nhớ lại một thời đã qua !” được 7 phần rồi, không hiểu sao đến phần thứ 8 này vì bận nhiều công việc nên không còn thời gian ngồi mà viết. Cái phần thứ 8 này tôi định viết với tiêu đề: “Tôi đi buôn !”, chắc có nhiều bạn trẻ sẽ tò mò hỏi:  Sao là sĩ quan quân đội ai lại đi buôn ? Buôn cái gì ? và buôn như thế nào ? Sao lại như thế ?...vân vân và vân vân. Gọi là buôn cho nó oai thôi, chứ thực ra chúng tôi cũng là những hạt cát thời đó có nhiệm vụ lưu thông hàng hoá từ vùng này sang vùng khác, phục vụ nhân dân trong cái thời “ngăn sông”, “cấm chợ” và thêm một phần giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn mà thôi. Sống ở cái thời khó khăn, mọi người đều phải như vậy, chức chẳng riêng gì anh em chúng tôi.     
          Ai đã từng sống ở cái thời điểm năm 1975 đều biết, sau khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh thì cũng là lúc chúng ta phải đối mặt với biết bao nhiêu khó khăn về kinh tế.
Năm 1975 Hoa kỳ thực hiện chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Từ năm 1976 đến năm 1986 là thời kỳ bao cấp, tổng thu nhập theo đầu người bị giảm sút; là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta phải nhập 5,6 triệu tấn lương thực. Nguồn viện trợ của các nước XHCN giảm, đặc biệt từ Trung Quốc chấm dứt từ năm 1977. Chúng ta được sống trong hoà bình chưa được bao lâu thì từ năm 1978 Khơ me đỏ tiến công Việt Nam, năm 1979 chiến sự phía Bắc bùng nổ. Trong những năm 1978-1979 đồng bằng sông Cửu Long bị lũ lụt lớn, khiến nền kinh tế của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Mặt khác, chúng ta lại mắc phải sai lầm, chủ quan, nóng vội, bảo thủ, trì trệ, Đại hội Đảng IV năm 1976 đề ra mục tiêu quá cao. Kéo dài cơ chế quản lý quan liêu bao cấp với các kế hoạch gò bó, cứng nhắc, không đề cao trách nhiệm và mở rộng quyền chủ động cho cơ sở, địa phương và ngành. Tình trạng lạm phát cao và kéo dài. Cuộc sống của nhân dân và những người hưởng lương lại càng khó khăn hơn.

Chính vì vậy mà những tiêu chuẩn cơ bản theo chế độ tem phiếu như: gạo, thịt, bánh kẹo, bột giặt, áo quần, mũ dép... đều có thể là hàng lậu ở bất cứ nơi nào, lúc nào... Thời đó, người dân nào cũng có thể là “con phe” (dân buôn lậu) nên cán bộ chống buôn lậu rất nhiều. Công an, thuế vụ có thể kiểm tra xét hỏi bất cứ chiếc bao bì, thúng, sọt, túi... của ai và bất kỳ ở nơi đâu.

Hiện tượng ngăn sông cấm chợ xảy ra; hàng hoá không được lưu thông trên thị trường. Một đoạn đường vài cây số nhưng có tới hơn chục trạm gác kiểm soát hàng hóa. Những trạm gác này thường bắt được những người mặc quần hai lớp để đựng gạo, những chị hàng thịt cuốn quanh người những tảng mỡ heo rồi mặc áo trùm bên ngoài….
Cả xã hội lúc ấy trở thành một thị trường mua không được, bán cũng không xong. Và khi không đủ hàng hóa để cung cấp, sự thất thoát giữa các khâu phân phối trung gian quá lớn thì thương mại quốc doanh trở thành một thứ ân sủng đối với người tiêu dùng. Vì thế thị trường tự do không thể bị xóa bỏ triệt để nhưng cũng không ngừng bị bóp nghẹt. Nó đã đẻ ra môi trường màu mỡ cho những thủ đoạn tiêu cực như móc ngoặc, chà đạp, tham ô, đầu cơ. Hàng hóa đã khan hiếm lại bị đủ thứ trò mánh mung, thiệt thòi nhất vẫn là kẻ mua mà mặt mày thường cứ như người “mất sổ gạo”.
Tháng 10 năm 1984, sau khi tốt nghiệp học viện trở về được nghỉ phép 1 tháng, tôi về nhận công tác tại Quân đoàn 2, khi đó đất nước ta vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả và gian khổ.
Sau khi nộp giấy tờ ở Phòng Cán bộ, tôi được điều về Trường Quân chính đóng quân tại khu vực xã Đồng Vương, huyện Yên Thế, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Đồng Vương là một xã nghèo có 2/3 diện tích là rừng núi, dân tộc Tày, Nùng sinh sống; đường sá đi lại khó khăn.  Lúc này tình hình kinh tế rất khó khăn, giá cả leo thang, đồng tiền mất giá, lương đại uý của tôi chỉ mua được đúng 11 kg gạo chợ đen. Trong khi đó công nhân các xí nghiệp không có tiền mặt để trả lương cho công nhân, lương hàng tháng được trả bằng sản phẩm làm ra. Lương thực phải nhập khẩu, phải ăn độn bo bo, bột mỳ, sắn khô, ngô, khoai lang… Trước tình hình đó, hiện tượng “phá rào” bắt đầu bung ra, các cơ quan, xí nghiệp có thêm “kế họạch 3” để cải thiện đời sống cho công nhân; lực lượng vũ trang chúng tôi phải tiến hành tăng gia để tự túc một phần lương thực và thực phẩm, nhằm cải thiện đời sống. Nhà trường quy định mỗi cán bộ một năm phải tự túc 20 kg chất bột, 2 kg thịt, 5 kg đậu lạc vừng và 120 kg rau xanh. Để thực hiện chỉ tiêu này, cũng rất khó khăn. Về chất bột chúng tôi phải liên hệ với địa phương mượn ruộng để cấy. Về thịt thì từng người phải nuôi gà để bán cho nhà bếp lấy chỉ tiêu. Về rau xanh và đậu lạc vừng từng tổ giáo viên phải tăng gia quanh bếp, quanh nhà.
Trong lúc tình hình kinh tế cả nước khó khăn, tình hình kinh tế gia đình túng thiếu, chẳng lẽ ngồi đấy mà kêu, không còn cách nào khác phải tìm cách tự cứu lấy mình. Chúng tôi thực sự là một đội quân vừa chiến đấu, vừa công tác, vừa lao động sản xuất. Chúng tôi  phát rẫy trồng sắn, quan hệ làm công tác dân vận. Những ngày nghỉ chúng tôi giúp đỡ gia đình kết nghĩa, xin phân, hom sắn để trồng. Những bụi cây xung quanh nhà ở được phát quang, bùn ao được lấy lên đổ từng ụ, cùng với phân xanh, phân chuồng chúng tôi làm các hốc trồng sắn dây.
Gạo và sắn chúng tôi nộp đủ chỉ tiêu còn lại băm phơi khô để nuôi gà. Gà, đậu, lạc, vừng ngoài nộp đủ chỉ tiêu cho nhà bếp, anh em chúng tôi có quyền lưu thông, gửi nhân dân đem bán ra chợ, được tiền chúng tôi lại bỏ vốn tái tạo sản xuất, số còn lại tiết kiệm giúp đỡ vợ con. Chính vì nhờ có lao động, tình hình kinh tế của anh em chúng tôi ngày một khấm khá lên.
Nghiên cứu kỹ tình hình của địa phương nơi đóng quân, có nhiều thế mạnh về thị trường hàng hoá, đó là: Yên Thế có xã Bố Hạ là vùng nổi tiếng về trồng cam và chanh; nơi giáp gianh với huyện Hữu Lũng lạng sơn gần chợ Phổng, thuộc huyện Hữu Lũng Lạng Sơn có trồng nhiều Thuốc lá, là nơi cung cấp thuốc lá sợi cho các nhà máy thuốc lá Thăng Long, Bắc Sơn và là nơi có rừng gỗ lim là đặc sản quý hiếm mà nhiều nơi rất cần, song bị cơ chế thị trường ngăn sông, cấm chợ nên không lưu thông được. Tôi lại mới đi Tây về có chiếc xe Bất Khuất (xe Con Thỏ của Nga) nên việc đi lại cũng chẳng có khó khăn gì. Tôi và anh bạn Võ Văn Khinh (Cùng quê với Bác Giáp) ở Quảng Bình rủ nhau đi buôn !  
Đó là mùa hè năm 1984, căn cứ vào lịch công tác của nhà trường, những buổi chiều nào không bận giờ lên lớp, anh em chúng tôi ra nhà quen hẹn trước để gia đình bứt chanh cho chúng tôi. Quãng đường cơ động của chúng tôi từ Đồng Vương qua thị trấn Cầu Gồ, về Tân Yên, đến ga Sen Hồ, qua ga Đáp Cầu, thị xã Bắc Ninh, qua cầu Long Biên rồi tiến thẳng về chợ Mơ thuộc thành phố Hà Nội. Chuyến đi đầu tiên chúng tôi đi thử 600 trái với giá 1 hào 1 trái, vốn hết 60 đồng; về chợ Mơ chúng tôi đổ buôn 3 hào 2 trái, mỗi chuyến đi lãi được 30 đồng. Mỗi tuần đi 2 chuyến, một tháng đi 8 chuyến là kiếm thêm một tháng lương đấy. Về cái khoản xăng dầu, hồi đó làm gì đã có cây xăng như bây giờ, toàn mua của hội buôn lậu thôi, hoặc chúng tôi lại làm quen với cánh lái xe, bọn nó thừa nó để lại cho.
Còn cái khoản thuốc lá sợi, hai anh em chúng tôi thường đi lên chợ Phổng thuộc Hữu Lũng Lạng Sơn mua của người quen sau đó phi thẳng về các trường: Sĩ quan Lục quân 1, Sĩ quan Pháo binh, Sĩ quan Phòng không và Sĩ quan Hoá học ở thị xã Sơn Tây đổ cho các gia đình ở khu gia binh để cuốn thuốc lá cuộn bán cho học viên. Vì đường sá xa xôi, nên chúng tôi thường đi vào sang sớm chủ nhật và tối lại trở về đơn vị. Mỗi một chuyến đi như vậy chúng tôi đi 3 ba lô lộn, khoảng 15 đến 20 kg thuốc. Mỗi chuyến đi chúng tôi cũng kiếm được ngót 100 đồng bạc. Trong những năm khó khăn gian khổ nhất về kinh tế, cuộc sống bắt buộc chúng tôi phải tự lo liệu và tự cứu lấy mình.  
Cứ như vậy, một tuần vài ba lần, một tháng năm bảy lần, hai anh em chúng tôi ngồi xe máy lúc thì chở cam, chanh; lúc thì chở thuốc lá sợi từ Yên Thế Hà Bắc nhằm thẳng hướng Hà Nội, Sơn Tây thẳng tiến ! 
Chúng tôi đâu có lỗi, chúng tôi đâu có sai, ít ra chúng tôi cũng là người có công trong việc bình ổn giá cả thị trường, mặt khác vợ con cũng có nhờ trong những năm khó khăn gian khổ ấy.
Thế rồi dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), công cuộc đổi mới được bắt đầu khởi sướng, năm 1987 xoá bỏ hiện tượng ngăn sông cấm chợ, hàng hoá được lưu thông tự do trên thị trường, các chính sách đổi mới về kinh tế của Đảng đã đem lại kết quả thiết thực. Đời sống của nhân dân nói chung, của anh em chúng tôi có nhiều sự thay đổi đáng kể.
Chỉ sau 3 năm đổi mới, năm 1989 Việt nam từ một nước nhập khẩu về lương thực, đã trở thành nước xuất khẩu lương thực đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Hoa Kỳ. Giá trị đồng lương của chúng tôi cũng đã tăng lên đáng kể. Từ đây đất nước chúng ta bắt đầu bước sang một trang sử mới.    
Viết lại những trang này, tôi không có ý định lên án, chỉ trích hay than thở về những khó khăn của thời bao cấp. Mỗi một thời kỳ lịch sử đều có sứ mạng của nó và có những lý do để nó tồn tại. Tôi nhớ lại thời kỳ này với nỗi thương yêu và sự khâm phục cha mẹ tôi và những người lớn cùng thời của họ. Khó khăn là thế, thiếu từ những cái nhỏ nhất, vậy mà họ vẫn vượt qua, vẫn sống trong sạch và điều vĩ đại nhất họ vẫn nuôi dạy chúng tôi nên người. Sống trong thời đại ngày nay, với điều kiện kinh tế tương đối tốt, và nhất là khi đã có gia đình và làm cha làm mẹ, tôi mới cảm nhận hết những gì cha mẹ tôi đã vượt qua trong thời bao cấp xa xôi ấy.
Trải qua thời kỳ khó khăn như vậy, nhưng nhân dân ta vẫn vượt qua. Chúng ta đã trăn trở, tìm tòi được con đường đi phù hợp với quy luật phát triển chung của thời đại và thực tiễn của Việt Nam. Nhờ đó, đất nước ta đã thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện như hôm nay, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Những kết quả, thành tựu đó đã khẳng định đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là đúng đắn. Viết lên những trang này, tôi mong muốn giúp các con cháu tôi, là thế hệ sinh ra và lớn lên sau khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, hiểu thêm được chặng đường gian nan mà thế hệ của cha anh chúng đã phải trải qua, thêm quý trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, để phấn đấu lao động, học tập, rèn luyện góp phần dựng xây đất nước mạnh giàu, xứng đáng với thế hệ đi trước.
Còn nữa !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét