Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nhớ lại một thời đã qua ! Phần 4



09:02 19 thg 12 2010Công khai0 Lượt xem74
(Dự lễ kỷ niệm 66 ngày thành lập QĐNĐ VN và 21 năm ngày Quốc phòng toàn dân tại TP Nam Định) 



(Các chiến hữu nhân ngày kỷ niệm)
Sau khi cơ động ra Kỳ Anh nghỉ ngơi sau chiến dịch đường 9 - Nam Lào, đầu tháng 6 năm 1971 tôi nhận quyết định đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Đi học đợt này cả Tiểu đoàn 7 chúng tôi có 3 anh em. Vừa ở chiến trường ra lại được qua nhà nghỉ phép 15 ngày, sau đó lên trường tập trung để học, chúng tôi đứa nào cũng phấn khởi, khẩn trương làm công tác chuẩn bị để tiến quân ra Bắc.  Sau hơn một năm vào chiến trường nay được về quê thăm nhà, anh em chúng tôi mừng lắm. Sau 3 ngày làm công tác chuẩn bị, thanh toán tiền ăn phiếu gạo, lấy giấy cung cấp tài chính, nhận hồ sơ giấy tờ, sáng sớm tinh mơ anh em chúng tôi đã có mặt tại thị trấn Voi thuộc Kỳ Anh để đón xe ra Vinh. 
Hồi đó xe khách không có như bây giờ, chủ yếu là đón xe tải chở hàng vào chiến trường xong quay ra. Chỉ chờ khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ là ba anh en chúng tôi đã có mặt trên thùng của một chiếc zin-130. Quãng đường từ Kỳ Anh ra Vinh có 100 km mà chúng tôi đi mất gần 5 tiếng đồng hồ, chờ lâu nhất là phà Bến Thuỷ, đến 16 giờ cùng ngày chúng tôi đã có mặt ở ga Vinh.
Bây giờ, thay bến phà năm xưa, nay đã là chiếc cầu bê tong hiện đại. Trên cầu Bến Thuỷ ngày đêm có biết bao chuyến xe xuôi ngược ra Bắc vào Nam, có ai biết được chính đôi bờ sông Lam này đã từng có một đơn vị phà Bến Thuỷ trong trường kỳ chiến tranh ác liệt đã dũng cảm, mưu trí đưa hàng vạn chuyến phà qua sông, hàng trăm trận rà phá thuỷ lôi, bom từ trường để thông phà, thông xe, bao mồ hôi, xương máu đã đổ... góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.
Ròng rã hơn 10 năm, từ năm 1964 đến năm 1975, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ phà Bến Thuỷ - đơn vị được phong tặng hai lần Anh hùng đã không quản ngày đêm, vượt qua mưa bom bão đạn để đưa hàng vạn lượt xe hàng và bộ đội vào Nam chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt qua hai cuộc chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ (từ 1964 đến năm 1973) họ vừa vận hành đưa phà qua sông vừa là những chiến binh cảm tử rà phá thuỷ lôi, bom từ trường trên sông Lam để thông phà. Nhiều người đã anh dũng hy sinh và bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ.
          Chuyến tầu 19 giờ đã khởi hành từ thành phố Vinh đưa chúng tôi về Nam Định. Nếu đi xe ô tô gọi là nhanh thì đi bằng tầu hoả lại chậm chưa từng có. Nhìn chiếc đầu tầu hơi nước cũ kỹ có từ thời kỳ chống Pháp, ì ạch, phì phò, mệt nhọc, già cỗi kéo chúng tôi đi suốt 3 ngày đêm mới về đến ga Nam Định. Xuống ga Nam Định anh em chúng tôi vội vã chia tay nhau, mải miết đi bộ mỗi người một ngả ai về nhà nấy. Tôi bước chân về đến nhà thì kim đồng hồ đã chỉ 4 giờ sáng. Nghe tiếng gọi cửa của tôi, cả nhà tỉnh giấc, bà nội, mẹ và các em tôi mừng lắm. Mọi người nói tôi đen xạm, gầy, già và trên đầu có nhiều sợi tóc bạc. Biết tôi chưa ăn cơm, mẹ tôi tranh thủ luộc cho tôi ít mì sợi ăn với Xì dầu. Qua ba ngày ngồi trên tầu đói, tôi ăn rất ngon lành. Tôi có hỏi tình hình của anh cả, mẹ tôi nói từ khi nhập ngũ đi chiến trường B dài luôn, gia đình không nhận được tin tức gì. Mọi người đều xác định có khả năng anh trai tôi đã hy sinh trong chiến dịch Tây Nguyên-1972.
          Mười lăm ngày phép trôi đi quá nhanh, tôi đã vội lên đường trở về trường để nhập học. Đó là những ngày cuối tháng 6 năm 1971, sau một năm hai tháng tôi nhập ngũ. Trường Sĩ quan Lục quân 1 nơi chúng tôi học nằm trên một khu đất rộng, thuộc thôn Triều Đông, xã Cổ Đông, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, theo các anh cán bộ khung kể thì trường được xây dựng từ những năm 59-60 của thế kỷ trước tương đối chính quy so với thời đó, gọi là Công trường 50. Nếu như ở đơn vị chiến đấu, chúng tôi phải tự xây dựng lấy lán trại thì về đây chúng tôi được ở nhà xây cấp 4, ngủ giường 2 tầng, có điện chiếu sang đàng hoàng…thế là oách rồi.
          Khoá học của chúng tôi là khoá 33, chúng tôi thường gọi là khoá con Rùa. Tiểu đoàn chúng tôi là Tiểu đoàn 4, là đơn vị đào tạo khoá học cơ bản đầu tiên với tiêu chuẩn: các học viên có tuổi đời từ 19 đến 23 đã trải qua chiến trường và có thành tích trong chiến đấu, văn hoá hết cấp III (hồi đó là hết lớp 10 phổ thông). Nhìn chung là chúng tôi là những thanh niên còn rất trẻ. Chương trình chúng tôi học là 3 năm, trong đó có 60% là binh chủng hợp thành còn lại 40% là chính trị và các binh chủng khác. Năm thứ nhất từ cá nhân đến cấp tiểu đội, trung đội. Năm thứ hai học hết cấp đại đội, năm thứ 3 học hết cấp tiểu đoàn. 
          Nói về rèn luyện, thời đó Sĩ quan Lục quân 1 là có tiếng, mọi người thường nói là “Trường sĩ quan luộc quân”. Học viên ở đây phải cắt tóc ngắn 3 phân. Thực hiện nghiêm chỉnh 11 chế độ trong ngày, 7 chế độ trong tuần. Những ai mà có bệnh tật, bảo đảm vào đây chỉ  1 năm là phòi ra hết, khoác ba lô về đơn vị luôn. Nhưng cũng chính nhờ có rèn luyện như vậy, nên khi ra trường người sĩ quan mới nhanh chóng làm quen với những vất vả gian khổ trên chiến trường.
          Thời tiết ở Sơn Tây rất khắc nghiệt, chẳng thế mà người ta thường ví: “Nắng Sơn Tây, mây Ba Vì”. Đất ở đây là đất đồi, bên dưới toàn đá ong. Về mùa hè, ban ngày nắng nóng nảy lửa, nhưng ban đêm những đồi đá ong toả nhiệt nóng cũng không kém. Đang sống trong rừng mát mẻ, giờ sống dưới cái nóng như thế này mới thấy mệt. Ban ngày phải huấn luyện dưới trời nóng, đêm về cũng nóng, có những đêm phải dậy 1 đến 2 lần đi tắm. Thậm chí chúng tôi còn mang chiếu và màn ra giếng nhúng nước để mát cho dễ ngủ. Thế mà sáng ra tất cả đã khô cong như mo nang.
Mặc dù nhiệm vụ chính của chúng tôi là huấn luyện, nhưng khi có việc gì đột xuất chúng tôi sẵn sang cơ động giúp đỡ nhân dân địa phương. Tháng 8 năm 1971, đê Khê Thượng và cống Chuốc (Ba Vì) bị vỡ, gây lụt lớn ở một số vùng thuộc địa phận Sơn Tây. Tiểu đoàn chúng tôi tạm dừng huấn luyện, các phân đội học viên tham gia chống lụt ở Ba Vì và Phúc Thọ.
Ở Ba Vì chúng tôi cùng với các đơn vị bạn dãi nắng dầm mưa suốt từ sang đến thâu đêm, dốc mọi sức lực đóng cọc, chuyển đất, kè đá để ngăn dòng nước lũ. Nhiều phân đội trực tiếp làm việc ở những nơi xung yếu, công việc rất nặng nhọc và rất nguy hiểm, có đồng chí đang đóng cọc ở dưới nước, trượt chân bị nước cuốn trôi đi hang trăm mét. Sau 15 ngày đêm lao động quên mình, dòng nước hung dữ đã bị ngăn lại.
Ở Phúc Thọ, do phải xả lũ, một số làng bị ngập trắng. Bất chấp mọi nguy hiểm, cán bộ và học viên lặn lội suốt mấy ngày đêm. lần đến từng gia đình, từng xóm ngõ, kịp thời đưa các cụ già, em nhỏ và tài sản của nhân dân lên đê, vận chuyển hang trăm tấn lương thực của nhân dân đến nơi an toàn…
Thế rồi thời gian thấm thoát cũng trôi đi, cuối năm 1971 tình hình chiến trường miền Nam có nhiều sự thay đổi lớn. Ta tập chung lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, tạo điều kiện thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán tại hội nghị Pa ri, đồng thời địch cũng tích cực chuẩn bị lực lượng không quân đánh phá miền Bắc lần thứ 2. Tháng 12 năm 1971, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Tiểu đoàn 4 chúng tôi nhận lệnh cơ động lực lượng vào Thanh Hoá vừa huấn luyện, vừa sẵn sàng đánh địch khi chúng đổ bộ vào khu vực bờ biển Nga Sơn. Chúng tôi toàn hành quân ban đêm, từ Sơn Tây theo đường 32 về Đan Phượng, thành phố Hà Nội, theo đường số 1 qua Thường Tín, đến Đồng Văn chúng tôi rẽ theo đường đi Chi Lê, Xích Thổ, qua Nho Quan, về đến Thạch Thành chúng tôi rẽ xuống Quốc lộ số 1, vào đóng quân tại các làng: Phúc Điền, Vân Xá, Vân Yên, thuộc xã Hà Vân, Huyện Hà Trung. Tại đây, chúng tôi xây dựng hệ thống công sự trận địa;  tổ chức diễn tập các phương án đánh địch từ thị trấn Nga Sơn về đến Bỉm Sơn và thị trấn Hà Trung. Ban ngày chúng tôi phân tán lực lượng để học tập chính trị và các khoa mục chung tránh máy bay địch đánh phá. Ban đêm chúng tôi bắt đầu luyện tập. Thời gian diễn tập ở đây của chúng tôi đến tháng 4 năm 1972. Cái tết thứ hai tôi xa nhà, nhưng khác với cái tết trước trên đường Trường Sơn, tết này chúng tôi được đón cùng với nhân dân địa phương cũng thật ấm cúng như ở gia đình mình vậy.
          Để chuẩn bị cho chiến dịch tiến công Trị Thiên 1972, đồng thời đề phòng những hành động phiêu lưu của đế quốc Mỹ, ngày 9 tháng 4 năm 1972, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Trường sĩ quan Lục quân 1 tổ chức một sư đoàn dự bị mạnh sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bắc Khu 4. Sư đoàn gồm có 3 tiểu đoàn học viên (3, 4, 9), một thời gian sau Tiểu đoàn 6 thay Tiểu đoàn 9 cùng với một số tiểu đoàn của Trường sĩ quan Hậu cần, Đại học Quân y, Trường sĩ quan Phòng không lấy phiên hiệu là Sư đoàn 312B. Tối hôm 9 tháng 4, đơn vị chúng tôi cơ động ra khu vực đồi Rừng Thông thuộc thị trấn Hà Trung, ở đó đã có ô tô chờ sẵn. Ô tô chở chúng tôi cơ động theo đường từ Hà Trung đi thành Nhà Hồ, theo đường dây 559 qua các địa danh dốc Bò Lăn giáp Thanh Hoá với Nghệ An,  Chuông Bồn, Ngã 3 Đồng Lộc thuộc Hà Tĩnh, vào Quảng Liên Quảng Trạch tiếp tục đi ca nô vào Cự Nẫm, theo đường Đông Trường Sơn vào nông trường Việt Trung, Ba Dền thuộc tỉnh Quảng Bình, vào khu vực Bãi Hà, Vĩnh Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. Trong quá trình hành quân để nghi binh địch, có những đoạn đường chúng tôi phải trở đi trở lại nhiều lần, đội hình đơn vị kéo dài. Hành quân dưới trời mưa liên tục, lại phải vượt qua những trọng điểm bắn phá ác liệt của địch, có đồng chí bị thương vong, nhưng chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt đến vị trí tập kết đúng thời gian quy định, làm lực lượng dự bị của Mặt trận Trị Thiên. Đến ngày 9 tháng 10 năm 1972, chúng tôi đã có mặt trên Cánh Đông của mặt trận Trị Thiên, tổ chức xây dựng trận địa phòng ngự và đẩy lùi các đợt hành quân lấn chiếm của chúng trên hướng Cửa Việt. Hiệp định Pari được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973, nhưng địch vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Ngày 31 tháng 1 năm 1973 đơn vị chúng tôi cùng với đơn vị bạn tham gia trận phản đột kích Cửa Việt, đánh bại âm mưu lấn chiếm của chúng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tháng 4 năm 1973 chúng tôi nhận được lệnh bàn giao lại trận địa cho đơn vị bạn, hành quân ra Bắc trở về trường tiếp tục học tập. Chúng tôi cơ động bằng ô tô liên tục, đến ngày 30 tháng 4 năm 1973 đã có mặt ở trường, kết thúc 1 năm thực tế tại chiến trường. Một chuyến đi thực tế trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường, anh em chúng tôi mọi người đều thấy mình trưởng thành hơn. Tuy nhiên, không có cuộc chiến đấu nào lại không có hy sinh, tổn thất; chúng tôi rất buồn khi hành quân quay lại trường tiếp tục học tập, quân số của đơn vị chúng tôi không còn được nguyên vẹn, một số đồng chí vĩnh viến nằm lại chiến trường; một số bị thương phải rời quân ngũ. Chiến tranh là vậy ! Người lính trong chiến tranh, cũng như trong hoà bình, họ sẵn sang hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ khi Tổ quốc cần. Cũng chính mảnh đất này đã để lại trong tôi biết bao nhiêu những kỷ niệm một thời được sống và chiến đấu với những người con đất thép Quảng Trị anh hùng. Những cái tên Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong.... với tên những dòng sông Bến Hải, Thạch Hãn, Vĩnh Định...đã ghi đậm trong mỗi chúng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm, suốt cuộc đời không bao giờ có thể lãng được. 
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét