Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nhớ lại một thời đã qua ! Phần 6

Thấm thoát thời gian trôi đi nhanh vậy, thế là tôi nhập ngũ đã được 5 năm, đó là vào mùa hè năm 1975 sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thống nhất, non sông đã về một dải, đơn vị chúng tôi hành quân ra Bắc về vị trí đóng quân ổn định nơi ăn trốn ở, tôi được về phép thăm nhà 15 ngày. Ba lô trên vai, cuốc bộ 12 km từ Bến Sung huyện Như Xuân ra ga Minh Khôi thuộc huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hoá, tôi nhảy lên chuyến tầu “chợ” về nhà. Gọi là tầu “chợ” bởi vì ga nào tầu cũng đỗ, ít nhất cũng từ 20 đến 30 phút, còn lâu có đến vài ba tiếng đồng hồ. Sau 2 ngày 2 đêm tôi đã có mặt ở ga Nam Định, tiếp tục cuốc bộ hơn 5 km nữa thì về tới nhà. Khoảng 10 giờ 30 phút tôi đã về đến đầu làng, mọi người trong làng đổ xô ra đón tôi như người thân trong một gia đình đi xa nay mới có dịp gặp lại. Mọi người đều hỏi thăm xem vào chiến trường có gặp ai trong làng mình không ? Một tâm lý mỏi mong, chờ đợi người thân trở về sau cuộc chiến tranh đè nặng lên trong mỗi gia đình khi có người thân đi xa, chưa hề nhận được tin tức. 
(C120mm chụp  tại Trường Sĩ quan Lục quân 1 năm 1971)

(Ảnh C120mm chụp tháng 12 năm 1974)
Bà nội, mẹ tôi và các em rất vui khi tôi còn sống trở về, mẹ và bà lại buồn khi nghĩ đến anh trai tôi nhập ngũ từ năm 1969 đến nay không một chút tin tức. Một buổi tối quay quần bên gia đình bố mẹ tôi lại nhắc đến cái chuyện lấy vợ. Bố tôi bảo: Anh đã hứa với chúng tôi là giải phóng miền Nam rồi, nay anh tính sao đây ? Nhà thì đông anh em (nhà tôi có 7 anh em, trong đó 6 trai, 1 gái), không lo dần đi sau này chúng tôi già làm sao mà lo nổi cho các anh được !
Tôi thật ái ngại nói với bố mẹ thôi cứ lo cho chú em trước đi còn anh trai và tôi để lo sau cũng được. Mặt khác, nói thật tôi đã tìm được người yêu đâu mà cưới với xin, hơn nữa vẫn còn cay mũi sau cái vụ bị người yêu đá vào năm trước đó nên cũng chẳng hào hứng lắm mà nghĩ tới vợ với con.
Suốt cả thời gian nghỉ phép tôi cùng với thằng bạn học rủ nhau đi bắn chim. Hồi đó chưa có chính sách cấm săn bắn chim chóc và cấm sử dụng súng hơi như bây giờ, nên với khẩu súng 9 kg của Tiệp sản xuất mỗi một buổi di săn chúng tôi cũng kiếm được dăm ba con cò lửa và chim dẽ giun đủ một bữa nhậu. Chúng tôi là những sĩ quan trẻ, mắt tinh, nên bắn cũng hơi siêu.  
Thế rồi vào một buổi sáng tôi và thằng bạn sách súng đi quanh làng với mục đích kiếm dăm ba con chim để đủ bữa nhậu ban trưa. Vừa giương súng lên ngắm, trong nháy mắt một tên chim gáy đã trúng đạn rơi bịch xuống mảnh vườn bên cạnh đường và lẩn vội vào đám cỏ. Tôi vội vàng theo hướng bắn chỉ cho bạn tôi truy tìm, thì đột ngột có tiếng một phụ nữ vang lên:
- Này anh kia ! Chim ở vườn nhà tôi nuôi đấy, ai cho phép các anh bắn ?
Tôi đột nhiên sững người ngước lên, trước mặt tôi hiện lên một người thiếu phụ mặt trái xoan với cái mũi dọc dừa đang nhìn tôi nhoẻn miệng cười. Với bản lĩnh của một người lính, tôi trấn tĩnh và  đáp lời ngay:
          - Anh em chúng tôi xin lỗi, vì không biết nhà ta nuôi chim nên đã chót bắn mất một con, mong cô lượng thứ !
          - Không thông cảm với lượng thứ gì cả, bắn chim của người ta chết thì phải đền. Tiếng cô gái vang lên. Tôi loay hoay mãi tìm câu trả lời.
          - Tôi là lính, nghèo lắm, biết lấy gì mà đền em đây !
          Cô bé hóm hỉnh trả lời tôi: Thôi được rồi, đền như thế nào và lấy gì mà đền đó là việc của các anh, tôi không cần biết. Các anh cứ về suy nghĩ đi sau trả lời tôi cũng được !
          Chúng tôi mải miết ra về nhà anh bạn, thịt chim uống rượu tìm kế để trả “cái nợ” mà sáng nay cô hàng xóm bắt đền. Hoá ra cô hàng xóm đó lại là chị họ của bạn tôi. Thế là chúng tôi bắt đầu quen nhau từ hôm đó. Hết phép tôi quay trở về đơn vị, chúng tôi tiếp tục trao đổi thư từ cho nhau và hẹn cuối năm 1976 sẽ làm đám cưới. 


(Tập 1 của tôi và em gái-ảnh chụp năm 1980)

           Bước sang năm 1976, tình hình trong nước có nhiều thay đổi, đại hội Đảng 4 bắt đầu khai mạc. Sau 30 năm trường kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc, từng chịu đựng nhiều khó khăn gian khổ, mất mát đau thương, nhân dân ta không mong muốn gì hơn là được sống trong hoà bình, ổn định để dồn sức xây dựng đất nước. Nhưng thực tế không như ta mong muốn, trong khi cả nước đang ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội thì tình hình biên giới Việt Nam-Cămpuchia trở nên căng thẳng. Tập đoàn phản động Cămpuchia có sự ủng hộ của một số thế lực phản động quốc tế ra sức tăng cường các hoạt động khiêu khích, gây xung đột vũ trang ở biên giới Tây Nam. Mục đích của chúng là làm giảm uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam sau chiến thắng mùa xuân năm 1975 và cản trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta. Với tư tưởng dân tộc hẹp hòi cực đoan, bọn phản động Pônpốt-Iêngxari coi Việt Nam là kẻ thù số 1. Đồng thời chúng ra sức thanh trừng nội bộ, đàn áp quần chúng, thực hiện đường lối phiêu lưu, phản động của chúng. Năm 1975 em trai thứ 3 sau tôi cưới vợ, năm 1976 bà nội tôi mất, anh trai tôi sau 6 năm từ chiến trường trở về nên kế hoạch xây dựng gia đình của tôi bị phá vỡ, đành phải khất lại năm sau.
Hoà bình chưa được bao lâu, thì cả hai đầu Đất nước chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Ngày 30 tháng 4 năm 1977, bọn phản động Pônpốt đã huy động lực lượng lớn tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, giết hại 700 đồng bào ta. Mặc dù ta hết sức kiềm chế, cố gắng giải quyết bằng đàm phán, nhưng không đem lại kết quả. Ngày 25 tháng 7 năm 1977, chúng lại tiếp tục sử dụng 4 sư đoàn bộ binh đánh sâu vào đất ta 19 km, tàn sát gần 9.000 đồng bào ta ở 3 xã thuộc huyện Tân Biên. Cùng lúc đó tình hình biên giới phía Bắc cũng ngày một xấu đi. Từ cuối năm 1976 đến đầu năm 1977, đơn vị chúng tôi điều chỉnh đội hình đóng quân, từ Như Xuân cơ động ra huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hoá để sẵn sàng ứng phó với tình huống khi chiến tranh biên giới phía Bắc có thể xảy ra. Đơn vị chúng tôi bắt đầu nâng cao chế độ sẵn sang chiến đấu. Các chế độ đi phép, đi tranh thủ đều phải tạm dừng lại hết.
          Bước sang những tháng cuối của năm 1977 tôi xin phép đơn vị được tranh thủ qua nhà cưới vợ sau 2 năm xa nhà. Thời gian này đất nước gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế. Đơn vị chúng tôi phải ăn độn bằng sắn gạc Nai, hạt bo bo. Ở nhà thì mất mùa liên tục do lũ lụt. Để chuẩn bị cho việc xây dựng gia đình, công tác chuẩn bị của chúng tôi cũng rất vất vả. Hồi đó xây dựng gia đình đâu có ăn uống linh đình, xe đưa xe đón như bây giờ. Các đám cưới được tổ chức theo đời sống mới. Theo kế hoạch đầu tháng 10 âm lịch năm 1977 tôi bắt đầu nghỉ phép để tổ chức, phép của tôi cũng chỉ được 15 ngày. Khi vừa bước chân về nhà mọi công tác chuẩn bị của bố mẹ tôi chưa có gì, mặt khác năm đó kinh tế rất khó khăn, bị mất mùa nghiêm trọng. Cán bộ công chức nhà nước phải ăn độn bằng khoai tây, khoai lang (quy đổi 5 kg khoai tây bằng 1 kg gạo), lương của công nhân và tiền thưởng được trả bằng sản phẩm lao động, người lao động tự bán để lấy tiền. Nếu biết như vậy tôi cũng sẽ không tổ chức xây dựng gia đình vào năm này, nhưng khổ một nỗi đã biên thư báo cho gia đình bên nhà gái rồi, biết làm thế nào được.
Thôi đành cố gắng vượt mọi khó khăn để cưới vợ vậy ! Kế hoạch ban đầu tôi định tổ chức vào một ngày đầu tháng, nhưng nay sẽ được thay đổi vào ngày 24 tháng 10 âm lịch. Tôi lại quay trở về đơn vị báo cáo tình hình và xin đổi thời gian nghỉ phép vào cuối tháng để tiếp tục làm công tác chuẩn bị. Trong thời gian gần một tháng trời đề nghị với đơn vị, gặp bạn bè xin giúp đỡ. Loay hoay mãi tôi mới chuẩn bị được 10 tút thuốc lá Sầm Sơn của nhà máy thuốc lá Cẩm Lệ Thanh Hoá; 5kg đường trắng; 1 hộp kẹo Hải Châu 5 kg, 45 kg gạo và 10 kg bột mỳ. Khi về nhà chúng tôi xin đăng ký 2 nơi để lấy tiêu chuẩn; Mỗi giấy đăng ký được 5 tút thuốc lá Cửu Long; 24 m2 vải màn; 1 cái giường cải tiến. Vì điều kiện không có tiền nên tôi chỉ lấy thuốc lá và vải màn. Với số thuốc lá trên tôi đổi được 10 tút thuốc Tam Đảo. Bột mỳ và đường đưa đi thuê làm bánh bích quy.Thế là đám cưới của tôi có Thuốc Lá, Bánh kẹo cũng tươm tất so với thời bấy giờ.
Chúng tôi yêu nhau vào thời điểm mà cuộc chiến tranh giải phóng vừa kết thúc. Chúng tôi xây dựng với nhau vào cái thời điểm của những năm tháng gian khó ngay sau khi nước nhà vừa thống nhất. Đám cưới của chúng tôi không ôm hoa, không chụp ảnh và chẳng có loa đài. Rạp cưới của chúng tôi được làm bởi những cây tre và trang trí bằng những tấm vỏ chăn, những tấm Li đô, mà gió, những bộ bàn ghế lộ cộ mượn xung quanh làng xóm. Đi rước dâu bằng những chiếc xe đạp cũ kỹ với những chiếc lốp chửa phình, buộc dây chằng chịt… Đám cưới thật đơn sơ, giản dị nhưng rất đầm ấm với tình làng, nghĩa xóm, tình cảm anh em, đồng chí đồng đội trong đơn vị. Sống với nhau chẳng được mấy ngày tôi hết phép quay trở về đơn vị tiếp tục công tác.
Bước sang năm 1978, tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc vẫn tiếp tục căng thẳng; đơn vị chúng tôi bổ sung quân cho các đơn vị thuộc Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 để bảo vệ biên giới Tây Nam; đồng thời tiếp tục lấy quân, luyện quân, đi trinh sát thực tế địa hình biên giới phía Bắc theo Quốc lộ số 4 từ Tiên Yên - Móng Cái - Đầm Hà Quảng Ninh, qua Lạng Sơn lên đến thị xã Cao Bằng; xây dựng các phương án tác chiến. Tăng cường huấn luyện, tham gia các cuộc diễn tập, sẵn sàng chiến đấu.
Suốt thời gian năm 1978 chúng tôi không có thời gian nghỉ ngơi, đơn vị luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Cuối năm 1978 con trai đầu lòng sinh mà tôi cũng chỉ qua nhà được đúng ba ngày, nghĩ thương vợ, nhớ con nhưng biết làm sao được, đành nuốt ở trong lòng. Lính thời chiến mà, mọi việc đều phải chấp nhận mà thôi.
Những ngày cuối tháng 12 năm 1978, theo yêu cầu của Mặt trận cứu nước Cămpuchia, các lực lượng của Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 phối hợp cùng với lực lượng vũ trang Quân khu 9, Quân khu 7 và lực lượng vũ trang của bạn thực hiện chiến dịch phản công, tiến công tiêu diệt địch. Đến ngày 7 tháng 1 năm 1979 chế độ diệt chủng Pônpốt đã bị đánh đổ hoàn toàn, nước Cộng hoà nhân dân Căm-pu-chia chính thức ra đời.
Sau khi chiến sự ở biên giới Tây Nam vừa chấm dứt thì tình hình trên biên giới phía Bắc lại trở nên hết sức căng thẳng, đối phương bắt đầu điều động lực lượng áp sát biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta. Cái gì đến, buộc nó phải đến, ngày 17 tháng 2 năm 1979 đối phương đã huy động 60 vạn quân với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng ngàn khẩu pháo các loại mở cuộc tiến công ồ ạt vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu.
          Nhận lệnh chiến đấu, toàn bộ sư đoàn bắt đầu cơ động lên biên giới phía Bắc. Nằm trong đội hình khối thứ 3 của sư đoàn, ngày 3 tháng 3 chúng tôi nhận lệnh cơ động chiến đấu. Đúng 4 giờ sáng ngày 4 tháng 3 bằng tầu hoả chúng tôi bắt đầu cơ động từ Bỉm Sơn lên khu vực Chi Lăng, Đồng Mỏ Lạng Sơn, 20 giờ ngày 6 tháng 3 chúng tôi đã vào vị trí tập kết chiến đấu theo quy định. Thời gian đó tất cả các chuyến tầu khách và tầu chở hàng của Đường sắt Việt Nam đều bị huỷ bỏ để giành riêng cho đơn vị chúng tôi hành quân. Vừa cơ động đến vị trí trú quân, chúng tôi cùng với Chỉ huy trung đoàn đoàn, cán bộ các tiểu đoàn và đại đội trực thuộc bắt tay ngay vào công tác trinh sát nắm địch, xây dựng các phương án chuẩn bị đánh địch. Bộ đội tập trung xây dựng hệ thống công sự, hầm hố trú ẩn. Trên đường trinh sát vào sâu trong lòng địch anh em chúng tôi chứng kiến cảnh các công trình công cộng như: Các nhà kho, trụ sở uỷ ban, hệ thống trường học, nhà trẻ, trạm y tế, hợp tác xã mua bán, các trạm biến thế điện, các hàng cột điện cao thế, hệ thống cầu cống bị tàn phá ngổn ngang. Cảnh người dân chạy loạn, cảnh những người dân vô tội bị tàn sát rất tang thương hiện lên trước mắt chúng tôi. Chỉ trong 2 ngày, các phương án chiến đấu đã được xây dựng. Bộ đội bắt đầu cơ động vào triển khai vị trí chiến đấu, chúng tôi luồn sâu vào hướng Chi Ma, Lục Bình, vào hậu phương địch, sẵn sàng nổ súng tiến công tiêu diệt chúng. Chúng tôi bí mật bám địch suốt ngày đêm, nhưng không được phép nổ súng. Ngồi nhìn cảnh địch ban ngày đi lại nghênh ngang, buổi sáng chúng giơ "Trước tác" đọc như đọc kinh, nhưng buổi tối chúng bí mật cơ động dấu quân ở các bãi ngô, vườn khoai lang, hay đào các công sự bên các ta luy đường ẩn nấp vì sợ chúng ta tập kích mà chúng tôi rất tức vì cấp trên không cho nổ súng.
          Qua 30 ngày đêm (từ ngày 17 tháng 2 đến 18 tháng 3) chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng bat trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá huỷ 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng  và xe bọc thép, phá huỷ 115 khẩu pháo các loại, thu nhiều vũ khí trang bị của địch…Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới lên án, ngày 5 tháng 3 năm 1979, đối phương buộc phải tuyên bố rút quân, và kết thúc rút quân vào ngày 18 tháng 3 năm 1979. Tuy vậy, cuộc chiến đấu của quân và dân ta vẫn còn tiếp diễn và tình hình biên giới phía Bắc vẫn căng thẳng kéo dài đến những năm cuối của thập kỷ 80 của thế kỷ XX.
Khi đối phương tuyên bố rút quân, đơn vị chúng tôi cũng tạm dừng kế hoạch phản công vào đội hình phía sau của địch; sẵn sàng chờ lệnh mới. Ngày 15 tháng 3 năm 1979, chúng tôi được lệnh cơ động bằng đường bộ với quãng đường 120km từ khu vực ga Bản Thí, theo trục đường số 1, qua đèo Quao, theo trục đường 279 về Cấm Sơn, Lục Ngạn, qua phà Cẩm Lý, phà Phả Lại về đóng quân tại khu vực các xã Đức Long, Châu Phong, Phù Lãng và Ngọc Xá thuộc huyện Quế Võ tỉnh Hà Bắc, tổ chức xây dựng hệ thống công sự trận địa phòng ngự và tổ chức diễn tập chiến thuật theo các phương án sẵn sàng chiến đấu của sư đoàn. Tình hình biên giới phía Bắc từng bước được ổn định, ngày 26 tháng 3 năm 1979, đơn vị chúng tôi được lệnh cơ động về doanh trại tiếp tục làm nhiệm vụ huấn luyện.
Với quãng đường dài 400 km, chúng tôi hành quân  theo dọc bờ sông Cầu ra phà Hồ, theo trục đường 288 đi Cẩm Giàng, theo trục đường 377 đi Bình Giang, qua bến đò Vạn Điểm vượt sông Hồng, dọc theo bờ sông Hồng qua các thị trấn Hoà Mạc, Đồng Văn thuộc huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng thuộc tỉnh Hà Nam, huyện  Lạc Thuỷ thuộc tỉnh Hoà Bình, về Kim Tân, Phố Cát thuộc huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình.
Đến ngày 7 tháng 7 năm 1979 chúng tôi đã về vị trí đóng quân thuộc huyện Hà Trung tỉnh Thanh Hoá tiếp tục bắt tay vào củng cố doanh trại và tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo kế hoạch của cấp trên. Đến tháng 9 năm 1979, tôi được cấp trên điều động từ Ban tác chiến Trung đoàn về giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 cho đến tháng 5 năm 1980 tôi được điều về Trường văn hoá Quân đội học tập để chuẩn bị đi học. 
Sau gần một năm xa nhà lên biên giới phía Bắc, tôi được về qua nhà 10 ngày thăm vợ con để làm công tác chuẩn bị đi học. Lúc đi vợ tôi sinh con trai, khi về con đã tròn 1 tuổi, tôi bế nó không theo. Cuộc đời người lính là vậy, quanh năm biền biệt xa nhà, chỉ có ai đã từng là lính mới chứng kiến cái cảnh như vậy. Tôi mất rất nhiều thời gian làm quen với con, mới bế được nó. Đến lúc bố con làm quen được với nhau thì cũng là lúc đến ngày trả phép. 
(C120mm cùng con trai, ảnh chụp năm 1979)
Hết 10 ngày phép, tôi lại khăn gói quả mướp trở về Phùng Thượng thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Sơn Bình để ôn văn hoá và học ngoại ngữ để chuẩn bị đi học. Sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, Trường văn hoá Quân đội được chuyển từ Lạng Sơn về đây. Cuộc đời tôi bắt đầu bước sang một trang mới, chuẩn bị đi du học !  
(Và hiện nay tôi đã là "ông Dậu" với một gia đình có 1 vợ, 5 con, 4 cháu và 3 con chó, 2 con Miu !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét