C120mm tháng 6 năm 1971- Tại Trường Sỹ quan Lục quân 1- Ba Vì- Sơn Tây- Hà Tây
Cũng
vào những ngày tháng này của năm 1974, là năm đầu tiên chúng tôi được đơn vị cho
về ăn tết với gia đình sau 4 năm sống trong quân ngũ. Đồng thời cũng là cái tết
buồn, vì tôi đã vĩnh viễn mất em, người bạn, người yêu, người hàng xóm thân
thiết nhất của tôi. Chấm dứt "một mối tình" sau gần một năm chúng tôi
tìm hiểu qua thư từ và những lần ngồi bứt cỏ, vặt hoa dại khi tâm sự với em bên dòng sông nhỏ chảy quanh làng.
Khi ngồi viết lại những dòng hoài niệm này thì
chúng tôi mỗi đứa đều đã yên bề gia thất, đã trở thành bà, thành ông. Để khỏi
ảnh hưởng đến cuộc sống và hạnh phúc sau này của em, nên tên thật của các nhân
vật đã được tôi thay đổi.
Ngày 27 tháng 01 năm 1973 Hiệp định
Paris được ký kết và có hiệu lực vào 7 giờ ngày 28 tháng 3 năm 1973. Nội dung
hiệp định đã đáp ứng được 4 yêu cầu cơ bản của ta:
- Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ
của Việt Nam .
- Mỹ phải rút hết quân Mỹ và chư hầu, bãi bỏ hết các căn cứ quân sự, cam
kết không dính lứu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước Việt
nam, để cho nhân dân miền Nam Việt Nam quyết định lấy tương lại chính trị của
mình.
- Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hoà
Nam Việt Nam là một bên của hai bên Nam Việt Nam, trên thực tế Nam Việt Nam có
hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.
- Mỹ phải bồi thường chiến tranh.
Ngày
2 tháng 3 năm 1973, 12 đoàn đại biểu của các chính phủ Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ,
Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng
hoà (nguỵ Sài Gòn), 4 nước trong uỷ ban kiểm soát và giám sát việc thi hành
hiệp định Paris về Việt Nam (Hung ga ri, Ba Lan, In đô nê xia, Ca na đa) đã họp
hội nghị quốc tế về Việt Nam, thông qua định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định
và các nghị định thư về Việt Nam.
Ngày
29 tháng 3 năm 1973, Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Đơn vị cuối cùng
của quân đội Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam , chấm dứt sự có mặt của quân
đội ngoại xâm trên đất nước ta sau 115 năm.
Đây
là một bước ngoặt về chiến lược hết sức quan trọng dẫn đến bất lợi cho địch về
so sánh tương quan lực lượng. Sự thay đổi cả về thế và lực đó đã dẫn tới sự
thay đổi cục diện chiến trường, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Việt Nam
hoá chiến tranh” về quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Xuất
phát từ thực tế yêu cầu có nguồn cán bộ cơ bản và lâu dài, phục vụ cho sự
nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc sau này, sau hơn một năm chiến đấu tại chiến
trường Quảng Trị, chúng tôi lại
quay về mái trường thân yêu để tiếp tục học tập, giữa lúc ta chuẩn bị cho lễ
duyệt binh chào mừng thắng lợi sau khi ký kết hiệp định Pari và kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5.
Khi
quay trở lại trường, thì các đơn vị tham gia duyệt binh đã ở kín doanh trại,
nên đơn vị chúng tôi phải tạm đóng quân ngoài nhà dân thuộc các thôn Trại Láng,
Triều Đông thuộc xã Cổ Đông, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay đã sát nhập về Hà Nội). Tại đây chúng tôi được cấp
trên cho về nghỉ phép sau khi lễ duyệt binh xong thì quay lên trường.
Những
ngày cuối tháng 4 năm 1973 tiết trời rất nóng bức, anh em chúng tôi hành quân
từ trường ra phố Gạch để bắt xe về Hà Nội. Hồi đó không có xe ôm như bây giờ,
chủ yếu đi bộ là chính, nếu ai nhờ được gia đình có xe đạp chở đi là hạnh phúc
lắm rồi. Nhìn cái cảnh người lính khoác chiếc ba lô đi bộ từ bến xe Kim Mã qua
cửa Nam
về Ga Hà Nội lúc bấy giờ cảm thấy rất bình thường. Nhóm anh em quê Nam
Định chúng tôi lúc đó có 5 người thay nhau xếp hàng mua vé. Chúng tôi là bộ đội
có giấy phép nên mua vé rất nhanh (Vì có cửa ưu tiên). Cuối cùng bằng chuyến
tầu chợ với giá vé giảm 50% (lúc đó là 5 hào rưỡi) sau 1 ngày, năm anh em chúng
tôi cũng có mặt tại ga Nam Định. Đi tầu lúc đó rất vất vả, thôi thì thượng vàng
hạ cám đều cho lên tầu hết. Người ngồi chung với hàng hoá, lợn, gà, gánh
gồng,…chỗ nào trống mà ngồi được là hạnh phúc lắm rồi, làm gì có số toa, số ghế
như bây giờ. Ngày đó người ta quen gọi là tầu chợ.
Sau
hơn một năm xa nhà, khi quay về nhà mọi cảnh vật xung quanh làng tôi đã có
nhiều sự thay đổi. Con đường nhựa trơ trọi, những cánh đồng loang lổ hố bom,
hằn lên những vết tích của những trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ vào mùa
Đông năm 1972. Và làng tôi chỉ toàn thấy phụ nữ, bà già và trẻ em, vì các thanh
niên trai tráng đã lên đường ra mặt trận hết. Anh trai tôi vào Nam chiến đấu
cũng đã được 4 năm trời, gia đình không nhận được tin tức…Bà nội và mẹ tôi luôn
nhắc đến anh “không hiểu nó còn hay mất ?”
Hồi
đó ở quê mà có ai đi bộ đội trong chiến trường ra là cả làng hỏi thăm, nhà tôi
không lúc nào hết khách, nhất là các bạn nữ thanh niên.
Em
và tôi đến với nhau vào một buổi chiều thật tình cờ. Hôm đó các bạn nam nữ
thanh niên trong Đội 202 (đội thuỷ lợi của xã) tụ tập ở nhà tôi tổ chức hoan,
vì em trai tôi là thư ký của đội. Tôi thấy trong một đám đông có một cô bé
trắng hồng, người mập, thỉnh thoảng cứ liếc mắt nhìn tôi thẹn thùng. Tan cuộc,
mọi người vui vẻ ra về, tôi hỏi nhỏ em trai: Tên cô bé đó là gì ? Nó con cái
nhà ai vậy ? Nó tên là Sương con ông bà Thà, nhà bên cạnh bờ sông, cầu ao có
một cây dừa và một cây nhãn đó anh ! Và sắp tới nhà nó chuyển nhà vào ngay bên
cạnh nhà mình đây này ! Em trai tôi trả lời và chỉ sang mảnh vườn bên cạn cách nhà tôi có một bờ rào.
Buổi
tối hôm đó khi ngồi ăn cơm vui vẻ với gia đình, bố mẹ tâm sự với tôi: Con ạ,
nhà mình thì đông anh em, những bảy đứa, đã có ba đứa có thể xây dựng gia đình
được rồi. Bây giờ bố mẹ đã già yếu, phải lo xây dựng gia đình cho các con dần
đi, nếu để lâu bố mẹ sẽ vất vả. Nếu theo quy luật thì anh cả con phải xây dựng
gia đình trước, nhưng hiện nay anh con đang còn ở chiến trường không biết sống
chết ra sao. Theo bố, con nên tìm hiểu trước đi để khi ra trường tổ chức là
vừa.
Tôi
giật mình, mình mới có 21 tuổi, lấy vợ sớm quá có nên không; suốt đêm đó tôi
dằn vặt, suy nghĩ. Nghĩ đi thì vậy, nghĩ lại thì thương bố mẹ và các em, nên
tôi thấy cũng xuôi lòng. Tôi tâm sự với thằng em trai bảo nó làm nhịp cầu nối
giữa tôi và Sương. Và sau cái buổi gặp nhau ban đầu ấy, tối nào chúng tôi cũng
gặp nhau bên cây dừa cạnh cầu ao nhà em. Thời gian nghỉ phép thấm thoát trôi
nhanh, trước khi trở lại trường chúng tôi hứa hẹn với nhau một ngày gần nhất
thưa chuyện với bố mẹ hai bên để tổ chức đám cưới.
Sau gần một tháng nghỉ phép, tôi
quay lại trường tiếp tục học tập trong lòng đầy ắp những kỷ niệm về mối tình
đầu của tôi.
Những ngày đầu lên trường tôi và em trao đổi thư từ với em đều
đặn. Tuy nhiên, sau một thời gian tôi viết thư liên tục, nhưng không nhận được
thư trả lời của em. Trong lòng tôi nóng như lửa đốt, viết thư về cho em gái tôi
hỏi xem có chuyện gì chẳng lành đã xảy ra. Em gái viết thư trả lời tôi là đừng
viết thư cho chị ấy nữa, chị ấy có người khác rồi. Tôi rất buồn, và tự hỏi, tại
sao con người ta lại thay đổi một cách nhanh chóng như vậy và thầm trách em sao
không viết thư trả lời thẳng cho tôi ?
Thời
gian học tập, huấn luyện của chúng tôi trôi đi cũng rất nhanh, mới ngày nào
quay lên trường thế mà chẳng mấy chốc năm 1973 đã kết thúc. Cái tết nguyên đán
1973-1974 năm ấy tôi được về vui chung cùng với gia đình.
Khi
tôi về đến nhà thì cũng đúng vào cái ngày mà nhà trai mang lễ đến dạm ngõ nhà
em. Đối với tôi không có gì đột ngột, vì đã được xác định từ trước. Với em, tôi
chỉ muốn hỏi một câu rằng, tại sao em có người yêu mới rồi không biên thư trả
lời cho tôi biết và chúc em hạnh phúc mãi mãi bên người mình yêu. Em chỉ khóc
mà không nói với tôi một lời.
Thời gian trôi đi, cái tết cổ truyền dân tộc càng
đến sát, ông bố của em cũng là bộ đội công tác ở Bộ Tư lệnh TTLL buồn với công
việc gia đình nên bỏ lên đơn vị sớm. Đúng ngày 26 tết em có nói với tôi là mẹ
em có công chuyện cần gặp. Theo đúng lời hẹn, tôi đến thăm nhà em, mẹ em nói
với tôi là không biết hai đứa yêu nhau, “cơi trầu bỏ ngõ là cơi trầu bỏ đi
“. Thôi, nếu anh chị quyết tâm đến với nhau thì về suy nghĩ đến tối
28 tết xuống trả lời để bà biết, để bà mang trả lại lễ người ta. Tôi ra về
trong long cũng không buồn, và cũng chẳng vui, vì những ý nghĩ để trả lời bà
tôi đã chuẩn bị từ trước khi tôi nghỉ phép.
Theo
lời hẹn, đúng 20 giờ ngày 28 tết tôi có mặt để trả lời ý kiến của mình trước
gia đình em. Nhà em đang tổ chức một cuộc họp họ, hàng bàn về chuyện trăm năm
của em. Tôi đứng ngoài nghe toàn bộ những ý kiến phân tích của các thành viên.
Có nhiều ý kiến phân tích, nhưng tựu chung gồm các vấn đề:
-
Họ so sánh giữa tôi và người yêu mới của em: "Tôi đẹp trai còn anh Long có xấu
trai hơn, nhưng lại là con một không phải đi bộ đội. Đẹp không mài ra ăn được,
nhỡ đi chiến trường mẻ gáo thì khổ cả đời. Khôn, cơm không ăn, dại thì ăn c…
-
Về gia đình tôi đông anh em (7 anh em, 6 trai, 1 gái), về nhà phải lao động, như con trâu kéo cày trả nợ,
khổ. Còn về nhà anh Long, hộ khẩu thành phố, có sổ gạo, nhà lại bán hàng nước,
về đó chỉ ngồi đấy, muốn ăn cái gì có cái đấy…
Họ
lo tương lai cho con cháu như vậy là đúng thôi ! không còn gì phải bàn cãi,
nhưng bảo lấy tôi về nhà làm con trâu kéo cày trả nợ thì đâu có đúng. Hơn nữa
đừng bao giờ xúc phạm đến tôi và em. Người ta thường nói : “một mẹ có thể nuôi
được 10 đứa con, nhưng mười đứa con chưa chắc nuôi nổi được một người mẹ”. Âu cũng
chỉ là cái nợ đồng lần mà thôi. Bố mẹ nuôi ta, đến ta lại nuôi con ta, chứ ta
có nuôi được bố mẹ ta đâu ?
Sau
cuộc họp, đến giờ cả họ nhà em nghe ý kiến của tôi. Tôi đã trả lời thẳng vào
vấn đề luôn, việc trăm năm của con cái không phải là mớ rau mớ cỏ mà bảo nhận
lễ của người ta rồi nay lại mang trả lại. Hơn nữa như gia đình vừa phân tích
trong cuộc họp, nên tôi chúc cho em và cả gia đình hạnh phúc.
Tôi
ra về trong lòng thật thanh thản, như trút đi được nỗi buồn mà tôi phải
mang trong suốt thời gian gần một năm trời. Không ai có lỗi trong chuyện này. Tất cả
là tại chiến tranh, tại nghèo khó cả mà thôi. Tôi cũng không trách bố mẹ tôi tại sao lại
nghèo ? Bởi vì, người ta thường nói: "con không bao giờ chê cha mẹ nghèo
khó, chó không bao giờ chê chủ nghèo"
Hết
phép, tôi quay trở về đơn vị với một nỗi buồn man mác, trong lòng tâm niệm một
lời thề :
- Một là: Không giải phóng miền Nam
tôi sẽ không bao giờ lấy vợ !
- Hai là: Không bao giờ tôi lấy vợ là con gái trong làng ! (Bởi vì gái làng tôi
lúc bấy giờ sống rất thực dụng).
- Ba là: Phải cố gắng vươn lên bằng nghị lực, bằng chính bàn tay, khối óc của
mình để không bao giờ được nghèo khó !
Lời
thề đó theo tôi suốt những năm tháng của cuộc chiến tranh, và có thể nói theo suốt
cuộc đời quân ngũ của tôi. Mãi đến năm 1977, sau khi đất nước thống nhất được 2 năm bố mẹ tôi
giục tôi mới chịu cưới vợ (ngày 24 tháng 10 là ngày cưới của tôi) và cả tập 1
và tập 2 sau này của tôi đều không phải là gái trong làng.
C120 mm tháng 12/1974
Còn về phần em, sau cái ngày bỏ tôi, em cũng không lấy
được anh Long, người yêu mới đó, chỉ vì một lý do đơn giản là không nhập được
hộ khẩu nội thành. Đến năm 1978 em đi xây dựng gia đình. Đến hôm nay, sau mỗi
lần gặp lại, chúng tôi đã trở thành hàng xóm tốt của nhau. Tôi hiểu rằng trên
cuộc đời này đến đôi giầy, đôi tất, cái mũ, hay bộ quần áo dài, quần áo lót....
đều có số cả. Vậy cuộc đời chúng ta mỗi người đều có một số phận đó là lẽ tất
nhiên thôi, có phải không các bạn ? Hãy vui vẻ lên, và bằng lòng với số phận
của mình, đó là điều hạnh phúc nhất của mỗi người chúng ta !
Bây giờ đây, cuộc sống trong làng tôi đã có nhiều thay
đổi, đường làng đã trở thành đường phố; xã đã trở thành phường. Đời sống kinh
tế đã ngày một khá hơn, con người ta sống với nhau thân thiện hơn. Mỗi lần qua
cây Nhãn, cây Dừa bên cạnh nhà em, mỗi một lần khi gặp em, nhìn cái cảnh vất vả,
tất bật với cuộc sống thường ngày của em, những kỷ niệm của một thời trai trẻ,
thời yêu đương lại vọng về trong lòng tôi !
(C120mm)
Đọc nghe buồn thế bác Cối ới ới ới ời
Trả lờiXóaBị gái nó đá đau lắm ! Sao lại không buồn ?
Xóa