03:22 15 thg 10 2012178 Lượt xem
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 chúc tất cả các mẹ, các chị và các em mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt, phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" !
Trong cuộc đời quân ngũ, tôi có rất nhiều kỷ niệm của một thời chiến tranh. Một kỷ niệm sâu sắc mà tôi không thể nào quên được, giờ đây nó vẫn còn đọng lại trong tôi, nó theo tôi đi suốt cuộc đời. Một kỷ niệm sâu sắc về em, cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa, của một thời đạn bom và khói lửa.
Đó là vào mùa hè năm 1970, đòi hỏi cần có những tuyến đường giành cho cơ giới vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm, thuốc men chi viện cho chiến trường miền Nam, vì trước đó chúng ta chỉ có những tuyến đường giành cho xe thồ và gùi bộ. Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ tăng cường cho đơn vị TNXP mở rộng tuyến đường 16 từ ngã tư Thạch Bàn qua Làng Ho-Dốc Khỉ vào ngã 3 Dân Chủ, đi Quảng Trị.
(Ngã Tư Thạch Bàn, khởi nguồn Đường 16 ngày nay)
Ngày 12 tháng 6 năm 1970, chúng tôi chính thức nhận nhiệm vụ hành quân. Xe ô tô chở chúng tôi từ xã Trường Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa qua dốc Bò Lăn, rồi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, vào ngã 4 Thạch Bàn lên làng Ho. Từ làng Ho chúng tôi phải hành quân bộ vào đến đồi dốc Khỉ thuộc xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ tỉnh Quảng Bình. Vị trí triển khai của chúng tôi là sườn đồi ven suối chảy ra ngầm Dốc Khỉ. Chúng tôi tổ chức triển khai vị trí trú quân. Mỗi tổ 3 người phải đào 1 lán âm nối thông với 1 hầm chữ A để tránh máy bay địch đánh phá. Công việc đào hầm cũng không đến nỗi vất vả lắm, nhưng để bảo đảm bí mật, đất đào hầm anh em chúng tôi phải đổ vào bao đem xuống suối đổ để giữ bí mật. Tất cả những con đường từ đường chính vào vị trí trú quân đều phải ngụy trang để xóa dấu vết, đề phòng biệt kích, thám báo của địch phát hiện. Cây cối chặt để làm lán và sàn nằm, giá ba lô và hầm kèo đều phải đi sâu vào rừng chặt đem về, không được chặt tại vị trí trú quân. Chúng tôi phải thực hiện khẩu hiệu: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng...”
(Khu di tích Làng Ho )
(Đèo Đá Đẽo)
(Viếng thăm nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn)
(Thăm nghĩa trang liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị)
Một hôm đang lơ ngơ đi sâu vào rừng tìm cây để về làm hầm kèo, thì tôi giật mình nghe tiếng hô đanh gọn của một người con gái:
- Ai, đứng lại, giơ tay lên !
Tôi giật mình, hai tay giơ cao, ngoái lại nhìn về phía sau. Trước mắt tôi là một người con gái còn rất trẻ vận bộ quần áo đen, thắt lưng gọn gàng, đầu đội mũ tai bèo, tay lăm lăm khẩu súng CKC. Mặc dù tôi đã năn nỉ giải thích rằng tôi là bộ đội vừa hành quân ngoài Bắc vào, đang đi lấy cây về làm hầm trú ẩn, chuẩn bị chỗ ăn ở để làm nhiệm vụ mở đường, nhưng em vẫn nằng nặc không nghe, bắt tôi phải về đơn vị của nàng để gặp chỉ huy. Không còn con đường nào khác tôi đành phải chấp nhận làm tù binh của em, lôi thôi khéo lại ăn đạn của em như chơi. Cứ thế tôi vác dao đi trước, nàng giương súng lẽo đẽo theo sau. Trên đường đi tôi bắt truyện với em, nhưng tuyệt nhiên em không nói với tôi lấy một lời, và vẫn cảnh giác. Giữa tôi và em vẫn giữ một khoảng cách, vì em còn đang nghi ngờ tôi là “Thám báo, biệt kích” của địch tung ra để phá hoại hệ thống kho tàng của ta.
Bước vào khu vực doanh trại của các em tôi không ngờ ở giữa nơi rừng thiêng nước độc lại có một “bản” toàn chị em phụ nữ như vậy. Em đưa tôi vào nhà chỉ huy, trước mặt tôi là một người phụ nữ hơn tôi chừng 9-10 tuổi. Tôi chào chị, chị ân cần hỏi tôi tên gì ? quê đâu ? ở đơn vị nào ? Tôi khai quê Nam Định, đơn vị K6 được trên điều động về đây để mở đường. Chị tự giới thiệu tên là Củng, Nguyễn Thị Kim Củng, chỉ huy phó đơn vị N119 TNXP, vừa nhận nhiệm vụ của trên được một sư đoàn bộ đội về tăng cường mở đường cùng đơn vị trong thời gian 3 tháng. Ngồi nói chuyện với nhau được một lúc, tôi xin phép chị ra về để chặt cây tiếp tục làm hầm cho kịp thời gian. Vừa dẫn tôi ra khỏi khu vực lán trại em vừa thỏ thẻ nói chuyện với tôi, em tên Huyền, Phan Thị Thanh Huyền quê An Bài-Quỳnh Phụ-Thái Bình. Em cũng vừa nhập ngũ vào đơn vị được hơn 3 tháng. Và từ đó tôi và em quen nhau.
Nói về con đường 16, dốc Khỉ và Làng Ho thời kháng chiến chống Mỹ đã là người lính đều phải qua đây không ai là không biết.
So với các tuyến đường chiến lược trên đất Quảng Bình như 12A, đường 20, đường 10 thì đường 16 mở có phần muộn hơn, nhưng cũng rất ác liệt. Năm 1968, Binh trạm 27 bổ sung thêm Tiểu đoàn TNXP 119, với 3 đại đội gồm C751, 752 và 759, tiếp tục nối dài đường vào tận Sê Băng Hiêng. Nam nữ TNXP tuy còn trẻ nhưng hầu hết đã trải qua 3 năm phục vụ chiến đấu, đặc biệt có C759 đã được phong Anh hùng trên tuyến đường 12A. Chị Kim Củng được cử làm Tiểu đoàn phó, đơn vị hoạt động từ km 45 trở vào. Tại cây số 45 có một khu hậu cần tổng hợp, địa thế hiểm trở và bí mật. Đây vừa là nơi cất giữ, cấp phát hàng hóa, vừa là nơi tập kết quân để vào B5 (Chiến trường Quảng Trị), nơi các đơn vị công binh, TNXP chốt giữ, mở đường và vận chuyển hàng hóa ra mặt trận.
Kho hàng ở đây có nhiều loại như: Vũ khí, đạn dược, quân cụ, quân lương, đôi khi còn có cả đường sữa, dược phẩm, hàng Tết... Hàng hóa để đầy trong hang, dưới hầm, ven bờ suối. Quân vào quân ra ngày đêm "tíu tít", lính gùi thồ đặt tên đây là "Bến Đồng Xuân". Để chuẩn bị đánh lớn ở mặt trận Đường 9-Nam Lào, hàng hóa càng phong phú, nhiều kho nhiều điểm giao nhận. Quản lý "chợ" là một trung đội gồm cả trợ lý quân khí, quân nhu, 2 tiểu đội bốc xếp và bảo quản, khi nhiều hàng thì điều lực lượng TNXP đến hỗ trợ. "Đi chợ" chẳng cần mang tiền, chỉ cần hóa đơn do Binh trạm trưởng ký, vậy là có thể bốc cả mấy ô tô hàng, lúc nào cũng "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi".
Những người vào "Chợ Đồng Xuân" thường phải qua "Ngầm ông Te, khe bà Nhạn, dốc bà Củng". Ở cây số 43 có một cái ngầm, đá cuội trắng đẹp lắm, đó là nơi đóng quân của Đội cơ giới 18 do ông Te làm đội phó. Ông Te người Hải Dương, với bộ râu quai nón ít khi cạo và tính nóng, hay chửi thằng Mỹ thả bom nổ chậm, mấy cô TNXP thường gọi ông là "Trương Phi". Khe "bà Nhạn" là một con suối đẹp, chảy qua cây số 43 về Làng Ho. Bà Nhạn là đại đội phó C241, toàn gái Thanh Hóa, có nhiều cô xinh và ai cũng dũng cảm. Bà Nhạn nổi tiếng vì tuy đã nhiều năm "sống chung" với sốt rét, da tái môi thâm, tóc rụng gần hết, vẫn chỉ huy đơn vị bám trụ để đường 16 không bao giờ tắc. Cánh lái xe khi qua "khe bà Nhạn" thường không dám dừng lại, vì lính của bà thường hay "tắm tiên" dưới suối.
Còn "Dốc bà Củng"? trước đây thường gọi là Dốc Khỉ, bởi có rất nhiều khỉ. Dốc ở phía tây "chợ", lắm đá tai mèo. Ai cõng hàng qua dốc này đều thở cả ra tai, xe đạp thồ phải bỏ bớt hàng để tăng bo, xe muốn bò lên dốc phải cái số 1. Đây là nơi trú quân của N119, do ông Nguyễn Văn Hiển làm đội trưởng, bà Củng đội phó. Người gùi hàng đến lái xe, nếu vượt qua dốc "Bà Củng", dốc "Khỉ Ho", dốc "Mẹ Ơi", là đã thở phào nhẹ nhõm. Hồi đó, lính giao liên và bộ đội lại nhiều ở tuyến này, ít khi gọi phiên hiệu đơn vị. Họ gọi luôn tên ông nọ bà kia chỉ huy. Quân của bà Củng rất gan lì và tinh nghịch, làm cọc tiêu sống ở ngầm ông Te, quần xắn đến bẹn trắng phau phau, lái xe nào cũng nhớ.
Cả ba người: Ông Te, bà Nhạn, bà Củng đều là cấp phó, nhưng nổi tiếng quanh khu vực "chợ Đồng Xuân". Bộ đội và TNXP thường xảy ra những tình huống bất ngờ, tinh nghich và cười đến vỡ bụng. Đó là truyện tắm tiên, ấy là cánh bộ đội và TNXP khi vào chiến trường chỉ được cấp có 2 bộ quần áo dài, 2 bộ quần áo lót, nên trong quá trình lao động bị bẩn ướt nếu cứ đợi đến chiều về tắm giặt thì lấy đâu quần áo mà mặc nên mới xảy ra cái cảnh "tắm tiên". Thế là tranh thủ lúc nghỉ ban trưa, cánh bộ đội mới rủ nhau chọn một khu suối vắng người, giặt trước quần áo cả dài lẫn lót phơi lên tảng đá, xuống tắm trần, đợi cho nó khô rồi mới lên mặc vào. Các em TTXP nghịch như quỷ sứ, đợi cho cánh bộ đội ngụp xuống suối xong là các ả ra làm quen và trêu gẹo, nhiều khi phải lạy mà các em còn chẳng tha. Cánh bộ đội phải ngâm mình dưới nước hàng 1-2 tiếng đồng hồ mà các nàng không tha, chẳng đi cho để mà lên mặc quần. Ngược lại cánh bộ đội cũng đếch sợ, đã thế cũng trêu lại như vậy. Giữa rừng chỉ có bộ đội với TNXP còn gì mà phải ngượng.
Qua ba ngày làm công tác chuẩn bị xây dựng nơi ăn ở, cán bộ làm công tác đi trinh sát địa hình, đơn vị chúng tôi bắt đầu ra mặt đường. Công việc của chúng tôi vất vả, chỉ với xẻng, cuốc chim và xà beng chúng tôi phải xẻ đất, đẽo đá mở rộng tuyến đường từ vận chuyển bằng xe thồ chuyển sang cho xe ô tô đi một chiều. Buổi sáng chúng tôi bắt đầu đi làm, trưa ăn cơm tại mặt đường, chiều 17 giờ bắt đầu quay về lán trại.
Thời gian bận công việc, mỗi đơn vị lại làm ở một nơi nên chúng tôi không có thời gian để gặp lại được nhau. Chúng tôi chỉ nắm được tin tức nhau qua trạm gác tại ngầm Dốc Khỉ. Trạm gác của đơn vị em hàng ngày có nhiệm vụ nắm tình hình tuyến đường, điều hành xe ra và xe vào chiến trường; Báo động cho đơn vị ra ứng cứu xe, thông tuyến đường nếu bị máy bay địch đánh phá. Cứ mỗi buổi sáng đi làm qua đây em lại gửi thư cho tôi và ngược lại tôi lại gửi thư cho em. Chúng tôi tâm sự với nhau qua những lá thư ngắn ngủi. Thời gian thấm thoát trôi đi, quãng đường chúng tôi làm ngày một tiến sâu vào chiến trường. Đó cũng là một điều báo hiệu rằng thời gian tôi và em gần nhau cũng chẳng còn được bao lâu nữa.
Tuyến đường càng mở rộng, xe ô tô vận chuyển hàng hóa vào chiến trường càng nhiều, điều đó không thể che mắt được địch. Địch sử dụng các phương tiện trinh sát và biệt kích thám báo phát hiện. Máy bay địch đánh phá ngày một ác liệt hơn. Làng Ho, Dốc Khỉ trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của chúng. Ban ngày mỗi khi có tiếng máy bay OV-10 bay qua, chúng bắn pháo khói chỉ điểm cho lũ máy bay phản lực ném bom. Ban đêm chúng bắn pháo sáng, sử dụng máy bay C130 có hệ thống bắn ban đêm tiêu diệt các xe ô tô chở hàng của ta. Chúng còn sử dụng cả máy bay chiến lược B52 đánh phá các khu vực hậu cứ, kho tàng của ta.
Một buổi chiều đau thương nhất đã xảy ra với đơn vị chúng tôi và đơn vị của em. Chiều ngày 30 thàng 7 năm 1970, bom tọa độ nổ ầm ầm giữa khu vực cây số 45. Chúng đánh liên tục 5 giờ đồng hồ, rừng ngập chìm trong khói lửa. Đến buổi chiều hoàng hôn mới ngớt tiếng bom, mọi người tập trung ứng cứu, khi đạn vẫn nổ đì đùng dưới suối, lửa cháy rừng rực trong kho. Đơn vị chúng tôi cùng với đơn vị TNXP chia làm 3 mũi: Cứu người, cứu hàng và thông đường. Chúng tôi tập chung cứu người, dùng tay bới tìm đồng đội trong những căn hầm đổ nát, suốt từ đầu hôm tới tận sáng. Làm trong điều kiện lửa vẫn cháy, bom vẫn nổ, OV10 quần trên đầu. Có 37 chiến sĩ và TNXP hy sinh và 25 người bị thương, trong đó có 20 chiến sĩ bổ sung cho chiến trường.
Nhìn đồng đội và chị em thanh niên xung phong hy sinh được xếp nằm ngay ngắn trong một lán ven rừng, tôi không thể tin vào mắt mình được nữa, tôi đứng lặng người, khi nhìn thấy Huyền. Em nằm thanh thản, ngủ ngon và mãn nguyện như sau một ngày làm việc vất vả trên công trường. Chiều hôm đó phận đội của em được phân công bốc hàng vào kho, khi máy bay đánh phá, một sự thật phũ phàng và nghiệt ngã, cả phân đội của em đã bị bom vùi và tất cả đều hy sinh. Em hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, mới vừa tròn 18 tuổi, để lại biết bao những hoài niệm trong đó có một ước ao bé nhỏ mà em vẫn thường tâm sự với tôi: “Em mong nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ để được về với mẹ ! Khi nào về quê anh nhớ ghé thăm nhà em nhé !”
Chiều hôm sau đơn vị chúng tôi cùng đơn vị TNXP tổ chức lễ truy điệu và mai táng những người đã hy sinh. Tiễn đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng, trong lòng tôi cũng như bao người khác có mặt hôm đó vô cùng đau sót và tiếc thương. Tôi đắp cho mộ em thêm một vầng cỏ, cắm cho em thêm một nhành hoa rừng, hứa có thời gian tôi sẽ luôn trở lại thăm em.
Những ngày sau mỗi tuần tôi bố trí thời gian ra thăm mộ em một lần. Thời gian ngày một trôi nhanh, tuyến đường ngày một chạy sâu hơn, điều kiện thăm em ngày một thưa hơn. Đến tháng 9 năm 1970 thì toàn bộ tuyến đường 16 cơ bản đã hoàn thành, đơn vị chúng tôi nhận được lệnh hành quân vào tham gia chiến dịch Đường 9-Nam Lào (Lam Sơn-719).
Một nỗi buồn vô hạn, trong mấy tháng mở đường dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù ấy, Tiểu đội tôi có 9 người, đã có 2 người hy sinh phải nằm lại cánh rừng già bên cạnh làng Ho, 3 người bị thương nặng phải trở về tuyến sau. Và em Phan Thị Thanh Huyền người con gái quê hương Thái Bình, người con gái TNXP Trường Sơn đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất nơi đây, để lại cho tôi nỗi đau thương và cảm phục. Trước khi hành quân vào chiến trường tôi ra thăm đồng đội và thăm em lần cuối. Tôi chúc em an nghỉ một giấc ngủ ngàn thu ! Tôi hứa sau này nếu còn sống sẽ quay về thăm quê em và sẽ ghé thăm em !
Thế rồi năm tháng trôi đi, sau khi nước nhà thống nhất tôi có dịp về thăm quê em, mảnh đất quê lúa Thái Bình, nghe gia đình kể lại đến nay vẫn chưa biết phần mộ của em đang nằm ở nơi đâu ?
Năm 2012 nhân dịp vào dự lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị, chúng tôi có ý định đi theo đường Hồ Chí Minh để vào thăm lại Dốc Khỉ, Làng Ho, nhân dịp này thăm lại chiến trường xưa và tìm lại phần mộ của Huyền.
(Đèo Đá Đẽo)
(Viếng thăm nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn)
(Thăm nghĩa trang liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị)
Sau 37 năm ngày đất nước thống nhất , tôi lại có dịp quay trở lại nơi chiến trường xưa. Bây giờ đây Làng Ho đã có nhiều sự thay đổi. Đồng bào các dân tộc ở làng Ho đang nắm chặt tay nhau xây dựng bản làng giàu, đẹp bên đường Hồ Chí Minh đầy sức sống mới. Tôi hỏi một số người dân ra thăm khu vực chôn cất các liệt sĩ TNXP năm xưa, một điều vô cùng đâu sót, người ta kể lại rằng sau khi chôn cất những người hy sinh chiều 30 tháng 7 năm 1970 năm ấy, đúng 5 ngày sau máy bay giặc Mỹ lại đánh phá ác liệt lần nữa, toàn bộ khu mộ trí của anh chị em bị bom hất tung hết. Chính vì lý do đó mà các mộ liệt sĩ đó không còn.Họ chỉ còn gom được một số thi thể còn lại mai táng chung một hố và hòa bình lập lại đã tập chung đưa về nghĩa trang thuộc tỉnh Quảng Trị.
Huyền ơi ! Giữ đúng lời hứa, anh đã về thăm lại quê em và sau 42 năm anh quay lại Làng Ho thăm em đây ! Bây giờ em đang nằm ở nơi đâu ? Hãy yên nghỉ nơi vĩnh hằng em nhé ! Tổ Quốc, nhân dân và người thân không bao giờ quên được những công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của em và những người đã ngã xuống cho đất nước hồi sinh, cho Tổ quốc được thanh bình.
.
Sao hai lần vùi xác ?
Xương thịt đồng đội ơi!
Anh Phó Cối ơi! em xúc động quá ! xin cho em thắp nén nhang cho các Anh Chị TNXP nhé anh !
EM MONG ƯỚC SỰ HY SINH CỦA NHỮNG NGƯ..
Mời anh qua nhà em ăn bánh uống trà chia vui với em nhé !
Một tuần mới an lành, nhiều may mắn tốt lành đến với anh cùng gia đình, nhé anh !
Trưa mát dịu anh nhé !
Bảo trọng anh Cối nha !
- Chúc anh và gia đình tuần mới mọi điều tốt lành, may mắn, nhiều niềm vui.
Làm cho người nhắn, đứng ngồi không yên!
Nhắn tin vào ĐT không thấy Cối trả lời nên trách một tý. Hi...Hi...trêu đ/c Cối một chút. Bạn khỏe hẳn chưa? Chúc bạn an lành !
E ghé thăm a và cảm ơn a đã nhớ tới e ngày 20/10 . Vui nhiều và hp a nhé .
Cầu cho hương hồn người quá cố được thanh thản chốn Vĩnh Hằng .
Chúc người phụ nữ của bạn luôn vui và hạnh phúc nhân ngày 20/10 .
Anh viết hồi ký rất hay.
Hi vọng một ngày gần nhất mọi người sẽ tìm được phần mộ của chị Huyền. Em tin là thế anh ạ.
Em rất vui mừng được ghé thăm nhà anh. Em cũng là một người lính, đọc trang viết về kỷ niệm thời chiến của anh thấy rất xúc động. Đau xó..
Chúc anh luôn mạnh khỏe, vui vẻ và hạnh phúc.
MẠNG CON NGƯỜI , VÀ TÀN PHÁ RẤT NHIỀU NHÀ CỬÓIA ..
Tuần mới an lành sức khỏe nhé anh Cối ơi !