Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Trẩy hội đền Trần với “Hào Khí Đông A”

09:36 12 thg 9 2010Công khai0 Lượt xem
Từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày lễ hội đền Trần. Khu du lịch đền Trần bao gồm các đền: đền Trần; tháp Phổ  Minh và đền Bảo Lộc… là cụm di tích văn hoá Trần nổi tiếng tạo lập ngay trên đất dấy nghiệp cũ của nhà Trần, thuộc khu Tức Mặc, Phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định và xã Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định.
Đền Trần bao gồm tổng thể 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ hán 正南門(chính nam môn - cổng chính phía nam) và 陳廟. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiên Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía đông là đền Cố Trạch.
(Cổng đền Trần)
Cả 3 ngôi đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm có các tòa: tiền đường 5 gian, trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu.
Đền Thiên Trường được xây dựng trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được xây bằng gỗ từ năm thứ 15 niên hiệu Chính Hòa (tức năm 1695). Vào các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và phát triển thêm. Đền Thiên Trường hiện tại gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, siêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.
Tiền đường của đền Thiên Trường gồm 5 gian, dài 13 mét. Có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả đều được đặt trên chân tảng bằng đá hình cánh sen có từ thời Trần là chân cột cung Trùng Quang cũ. Tại đây có đặt ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần.
Sau tiền đường là trung đường là nơi thờ 14 vị hoàng đế nhà Trần. Tuy nhiên, không có tượng thờ mà chỉ có bài vị. Trước cửa trung đường có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế.
Sau trung đường là chính tẩm gồm 3 gian. Đây là nơi thờ 4 vị thủy tổ của họ Trần và các phu nhân chính của họ ở gian giữa. Các hoàng phi của nhà Trần cũng được đặt bài vị thờ ở 2 gian trái, phải.
Tòa thiêu hương (hay kinh đàn) là nơi đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn, và ban thờ riêng cho các quan võ.
(Đền Thiên Trường)
(Hàng lư đồng bố trí bên trái trong sân đền Thiên Trường)
(Hàng lư đồng bố trí bên phải trong sân đền Thiên Trường)
Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Nhìn từ sân vào, toạ bên phải đền Thiên Trường. Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894. Theo bia Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi kí, thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm thứ 21 đời Tự Đức (năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi.
Đền Cố Trạch đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.
Thiêu hương (kinh đàn) là nơi đặt long đình trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Bên trái đặt bài vị các quan văn. Bên phải đặt bài vị của các quan võ.
Gian tả vu là nơi đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các bài vị văn thần triều Trần.
Gian hữu vu là nơi đặt bài vị võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.
Tòa trung đường là nơi đặt bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, bài vị của 4 người con trai, của Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân.
Tòa chính tẩm là nơi đặt bài vị của cha và mẹ Trần Hưng Đạo, của Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), của 4 người con trai và 4 người con dâu của Trần Hưng Đạo, của con gái và con rể (Phạm Ngũ Lão).
(Cổng đền Cố Trạch)
(Trước sân đến Cố Trạch, các con nhang đệ tử đang làm lễ)
Đền Trùng Hoa mới được Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Năm 2005 Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định quyết định đúc 14 pho tượng 14 vị hoàng đế nhà Trần bằng đồng đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.
(Cổng đền Trùng Hoa)
(Đền Trùng Hoa)
          Chùa Phổ Minh ở Tức Mặc, phường Lộc Vượng thành phố Nam Định. Ngôi chùa nguyên được xây dựng từ thời Lý, vương triều Trần mở rộng vào năm 1262. Đây là môt ngôi chùa lớn. Trong chùa có nhà Thủy Tạ, có hồ sen, có nhiều cây cổ thụ sum suê. Trước cửa chùa có đỉnh đồng nặng trên 7 tấn. Qua nhiều lần tu sửa đến nay quy mô của chùa đã bị thu hẹp nhiều so với trước. Tuy vậy, kiến trúc đời Trần ở đây còn lại khá nhiều: 96 chân tảng đá chạm hoa sen, nhiều đôi sóc đá, hai đôi rồng chạm đá trước bái đường. Đặc biệt còn có cây tháp được xây dựng trước cửa bái đường vào năm 1305. Đây là loại tháp hình sen có 13 tầng cao 21m. Bệ và tầng một xây bằng các phiến đá xanh trang trí tinh vi, các tầng trên xây bằng gạch, trên cùng là bút tháp bằng đá. Tháp có hình chóp, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5,2m. Các tầng tháp đều có mái cong ở 4 phía. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn trên một tiết diện nhỏ 30 m2 lại ở vùng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững ròng rã suốt 7 thế kỷ qua. Trước đây chùa có khoảng trên 100 pho tượng nay chỉ còn 50 pho, trong đó có nhiều pho mang tính nghệ thuật cao.
(Tháp Phổ Minh)
(Toàn cảnh chùa Phổ Minh)
(Tượng Trần Hưng Đạo trong đền Phổ Minh)
(Rùa cõng bia đá trước sân chùa Phổ Minh)
Đền bảo Lộc nguyên là đền An Lạc, thuộc làng Bảo Lộc, tổng Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc nay là xã Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định. Từ thành phố Nam Định theo đường 38A chừng 5km, gặp dốc Hữu Bị rẽ trái, đi dọc đê Châu Giang khoảng 2km là đến đền Bảo Lộc.
Đền được xây dựng trên đất “thang mộc” của An sinh vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và là anh trai của Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của vương triều Trần. Câu đối ngay phía trước đền còn ghi: “Thử địa vi thánh phụ sở cư, thiên cổ cố truyền thang ấp xứKim thiên kế tiền nhân chi kiếp vạn niên do lại lộc hương an”
(Đất này nơi thánh phụ ở năm xưa ngàn thuở vẫn còn nên thang ấp ấy; Ngày nay nối tiền nhân từng dựng đặt muôn năm nhờ cậy lộc hương đây).
Thời Trần, cùng với việc xuất hiện chế độ Thượng hoàng, năm 1262, hương Tức Mặc đổi thành phủ Thiên Trường và được xây dựng quy mô như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long. Bên cạnh việc xây dựng cung điện, nhà cửa nguy nga tráng lệ cho bậc đế vương, nhà Trần còn phong hàng loạt thái ấp cho các quý tộc, bao quanh như một vành đai bảo vệ Thiên Trường. Ấp An Lạc ngày đó cách trung tâm Thiên Trường 2km (đường chim bay) về phía bắc, được mô tả như sau:
“Điền dư thiên mẫu
Trì dư bách khẩn”
(Ruộng hơn ngàn mẫu, ao hơn trăm chiếc)
Tương truyền, ấp An Lạc là nơi sinh ra và lớn lên của Trần Quốc Tuấn, một con người tài ba, một nhân cách lớn, một thiên tài quân sự đã làm vẻ vang đất nước với ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Tài hoa, đức độ, cuộc đời ông là bản anh hùng ca về tinh thần trung – hiếu – nghĩa – chí – tín. Ông đã từng khảng khái trả lời vua Trần Nhân Tông trong lúc nguy nan: Xin hãy chém đầu thần trước, sau hãy hàng giặc. Đầu thần còn giữ được, xã tắc vẫn bền vững lâu dài, xin bệ hạ đừng lo”Với công lao to lớn trong ba cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tháng 4 năm 1288 ông được ban tước hiệu “Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương”. Khi ông mất, triều đình lại phong là: “Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương”. Suốt một đời phò vua giúp nước, ông dốc sức xây dựng Đại Việt thành quốc gia “Thái bình thịnh trị” với câu nói nổi tiếng Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Chính sách trọng nông, lấy dân làm gốc…không chỉ giúp nhà Trần chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất mà còn giúp vương triều tồn tại và phát triển rực rỡ gần 200 năm. Là đại thần của triều đình, được ví là bậc Thượng phụ nhưng Hưng Đạo đại vương luôn lấy chữ “nhân” để xử thế, vì vậy ông gần gũi với dân và được nhân dân tôn kính. Ông là “Cha”, là “Đức Thánh Trần”, là huyền thoại sống mãi trong tâm thức của lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Nhân dân dựng đền thờ ông ở nhiều nơi trong ấp An Lạc là nơi anh hùng dân tộc đã gắn bó thuở thiếu thời.
Đền Bảo Lộc ban đầu được xây dựng ven sông Châu gồm ba gian gỗ lim lợp ngói mũi hài, sau bờ sông bị sói lở, đền được di chuyển vào vị trí như hiện nay. Một thời gian dài tồn tại với quy mô nhỏ, đầu thế kỷ XX, đền Bảo Lộc được Lã Quý Trấn, một chủ thầu khoán có .
Nhờ những người có uy thế ở Nam Định quyên tiền nâng cấp thành công trình kiên cố, quy mô khá lớn, kích thước cao rộng. Đền được xây theo thiết kế của Đông Phương Bác Cổ, song có sửa chữa lại cho phù hợp với kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Bắt đầu xây dựng từ năm 1928, phải 5 năm sau công trình mới hoàn thành. Đền nằm chính giữa, quay hướng đông, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là phủ thờ Mẫu, phía sau đền là Khải Thánh thờ vương phụ, vương mẫu, phu nhân của ông. Toàn bộ khu di tích được thiết kế đăng đối, hài hòa, không gian thoáng đãng tạo cảm giác thanh thoát lòng người về lễ thánh.
Đền Bảo Lộc (đền chính) có quy mô lớn nhất so với các kiến trúc ở đây. Đền xây theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường 7 gian rộng, trung đường dài 5 gian, hậu cung 3 gian. Kiến trúc của đền đơn giản, các cột xây bằng gạch, nhiều con xà được đổ xi măng cốt thép bền vững, bề thế. Tuy chạm khắc không nhiều, song rải rác ở từng bộ phận vẫn có các đề tài: tứ linh, long cuốn thủy, hoa lá, tùng, cúc, trúc, mai…được bàn tay tài hoa của người thợ thể hiện một cách sống động khiến di tích trở nên hấp dẫn và không bị kết cấu xi măng cốt thép lấn át. Đặc biệt, sáu bộ cánh cửa ở hậu cung với những mảng chạm tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trong đền, ngoài bài vị còn có hai pho tượng thờ Trần Hưng Đạo (một bằng đồng, một bằng gỗ). Pho tượng đồng trong tư thế ngồi nặng 4,8 tấn, đặt ở trung đường. Hai bên có tượng Hưng Vũ Vương Nhiễn và Phạm Ngũ Lão là con trai và con rể của ông. Pho tượng bằng gỗ trầm hương được đặt tại hậu cung, hai bên là tượng thầy dạy văn và thầy dạy võ.
Đền Khải Thánh nằm ở phía sau, kiến trúc tương tự như đền chính nhưng phần nền cao hơn 3m, thờ thân phụ, thân mẫu, phu nhân và hai người con gái của Trần Hưng Đạo. Cách bài trí thờ tự ở đây đã thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, trung hiếu vẹn toàn của Hưng Đạo đại vương. Tinh thần đó là mạch sáng xuyên suốt cuộc đời ông và là bài học đạo lý cho muôn đời con cháu mai sau. Sử gia Ngô Thì Sĩ trong “Việt sử tiêu án” đã trân trọng viết về ông: Tài văn võ đủ làm phép cho muôn nước mà không dám cậy tài năng, Anh hùng nổi tiếng hai nước mà không nhận công nghiệp. Thế lực có thể lật sông núi đuổi sấm sét, mà lúc nào cũng coi uy nhau vua ở trước mặt. Nay xem ra theo nghĩa mà phải không theo lời cha. Biết có nước mà không biết đến nhà, bẻ mũi gậy để đi theo hầu vua, giơ gươm mà kể tội con. Lòng trung thành sáng như mặt trời”. Trong đền còn nhiều câu đối, cuốn thư, đại tự của người xưa để lại ca ngợi võ công văn trị của Hưng Đạo đại vương.
Trong hàng trăm di tích thờ Trần Hưng Đạo trên địa bàn tỉnh Nam Định, đền Bảo Lộc là di tích đặc biệt có ý nghĩa vì mảnh đất này đã gắn với tuổi thơ của ông. Bởi vậy dân gian có câu “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. Hàng năm, vào ngày kỵ của ông (20 tháng 8 âm lịch) khách thập phương lại có dịp về lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo (tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ). Đây là lễ hội lớn thu hút rất đông người tham gia. Ngoài việc tham quan, tìm hiểu ý nghĩa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của di tích, du khách còn được thưởng thức một số trò dân gian đặc sắc như đấu vật, cờ người, múa bài bông…Quan trọng hơn, trong hành trình về nguồn, mỗi người lại cảm thấy được che chở, được khai sáng bởi những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc từ cuộc đời sự nghiệp của Quốc Công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn – vị thánh nhân trong lòng dân.
(Cổng đền Bảo Lộc)
Cửa đền Bảo Lộc (Đền chính)
(Đền Khải Thánh, thờ thân phụ, thân mẫu, phu quân và 2 con gái Trần Hưng Đạo)

(Chùa thờ phật)

(Phủ thờ Mẫu)
Mỗi năm Lễ hội Trần càng thu hút đông đảo du khách thập phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Năm nay, từ đầu tháng 8 du khách từ nhiều tỉnh thành phố trong cả nước đã nô nức đổ về quần thể di tích Đền Trần, Đền Bảo Lộc thuộc TP Nam Định và huyện Mỹ Lộc để trẩy hội. Để Lễ hội diễn ra trang trọng, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, UBND tỉnh Nam Định đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, địa phương liên quan. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền tạo khí thế vui tươi cho nhân dân và khách thập phương về dự Lễ hội, các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm về hoạt động văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp...

(Các ảnh chụp cảnh hồ nước trước đền Trần)






Tư liệu: Wikipedia Tiếng Việt; Di tích văn hoá đền Trần-chùa Tháp tỉnh Nam Định,Trịnh Thị Nga, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 2009; www.Nam Định gov.vn.
Ảnh: C120mm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét