Trong những tháng năm khó khăn vất vả của thời bao cấp, từ cuối năm 1984 đến năm 1987, cũng như mọi người dân Việt Nam khác, vợ chồng chúng tôi cố gắng bằng mọi cách chạy vạy, lo toan để nuôi cho 3 đứa con ăn mặc, học hành. Chính những năm tháng khó khăn đó đã rèn luyện chúng tôi biết cách hoàn thành công việc xã hội và việc gia đình một cách hợp lý. Và cũng chính những năm tháng đó chúng tôi cũng bị không ít những tiếng trì trích là cán bộ, sao lại có tư tưởng tự do cá nhân chủ nghĩa, thu vén cá nhân ?.
Rồi cái cơ chế bao cấp dần dần được phá rào mở ra một lối đi mới, làm cho con người ta dễ thở hơn. Ngồi nghĩ lại một thời đó mới thấy mọi người dân Việt Nam chúng ta đều vĩ đại thật. Chúng tôi cũng vinh dự và tự hào là một người được sống trong cái thời gian đó.
Năm tháng cứ trôi đi một cách tuần tự, lại một bước ngoặt lớn với quá trình công tác của tôi. Tháng 5 năm 1987, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xây dựng Quân đội, tôi được Bộ Quốc phòng cử tuyển làm phiên dịch kiêm học viên đi nghiên cứu vũ khí ở Liên Xô. Được đi nước ngoài hồi đó là một điều mơ ước với mọi người, mà lại được gọi đi lần thứ hai nên nhiều người
có mơ cũng không được như tôi. Tôi nhận quyết định, làm thủ tục giấy tờ, chia tay anh em trong đơn vị xong về qua nhà làm công tác chuẩn bị.
Đầu tháng 4 năm 1987 tôi đã có mặt tại Trạm 66 Bộ Quốc phòng để nhận nhiệm vụ. Lớp học của tôi có 5 anh em: Quân đoàn 2 có 2 người, Trường Sĩ quan Lục Quân 1 có 3 người, cả lớp quay về Trường Sĩ quan lục quân 1(nay là đại học Trần Quốc Tuấn) tại Sơn Tây để tổ chức ôn luyện, làm quen trước với các tài liệu. Đầu tháng 5 năm 1987 chúng tôi bắt đầu bay sang Liên Xô. Trải qua 14 tiếng đồng hồ bay và dừng nghỉ ở Bom Bay (Ấn Độ), Carachi (Pakitan), Tashkent (Uzbekistan) đúng 10 giờ sáng (giờ Mát-xcơ-va) ngày 7 tháng 5 năm 1987 chúng tôi đã có mặt tại thủ đô Mát-xcơ-va.
(Hình ảnh sân bay Bom Bay Ấn Độ)
(Sân bay quốc tế Vnukovo-Mat-xcơ-va)
Tại đó đã có xe của đơn vị cùng cán bộ thuộc phòng tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Việt Nam đón chúng tôi. Nơi chúng tôi học tập là một thành phố nhỏ gọi là thành phố Mặt Trời, cách Thủ đô Mát-xcơ-va khoảng 200 km, nằm trên tuyến đường sắt Mát-xcơ-va – Lê-nin-grát. Gọi là thành phố, nhưng ở đây chính là Trung tâm thực hành của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Liên Xô. Nơi thực hành lái và bắn các loại vũ khí và diễn tập chiến thuật đến cấp sư đoàn có bắn đạn thật.
Cái cảm giác đầu tiên sau 4 năm tôi quay trở lại đất nước Xô Viết là thấy đời sống kinh tế của người dân ở nơi đây giảm xút trông thấy bởi công cuộc “cải tổ” của bạn gặp nhiều khó khăn.
Như chúng ta đã biết tháng 3 năm 1985, M. Goocbachốp được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô. Goocbachốp đưa ra chủ trương cải tổ với đường lối “đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước” rất được nhân dân kì vọng, nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và xây dựng một chủ nghĩa xã hội dân chủ, nhân văn đúng như bản chất của nó. Về kinh tế: Chính phủ Liên Xô đưa ra nhiều phương pháp nhằm chuyển biến nền kinh tế Liên Xô sang cơ chế thị trường (tiến hành cải tạo kĩ thuật mới, thực hiện triệt để nguyên tắc phân phối theo lao động…). Về chính trị: Mở rộng chế độ tự quản xã hội chủ nghĩa của nhân dân, đề cao dân chủ, mở rộng tính công khai, phê bình và tự phê bình…
Mục tiêu cải tổ rất tốt đẹp, được nhân dân chờ đợi, song trong gần 6 năm tiến hành cải tổ, do không lường hết khó khăn, thiếu sự chuẩn bị chu đáo nên công cuộc cải tổ đi vào bế tắc, hậu quả là nền kinh tế tụt hậu. Năm 1989, tổng sản phẩm quốc dân giảm 4-5%, năng suất lao động xã hội giảm 2,5%…Trước tình hình đó ban lãnh đạo Liên Xô vội chuyển sang cải tổ chính trị cực đoan, đến mức chấp nhận chế độ đa đảng thiết lập chế độ Tổng thống (1990) dẫn đến nội bộ Đảng Cộng sản chia rẽ, các thế lực chống phá CNXH ngóc đầu dậy, một số nước cộng hòa đòi li khai. Đất nước rơi vào khủng hoảng toàn diện, công cuộc cải tổ bị trượt ra khỏi mục tiêu CNXH. Ngày 19-8-1991, một số người lãnh đạo Đảng và nhà nước Xô việt tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Goocbachốp. Cuộc đảo chính thất bại. Trở lại nắm quyền, Goocbachốp từ chối chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô vào tháng 9-1991. Quốc hội Liên Xô đã bãi bỏ Hiệp ước Liên bang năm 1922. Theo sáng kiến của 3 nước cộng hòa (Nga, Ucraina, Bêlarut) ngày 21-12-1991, 11 nước cộng hòa kí hiệp ước giải thể Liên Xô và chính thức tuyên bố thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Ngày 25-12-1991, Goocbachốp từ chức Tổng thống, lá cờ đỏ búa liềm bị hạ xuống, Liên bang Xô viết chính thức bị tan vỡ.
Do vị trí quốc tế của mình, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô được xem như là tổn thất lớn nhất của hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới, nhưng đây là sự sụp đổ của mô hình CNXH đầy khuyết tật chứ không phải là sự sụp đổ của lí tưởng XHCN. Sự khủng hoảng và sụp đổ đó đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho cách mạng thế giới.
Chính sách mới của Nga là cấm rượu. Các cửa hàng không được bán rượu, thực phẩm trở nên khan hiếm. Nếu như những năm 1980-1984 chúng tôi có thể mua thịt ngon, bia, rượu ở bất cứ các cửa hàng nào, thì năm 1987 ở các học viện, nhà trường đã phải ưu tiên giành cho học viên nước ngoài chúng tôi một quầy hàng riêng. Nên một số học viên Nga phải nhờ chúng tôi mua hộ bia, gạo, xà phòng và các thực phẩm cần thiết khác. Còn người dân Nga phải xếp hàng dài giằng dặc, chờ đợi như chúng ta ở cái thời bao cấp.
Ở đây chúng tôi được nghiên cứu lý thuyết từng loại vũ khí, sau khi nghiên cứu xong ra trường bắn để thực hành luôn. Thực hành cả ban ngày lẫn ban đêm. Chính vì vậy thời gian nghiên cứu và thực hành rất vất vả, bù lại chúng tôi được nghỉ 2 ngày: thứ bảy và chủ nhật, đi chơi thăm bạn bè và mua hàng ở Mát và các thành phố lân cận.
(Chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo chỉ huy Trung tâm huấn luyện và học viên các lớp trong khoá học- tháng 10 năm 1987)
Thời gian thấm thoát trôi đi rất nhanh, khi chúng tôi sang bên này là mùa hè, thế rồi qua mùa đông, anh em chúng tôi vẫn mải miết trên thao trường tuyết phủ trắng. Rồi cũng đến ngày chúng tôi phải chia tay các thày giáo huấn luyện để trở về nước. Với thời gian ngắn ngủi chỉ có 7 tháng trời chúng tôi đã có thể tiếp thu được những kiến thức cơ bản để huấn luyện và sử dụng loại vũ khí mới mà Liên Xô viện trợ cho các đơn vị bộ binh cơ giới (BBCG) của quân đội ta. Trở về nước chúng tôi quay lại trường, tiếp tục tập huấn cho anh em sĩ quan của đơn vị làm quen với các loại vũ khí mới này.
Đến tháng 10 năm 1988 tôi được trên điều về nhận nhiệm vụ mới tại Trung đoàn bộ binh cơ giới 24 (eBBCG24), thuộc sư đoàn BBCG 304 Quân đoàn 2. Về nhận nhiệm vụ ở một đơn vị có trang bị vũ khí hiện đại của Quân đội tôi không thể không lo lắng về trách nhiệm của mình. Một đơn vị phải quản lý mấy trăm xe ô tô, xe chiến đấu và súng pháo các loại, hàng mấy trăm tấn xăng dầu, đạn dược thì vấn đề bảo đảm an toàn là vấn đề lo lắng nhất.
Doanh trại thì toàn tranh tre, nứa lá, đóng quân trên đồi rất hiếm nước, nếu có hoả hoạn xảy ra chỉ có mỗi một nước là ngồi mà nhìn, chứ khó mà cứu được. Đêm đến hầu như ít ngủ, phải thức để đi kiểm tra gác, kiểm tra an toàn. Cầu mong đêm đừng bao giờ có tiếng điện thoại réo, nếu có thì y như rằng lại có sự vụ xảy ra. Mỗi khi đơn vị tổ chức huấn luyện, diễn tập, bắn đạn thật phải xuất xe ra khỏi nhà xe là lo sao cho an toàn người và vũ khí trang bị. Thế rồi một năm cũng trôi qua, được sự giúp đỡ của các anh em trong Ban chỉ huy và cán bộ chiến sĩ của đơn vị, tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bước sang tháng 8 năm 1989, tôi được cấp trên điều sang làm Trung đoàn trưởng eBBCG9 thuộc sư đoàn 304. Thời tiết năm đó rất khắc nghiệt , nắng lắm, mưa nhiều, gió to, bão lớn. Sau mỗi lần bão gió lại một đợt toàn đơn vị lại phải lợp lại nhà kho, nhà xe, nhà ở. Mùa mưa lo bão gió thì mùa khô hanh lại lo hoả hoạn. Toàn bộ doanh trại của bộ đội là trình tường đất, lợp bằng tranh nứa và cỏ tranh, chỉ cần một tàn than là có thể thiêu trụi cả một đơn vị. Chính cái mùa khô năm 1989 bước sang năm 1990 là một năm mất mát, vận hạn lớn nhất của đời tôi.
Tôi còn nhớ như in những ngày tháng của mùa khô giáp tết năm 1989, hôm đó là ngày 25 tháng 12 âm lịch, sau 2 ngày ông Công ông Táo lên trời. Trời năm đó khô hanh và rất rét, nước các giếng ở trên đồi cạn kiệt. Chúng tôi muốn tắm giặt phải xuống các giếng ở khe suối. Công tác phòng chống cháy nổ được đơn vị quy định rất nghiêm ngặt, nhất là hệ thống kho tàng, các kho xăng dầu, kho đạn. Nhưng ở đại đội thông tin của Trung đoàn do sơ xuất về đun nấu, bếp lại ở bên cạnh trái nhà, công tác kiểm tra không tốt, đun nấu xong không dập tắt lửa, gió to đã gây một đám cháy ngầm theo cột vách, tàn than bay lên mái nhà, bộ đội lại bỏ gác, kết quả một dãy nhà 12 gian và 1 kho khí tài thông tin và vũ khí đã bị thiêu trụi. Cán bộ chiến sĩ đơn vị đến ứng cứu, nhưng gió to, nước không có, tất cả chỉ đứng nhìn ngọn lửa thiêu trụi toàn bộ quân tư trang của 120 chiến sĩ, 2 khẩu PKT, 22 khẩu AK, 4 máy thông tin VTĐ trên xe, 2 máy nổ, 30km dây thông tin. May mà không chết người. Đó là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất toàn quân năm 1990. Trong mấy ngày trời phải liên tục tiếp các đoàn cấp trên về điều tra, xét hỏi, thu thập chứng cứ…. Mùa xuân đã cận kề nhưng trong lòng tôi cũng như đơn vị vẫn đọng lại một nỗi buồn sâu lắng.
Tập chung lo cái tết cho bộ đội xong, cấp trên cho tôi nghỉ về ăn tết với vợ con, vì cũng đã 2 năm tôi không được ăn tết ở nhà. Tình hình đơn vị như vậy, mặc dù về quê ăn tết nhưng tôi còn vui cái nỗi gì ? Vợ nghe tôi kể chuyện buồn ở đơn vị cũng chỉ biết an ủi, động viên tôi mà thôi. Cái đêm giao thừa tôi cũng chẳng thèm dậy đốt pháo, có 4 bánh pháo đặt ở làng pháo Bình Đà bảo con trai chia ra làm hai phần, hai bánh đốt vào đêm giao thừa còn 2 bánh đốt vào sang mồng một tết. Pháo Bình Đà chúng tôi đặt quả to như pháo đùng, nổ đanh, xác tan vụn, cácloại pháo khác còn gọi bằng “cụ”. Đúng sáng mồng một tết, khi con trai tôi đem 2 bánh pháo còn lại ra đốt ngay ở cửa nhà, đốt xong thì con chó Béc của gia đình tôi lọng óc, nó chui vào gầm giường chết ngay tại chỗ. Tôi lặng lẽ ôm nó xuống bếp, vợ tôi thương nó khóc tức tưởi. Con chó chúng tôi đặt tên nó là Zeeng, giống của Đức, mua ở trại giống của nông trường Tam Đảo, nó khôn và rất to (khoảng 30 kg). Tôi an ủi vợ: Ối zời, thôi em đừng khóc nữa, chết con này thì nuôi con khác chứ lo gì ! Sau tết lên đơn vị anh bắt cho 2 con nuôi một thể. Chúng tôi khoá cửa, vợ chồng con cái kéo sang chúc tết bố mẹ hai bên và các cô dì, chú bác, hàng xóm láng giềng xung quanh. Bố tôi nói: “mồng một tết, chó chết hết chuyện !”; tôi chỉ biết thế, chứ có mê tín gì đâu? Cán bộ đảng viên ai lại mê tín.
Nghỉ tết xong lên đơn vị, công việc học tập, huấn luyện của đơn vị cuốn hút tôi cũng chẳng còn thời gian đâu mà buồn với chán. Cái vụ việc hoả hoạn nghiêm trọng bị đưa ra toà xét xử: Đại đội trưởng bị khai trừ khỏi đảng, tù một năm cho hưởng án treo; đại đội phó chính trị bị cảnh cáo đảng do liên đới trách nhiệm; chiến sĩ công vụ do đun nấu thiếu kiểm tra không dập tắt bếp bị tù 1 năm; chiến sĩ bỏ gác bị tù 1 năm. Thương anh em tôi đã tìm mọi cách xin giảm án đến mức thấp nhất, tôi ân hận vì là người chỉ huy cao nhất của đơn vị cũng có một phần trách nhiệm của tôi trong đó.
Quý 2 năm 1990 là thời gian đơn vị tổ chức diễn tập có bắn đạn thật nên tôi ít được về qua nhà hơn. Đến hết tháng 5 năm 1990, khi đã hai tháng không qua nhà tôi cho chú em trai là lái xe của đơn vị qua nhà xem tình hình bố mẹ tôi, vợ và 3 cháu thế nào ? Hết một tuần lễ chú em lên nói bố mẹ, chị và các cháu vẫn mạnh khoẻ. Nhưng không hiểu sao trong lòng tôi như có lửa đốt. Tôi báo cáo sư đoàn trưởng xin về qua nhà 7 ngày. Và đúng cái ngày tôi về đó cũng là điềm báo có điều chẳng lành đối với em, người bạn đời yêu quý của tôi.
Hôm đó là thứ 5 ngày 19 tháng 6 âm lịch năm 1990, xe đưa tôi ra ga Vĩnh Yên, khoảng 20 giờ về đến nhà. Từ buổi chiều em đã nghỉ không đi làm. Sáng hôm sau tôi đưa em vào bệnh xá của xí nghiệp khám bệnh, người ta nói bị cảm. Chiều tối thứ 6 bỗng nhiên em lên cơn vật vã, nôn, mửa ra máu, tôi vội vã đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Và cũng từ lúc đó em thiếp đi không nói được một lời. Huyết áp hạ, người mê man bất tỉnh, bệnh viện thành phố chuyển em lên bệnh viện tỉnh. Cũng từ đó em xuất huyết trong toàn thân. Đến 13 giờ 45 phút ngày 22 tháng 6 năm 1990 mọi phương tiện cấp cứu đều vô vọng, em đã trút hơi thở cuối cùng. Cùng lúc đó như có điềm báo, bố mẹ anh em cùng bà con hàng xóm vào thăm. Tôi chết lặng, nuốt nước mắt vào trong nói với mọi người ra gọi xích lô đưa em về nhà. Khi đưa em về nhà, lúc dọn nơi để em nằm nghỉ tôi mới phát hiện có 10 viên Aspirin (thuốc cảm) còn gối dưới đầu giường. Thời điểm đó cả thành phố đang có dịch sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết mà uống thuốc cảm vào thì sống sao nổi hả em ? Thời tiết mùa hè nóng nực 39-40 độ, đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng không biết bao nhiêu người ngất vì đau sót thương em. Em đã bỏ tôi và các con để ra đi quá sớm, ở cái tuổi 37 đang đầy sức xuân. Sau này mới biết, từ chiều thứ 5 cậu và chú ra chơi, hỏi chị ốm đã uống thuốc gì chưa. Chú và cậu đ ã đi mua cho chị 20 viên Aspirin. Như vậy chỉ có trong đêm thứ năm và ngày thứ sáu vợ tôi đã uống hết 10 viên. Tôi cố dấu chuyện này không để cho ai biết. Cũng chỉ tại cái thời bao cấp, tiền thưởng nhiều hơn tiền lương, nên công nhân không dám ốm, vì ốm sẽ bị cắt thưởng. Tâm lý vợ tôi muốn uống thuốc cho nhanh khỏi để còn đi làm, chứ có biết đâu rằng uống thuốc như vậy là sẽ dẫn đến cái chết !
Nhớ lại câu nói của bố tôi hôm mồng một tết năm 1990: “Chó chết là hết chuyện !”, tôi lại tự nghĩ có phải một năm vất vả, và đau sót nhất của cuộc đời quân ngũ của tôi. 25 tháng 12 cháy nhà, mồng một tết chó chết, rồi đến người vợ thân yêu của tôi đã mãi mãi ra đi !
Trong chiến tranh, mũi tên hòn đạn của kẻ thù đã cướp đi một phần xương máu của tôi cũng không đau bằng nỗi đau mà tôi mất em !
Đúng là: “Niềm vui chưa tày gang thì nỗi đau đã ập đến ! Cuộc đời người chỉ huy có lúc lên voi, có lúc xuống chó âu cũng là cái lẽ thường tình !” Tôi nhớ mãi lời nói đó của Tư lệnh Quân đoàn xuống thăm và an ủi động viên tôi trong lúc hoạn nạn. Lời động viên an ủi đó tôi mãi mãi ghi sâu trong lòng, nó như động viên tôi cố gắng vượt qua những đau thương và mất mát, nó theo suốt những năm tháng cuộc đời quân ngũ của tôi .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét