Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Thăm Bái Đính và khu du lịch sinh thái Tràng An


04:23 12 thg 6 2011Công khai3 Lượt xem40
Nhân ngày nghỉ vợ chồng C120mm rủ nhau ghé thăm chùa Bái Đính và khu du lịch Tràng An Ninh Bình cho đỡ buồn.  5 giờ sáng chúng tôi đủng đỉnh nhằm hướng Ninh Bình thẳng tiến ! Đến 6 giờ 30 phút chúng tôi đã có mặt tại khu chùa Bái Đính:
Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 539 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, khu công viên văn hoá và học viện phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh...Hiện nay công trình đang tiến hành xây dựng, có lẽ phải còn lâu mới khánh thành toàn bộ.
Chùa Bái Đính cổ
Chùa Bái Đính cổ tọa lạc trên một ngọn núi cao 187m, nơi có nhiều giai thoại và huyền thoại về Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Chùa được Đức Thánh Nguyễn lập nên vào triều Lý khi Ngài về đây tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho nhà vua.
Về tên gọi của chùa, người ta truyền lại: Bái có nghĩa là lễ bái, cúng bái trời đất, Tiên Phật. Đính có nghĩa là đỉnh, là ở trên cao. Bái Đính có nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ở trên cao. Điều này thuận theo địa thế của Bái Đính cổ tự, vì chùa nằm trên một đình núi cao. Gần 1000 năm đã trôi qua, ngôi chùa vẫn còn đó như một minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo Phật trong đời sống tâm linh của người Việt. Các hạng mục chính của chùa gồm: động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn.
Động thờ Phật: 

Động thờ Mẫu:


Điện thờ Đức thánh Nguyễn Minh Không:


Điện thờ Đức thánh Cao Sơn:


Giếng Ngọc:

Bái Đính cổ tự không có những mái chùa cong vút mái đao hay mũi hài, càng không có những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy. Chùa được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến ở Ninh Bình. Toàn bộ các ban thờ Phật, thờ Mẫu của chùa được đặt giữa lòng những sơn động u minh càng làm tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí nới cửa thiền. Trần hang động đã trở thành những mái chùa kiên cố, che chắn chốn thiêng ngự trị của Phật, của Mẫu đã hàng bao thế kỷ nay. Và Bái Đính không chỉ là nới để người đời tỏ lòng mộ đạo mà còn là một thắng cảnh đẹp. Để khi kinh lý qua đây, vua Lê Thánh Tông đã tự tay đề tặng bốn chữ Minh Đỉnh danh lam ca ngợi vẻ đẹp chốn này.

Khu Chùa Bái Đính mới:



Chủ trì thiết kế kiến trúc chùa Bái Đính là Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích Việt Nam). Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện phật giáo, khu đón tiếp... được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Kiến trúc chùa nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấnkiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương (đá xanhNinh Bình, gỗ tứ thiết), ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm... Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là "đại công trường" với 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng... các nghệ nhân này được sử dụng các vật liệu địa phương như gỗ lim, đá xanh Ninh Bình, ngói men Bát Tràng... để tạo ra nét thuần Việt trong kiến trúc chùa Bái Đính.
Điều đặc biệt ở công trường xây dựng chùa Bái Đính là không gian nơi đây luôn mở. Ngay từ khi xây dựng với đại tượng phật còn đặt ở ngoài trời đã thu hút rất đông các đoàn người hành hương chiêm bái. Du khách có thể đi bất cứ nơi nào để quan sát các bộ phận công trình đang hình thành.

Đặc điểm kiến trúc:

Về vật liệu, hệ thống cột và kèo ở cổng Tam Quan, hành lang La Hán và điện Quan Âm được làm bằng gỗ tứ thiết, các công trình lớn hơn làm bê tông giả gỗ. Tất cả các mái sử dụng ngói men Bát Tràng, kiến trúc ba tầng mái cong vút hình đuôi của chim phượng.
Về bố cục các kiến trúc chính như cổng Tam Quan, tháp chuông, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế lần lượt có chiều cao đỉnh mái là 16.5 m, 22 m, 14.8 m, 30 m, 34 m với diện tích bên trong là 560 m², 225 m², 730 m², 2060 m² và 2370 m².
Về các đối tượng suy tôn, cổng Tam Quan với hai tượng Hộ pháp (ông thiện và ông ác) bằng đồng cao 5.5 m, nặng 12 tấn và 8 pho tượng Kim Cương.

Hành lang La Hán gồm 234 gian nối liền với hai đầu Tam Quan, có chiều dài 1052 m và chiều cao sàn nâng dần theo độ dốc của sườn đồi là nơi bố trí 500 tư­ợng La Hán bằng đá xanh Ninh Bình nguyên khối cao tới 2.5 m, nặng khoảng 4 tấn. Mỗi vị La Hán có một dáng vẻ khác nhau để miêu tả sự sống trần thế. 

Tháp chuông có 3 tầng mái, mỗi tầng mái có 8 mái ghép lại, tổng cộng là 24 mái với 24 đầu đao cong vút lên, bên trong treo một quả chuông nặng 36 tấn được cấp bằng xác nhận kỷ lục: “Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam". Phía dưới quả chuông đồng này là một chiếc trống đồng lớn nặng 70 tấn nằm trên nền tháp chuông, và tiếng chuông của chùa Bái Đính vang xa đến đâu thể hiện sử phổ độ của Phật lên chúng sinh đến đó. 

Các điện chính là nơi thờ Phật. Điện Quan Âm gồm 7 gian với gian giữa của điện đặt tư­ợng Quan Thế Âm Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt để thể hiện sự bao quát cứu vớt và phổ độ chúng sinh của Phật bà trên thế gian. Tượng Phật bà được đúc bằng đồng nặng 80 tấn, cao 9.57 m được công nhận là pho t­ượngQuan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam

Điện Pháp Chủ có 5 gian, gian giữa đặt pho t­ượng Phật Pháp Chủ bằng đồng cao 10 m, nặng 100 tấn. Được xác nhận kỷ lục ”Pho tượng Phật Thích Cabằng đồng lớn nhất Việt Nam”. Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn nhất Việt Nam


Điện Tam Thế tọa lạc ở trên đồi cao so với mặt n­ước biển là 76 m, dài 59.1 m, rộng hơn 40 m. Trong điện Tam Thế đặt 3 pho t­ượng Tam Thế Phật (quá khứ, hiện tại và tương lai) bằng đồng cao 7.2 m, nặng 50 tấn. Được xác nhận kỷ lục: “Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam”.


Những kỷ lục:

Chùa Bái Đính được báo giới ca ngợi là một ngôi chùa nổi tiếng với những kỷ lục. Tính đến ngày 6/6/2009 ngôi chùa này đã có 6 kỷ lục được công nhận. Những kỷ lục của chùa Bái Đính được xác lập gồm:
1.    Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Átượng Phật Tổ 100 tấn trong điện Pháp Chủ
2.    Chuông đồng lớn nhất Việt NamĐại hồng chung nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
3.    Khu chùa rộng nhất Việt Nam: tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha.
4.    Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
5.    Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
6.  Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.

Khu sinh thái hang động Tràng An: 
Là một trong những danh thắng của Việt Nam ứng cử di sản thiên nhiên thế giới. Toàn bộ khu hang động này chủ yếu thuộc huyện Hoa Lư và một phần phía tây bắc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

Du khách xuống thuyền thăm Tràng An. Không gian mở ra đầu tiên là cả một vùng non nước mây trời khoáng đạt. Đáy nước trong xanh in sắc núi. Trên những rừng cây tự nhiên là nơi trú ngụ của nhiều loài chim thú. Toàn vùng Tràng An là bạt ngàn không gian sơn thủy hữu tình. Bức tranh thiên nhiên ở đây thông thoáng, êm ái, thanh cao, tươi tắn mà vẫn tạo vẻ khêu gợi đầy hấp dẫn, sinh động. Tràng An có 31 thung, 48 hang động xuyên thuỷ đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2.000m như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây…. Mỗi hang một vẻ. 
Hang nấu rượu:

Trong các hang có nhiều nhũ đá không ngừng biến đổi. Những giọt nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng, mọi thứ đều sáng long lanh với những nhũ đá pha cát óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm gần đó với truyền thuyết ngày xưa có một ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. 
Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m.


Không giống như ở Tam Cốc, Tràng An có thể tạo thành hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay ngược lại. Các hang động ở đây lớn, dài và được những tác động của tự nhiên không ngừng biến đổi rất kỳ ảo. Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, thung nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn vào được mà không ra được nếu không phải là người am hiểu địa hình sở tại. Mỗi thung là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, núi biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Ðiều diệu kỳ ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo.
Tràng An có hệ thống núi đá vôi và hang động tự nhiên hết sức đa dạng. Dưới chân các núi đá vôi, nhiều nơi còn có các hàm ếch, là dấu tích của biển. Chính vì vậy vùng núi đá vôi Hoa Lư – Ninh Bình còn được gọi là “Hạ Long trên cạn”. Đặc điểm này tạo cảnh quan nhiều dãy núi đá vôi thấp trùng điệp bao quanh các thung lũng là những hồ nước nối tiếp nhau, vừa hùng vĩ vừa nên thơ. Khu Tràng An có 50 hang nước và 50 hang khô tập trung thành cụm với cấu tạo theo tầng lớp và liên hoàn do dấu vết thời kỳ biển tiến, biển thoái nên nước xâm thực, liên thông các hang động với nhau. Ở đây là các thung được nối liền với nhau bởi các động xuyên thủy. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi khác.
Hang động Tràng An xưa chính là hệ thống phòng thủ phía Nam của kinh thành Hoa Lư. Tại đây còn khá nhiều di tích lịch sử mà du khách sẽ gặp trên chặng đường hành hương. Điểm đến đầu tiên là Đền Trình, trước khi đưa quý khách hành trình qua địa điểm khác.
Đền Trình: là nơi thờ 2 giám quan mà dân gian cho rằng các ông đã canh gác tại khu vực này.

Trong đó tiêu biểu như Phủ Khống - nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà. Tại đây còn cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt. 

Đền Trần: là nơi thờ trung vương tướng Trần Quý Minh, viên tướng trấn ải Sơn Nam thời Hùng Vương thứ 18. 
Lối lên Đền Trần 


 Khi nạo vét ở các hang động phát hiện được các di tích từ thế kỷ thứ 10. Có khu vực với rất nhiều phế tích quan trọng khẳng định nơi đó là nơi sinh hoạt của các phân quyền ngày xưa ở thế kỷ thứ 14, nhà Trần như nồi gốm, các bát đĩa cổ. Các phế tích này rất giống với các phế tích tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long.
Hiện nay tua du lịch sinh thái Tràng An đi qua 9 hang động và 5 điểm dừng chân, tổng số thời gian hết khoảng hơn 3 giờ. Theo người hướng dẫn viên du lịch trong tương lai khi khai thông tất cả các động, sẽ có tuyến dài nhất các du khách đi qua 49 hang động lớn nhỏ, thời gian sẽ mất 3 ngày 2 đêm (có điểm dừng chân nghỉ đêm).
Chuyến đi thăm quan chùa Bái Đính và khu sinh thái Tràng An của vợ chồng nhà C120mm thật là vui vẻ và bổ ích ! Hẹn một ngày gần đây sẽ quay trở lại đất cố đô Hoa Lư-Ninh Bình ! 





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét