Hè năm 1970 quả là một mùa hè nghiệt ngã. Nắng và gió Lào như muốn thiêu đốt cả một vùng cát trắng ven biển của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những triền cát dài, những đồi cát tựa hồ như ai bác lên bếp mà rang. Nhân dân trong vùng một phần sơ tán ra Bắc, cái trống trải càng tăng thêm cảm giác khô, khát. Đơn vị chúng tôi ở nhờ nhà dân thuộc thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương. Tại sao lại gọi là Pháp Kệ, nó cũng có lịch sử của nó. Theo người dân của làng kể lại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các làng xung quanh đều bị địch càn quét, đánh phá ác liệt, nhưng chỉ riêng cái làng nhỏ bé này chúng không hề đụng tới. Cái tên thôn Pháp Kệ cũng ra đời từ đó. Địa bàn hoạt động của chúng tôi rất rộng, gồm các xã Quảng Thạch, Quảng Phương, Quảng Châu, Quảng Thạch… hàng ngày chúng tôi xây dựng hệ thống công sự, trận địa, làm hầm kèo trên các bãi cát chạy dài theo bờ biển; tổ chức các vọng gác, vọng quan sát, cảnh giới, luyện tập các phương án chiến đấu có thể xảy ra khi địch liều lĩnh đổ bộ bằng đường biển vào. Chúng tôi hầu như là thổ công ở đây; quen cả với hạt gạo, củ khoai, củ sắn của bà con nông dân nơi đây.
Phải nói rằng công tác chuẩn bị cho phương án đánh địch đổ bộ ra nam - bắc sông Gianh được chúng tôi luyện tập khá bài bản và chu tất. Mọi công việc đang diễn ra theo kế hoạch, thì gần Tết nguyên đán Tân Hợi (1971), đơn vị chúng tôi lại nhận được lệnh hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Nhận được mệnh lệnh chiến đấu thay đổi so với kế hoạch, nhưng anh em chúng tôi không lấy gì làm bất ngờ, vì chúng tôi là lính của một sư đoàn chủ lực cơ động của Bộ. Mọi người tích cực làm công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân chiến đấu đường dài. Chúng tôi tiếp nhận quân trang nhẹ để chuẩn bị đi b dài, đổi quân phục Tô Châu lấy quân phục vải phin pha ni lon, võng dù, màn tuyn, tăng vi ni lông. Mỗi tiểu đội chỉ mang một khẩu súng kèm theo 120 viên đạn để bảo vệ trên dọc đường. Riêng các loại vũ khí hoả lực chúng tôi không phải mang theo mà vào chiến trường tiếp nhận.
Trong cuộc đời binh nghiệp hẳn rằng không ai không một lần được ăn tết kiểu Quang Trung vào năm Kỷ Dậu (1789). Với Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 chúng tôi, Tết Tân Hợi (1971) cũng được xem như là Tết Quang Trung. Chấp hành mệnh lệnh của trên, toàn đơn vị tổ chức ăn tết sớm. Mặc dù thời gian này địch tạm ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc, làng Pháp Kệ nơi chúng tôi đóng quân được hưởng không khí thanh bình; nhưng đất nước còn chiến tranh, từng hạt thóc, cân ngô, củ khoai đều được người dân hậu phương chia đôi, xẻ nửa, dành chi viện cho tiền tuyến, nên tổ chức ăn tết ngày ấy cũng chỉ nặng về tinh thần. “Cỗ tết” cũng chỉ “tươi” hơn ngày thường một chút. Tiêu chuẩn ngày thường ăn 6 hào 80 xu, nay tăng lên ngày 8 hào, rồi 1 đồng 02 hào người một ngày.
Biết chúng tôi sắp đi chiến đấu, mặc dù cảnh nhà rất nghèo, nhưng gia đình nơi chúng tôi trú quân cũng cố gắng tổ chức một bữa cơm thanh đạm để chia tay chúng tôi, tình nghĩa quân dân thật đậm đà, sâu lắng.
Đầu tháng 01 năm 1971 chúng tôi bắt đầu hành quân bộ theo đường dây 559 xuống xã Quảng Liên để cơ động bằng ca nô theo dòng sông Gianh vào Cự Nẫm. Gọi là ca nô, nhưng thực chất đơn vị chúng tôi đi bằng xà lan có tầu kéo. Mỗi một đoàn xà lan như vậy gồm có 12 chiếc, mỗi chiếc chở được khoảng 1 Trung đội. Tiểu đoàn 7 chúng tôi cơ động bằng 3 đoàn xà lan. Sau một đêm cơ động bằng đường thuỷ, gần sáng chúng tôi đến xã Văn Hoá thuộc huyện Tuyên Hoá, một xã nhỏ nằm ven bờ sông Gianh. Gọi là xã Văn Hoá, bởi vì ở đây người dân có truyền thống hiếu học và có nếp sống văn hoá rất tốt. Phần lớn các cháu ở đây học hết cấp III, có nhiều con em đỗ đại học và thành đạt trong xã hội, xã có rất nhiều người làm nghề giáo. Đặc biệt, cuộc sống sinh hoạt cộng đồng ở đây rất có văn hoá. Chúng tôi tạm dừng chân ở đây 5 ngày, được sống với bà con ở đây chúng tôi cảm thấy ấm cúng như ở gia đình mình vậy. Biết có bộ đội đến đóng quân trong xã, bà con tạo điều kiện bố trí cho chúng tôi chỗ ăn ở sinh hoạt rất thuận lợi. Về phía đơn vị, chúng tôi tiến hành làm tốt công tác dân vận, như tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch sẽ; củng cố hệ thống công trình vệ sinh, nhà tắm; hàng ngày gánh nước, giúp việc các gia đình, cắt tóc cho các cháu. Cuộc sống của nhân dân rất khó khăn, bữa cơm chủ yếu là khoai và sắn khô; Đến bữa chúng tôi chủ động lấy cơm về ăn cùng với gia đình cho vui; Tình cảm giữa bộ đội với nhân dân thật là vui vẻ. Tôi vẫn còn nhớ, xã Văn Hoá nằm bên bờ sông Gianh, ở đây trồng rất nhiều cây ăn quả. Có thể nói là đi ra khỏi nhà là cụng đầu vào cam và bưởi. Mỗi bữa gia đình lại bứt cam, bứt bưởi mời chúng tôi. Thấm thoát rồi thời gian cũng trôi đi rất nhanh, sau 5 ngày dừng chân đơn vị chúng tôi lại nhận lệnh hành quân tiếp. Thời gian ra đi bao giờ cũng bất ngờ đến bản thân chúng tôi cũng không thể biết trước được, chính vì thế giữa gia đình với chúng tôi không thể tổ chức chia tay. Buổi tối hôm đó sau khi ăn cơm xong, đơn vị chúng tôi tổ chức báo động hành quân di chuyển. Như những buổi khác, sau khi báo động hành quân khoảng 2 -3 km chúng tôi lại quay về vị trí các gia đình để nghỉ, nhưng lần này chúng tôi đi thật, không quay trở lại. Chúng tôi hành quân khoảng 1 tiếng đồng hồ theo dọc bờ sông Gianh đến một vị trí hai bên bờ sông là đồi núi xen kẽ các bãi đất, ở đó các đoàn xà lan đã chờ sẵn, đơn vị tổ chức sắp xếp đội hình và đêm ấy chúng tôi cơ động vào Cự Nẫm. Ngồi dưới ca nô, nghe tiếng sóng nước vỗ nhẹ, tiếng máy nổ êm êm, chúng tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đến khoảng 5 giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi đã đặt chân lên mảnh đất xã Cự Nẫm thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình.
Cự Nẫm luôn là nỗi ám ảnh của ai mỗi khi vào Nam hay ra Bắc phải qua đây, một nơi bị bom Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt. Đó còn là nơi dừng chân của hầu hết những đoàn quân khỏe mạnh từ miền Bắc vào và thương bệnh binh từ chiến trường miền Nam ra.
Suốt từ năm 1966 đến đầu năm 1975, hầu như ngày nào cũng có những đoàn quân đi qua vùng đất này. Cứ chiều chạng vạng, theo đường 15 và tỉnh lộ 2, quân từ Hà Tĩnh, Tuyên Hóa, Minh Hòa đổ về vùng Cự Nẫm. Việc đầu tiên là Binh trạm giao liên đóng ở đây chia quân để bộ đội ở tạm trong các nhà dân. Hôm nào quân đông quá, nhà dân không đủ chỗ thì đóng trong những khu rừng ven làng. Tờ mờ sáng hôm sau, cả vùng đã rì rào. Bộ đội tập trung, nhận đơn vị cùng quân tư trang và bắt đầu hành quân, thực sự đi vào chiến trường... Suốt 9 năm trời, ngày nào, đêm nào cũng vậy. Và rồi cái vùng đất này được nhiều người ví von là “làng qua đêm” hay “làng một đêm” của Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ.
Bộ đội từ Bắc vào sau khi tập kết ở đây được chia thành 2 ngả để vào chiến trường. Một hướng đi theo đường 15 và đường mòn Hồ Chí Minh phía đông dãy Trường Sơn; hướng thứ hai đi ngược theo đường 20 Quyết Thắng qua Lào, sau đó hành quân theo đường mòn phía tây dãy Trường Sơn.
Suốt từ năm 1966 đến đầu năm 1975, hầu như ngày nào cũng có những đoàn quân đi qua vùng đất này. Cứ chiều chạng vạng, theo đường 15 và tỉnh lộ 2, quân từ Hà Tĩnh, Tuyên Hóa, Minh Hòa đổ về vùng Cự Nẫm. Việc đầu tiên là Binh trạm giao liên đóng ở đây chia quân để bộ đội ở tạm trong các nhà dân. Hôm nào quân đông quá, nhà dân không đủ chỗ thì đóng trong những khu rừng ven làng. Tờ mờ sáng hôm sau, cả vùng đã rì rào. Bộ đội tập trung, nhận đơn vị cùng quân tư trang và bắt đầu hành quân, thực sự đi vào chiến trường... Suốt 9 năm trời, ngày nào, đêm nào cũng vậy. Và rồi cái vùng đất này được nhiều người ví von là “làng qua đêm” hay “làng một đêm” của Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ.
Bộ đội từ Bắc vào sau khi tập kết ở đây được chia thành 2 ngả để vào chiến trường. Một hướng đi theo đường 15 và đường mòn Hồ Chí Minh phía đông dãy Trường Sơn; hướng thứ hai đi ngược theo đường 20 Quyết Thắng qua Lào, sau đó hành quân theo đường mòn phía tây dãy Trường Sơn.
Ngã ba Cự Nẫm ngày đó là một vị trí chiến lược trọng điểm mà bom Mỹ tập trung đánh phá. Nó là giao điểm của đường 15, tỉnh lộ 2 và đường từ phà sông Gianh vượt qua núi Ba Trại lên. Vừa là tuyến vận tải cơ giới vừa là điểm tập trung chuyển quân, vì thế nên Mỹ tập trung đánh phá rất ác liệt. Bom trên trời ném xuống, Pháo hạm từ biển bắn vào. Không có chỗ nào lại không có hố bom, hố đạn. Không chỉ những đoàn bộ đội vào Nam mới ghé lại đây.
(Ngã ba Cự Nẫm)
Tất cả thương bệnh binh từ chiến trường, trước khi chuyển ra miền Bắc cũng đều dừng chân trên vùng đất này. Mặc dù có một trạm xá quân đội ở thôn Khương Sơn, nhưng phần lớn thương bệnh binh khi tới đây đều được người dân chăm sóc hết sức tận tình.
Chiến tranh đã đi xa. Về Cự Nẫm bây giờ khó mà nhận ra dấu vết của một thời đạn bom ác liệt. Ngày đó, cái vùng đất rộng chưa đến 3.500 ha này có tới 315 người dân thường bị chết và không ngôi nhà nào là không từng bị cháy, sập... vì bom đạn Mỹ. Giờ đây, những đồi thông đã mọc xanh trên vùng đất bị cày nát vì bom. Vết thương chiến tranh đã liền da, nhưng ký ức về những ngày tháng khó khăn ác liệt ở vùng đất này vẫn không hề phai nhòa trong tâm khảm của phần lớn người dân ở đây. Ngày đó, bộ đội đến là dân nhường nhà. Có cái gì ăn ngon là dân mời. Mà cũng chẳng có gì nhiều cả. Toàn rau cỏ cả thôi. Đêm bom Mỹ đánh thì lại nhường hầm. Từ Cự Nẫm chúng tôi hành quân theo đường tây Trường Sơn sang Lào. Cứ như vậy, ngày đi, đêm nghỉ tại các Binh trạm trong rừng. Chúng tôi cơ động 5 ngày thì được nghỉ 1 ngày để tắm giặt và nhận lương thực thực phẩm bổ sung. Đón cái tên âm lịch trên đường Trường Sơn, tiêu chuẩn của chúng tôi mỗi đứa được 5 điếu thuốc lá Điện Biên đầu lọc và 3 lạng kẹo Hải Châu, 1/2 gói thuốc lào Vĩnh Bảo. Anh em ngồi quây quần bên nhau, mở đài nghe chúc tết đêm giao thừa. Không hiểu tại sao cái lúc đó đứa nào cũng mềm lòng, ngồi nghĩ về gia đình, quê hương, bạn bè và nhớ nhà đến thế.
Ngày 31 tháng 1 năm 1971, khi chúng tôi hành quân đến Binh Trạm 13 thuộc tỉnh Khăm Muộn thì đơn vị lại nhận được lệnh cơ động về khu vực La Tương-Bản Đông chuẩn bị đánh địch cơ động theo đường số 9 nhằm đánh phá cơ sở kho tang vật chất hậu cần kỹ thuật của ta, cắt đứt đường tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Đang cơ động trên đường dây 559, giờ đây chuyển sang hoạt động ở vùng địa hình mới mẻ, chưa quen thuộc nên đơn vị chúng tôi phải nhờ giao liên dẫn đường, mặt khác có chỗ phải tự trinh sát tìm đường mà đi. Đến ngày 6 tháng 2 đơn vị đã đến vị trí tập kết theo quy định làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Chúng tôi tập trung xây dựng “Kiềng” (nơi Hậu cứ, để ba lô, quân tư trang và nghỉ ngơi sau mỗi trận chiến đấu trở về). Mỗi tổ 3 người xây dựng một hầm kèo, có hệ thống giao thông hào và các hố chiến đấu. Trong quá trình đào phải đảm bảo bí mật, ngụy trang kín đáo chống máy bay trinh sát và thám báo của địch không phát hiện được.
Ngày 8 tháng 2, khi chúng tôi đang triển khai thế trận đánh địch thì quân Nguỵ Sài Gòn được không quân và pháo binh yểm trợ tổ chức cuộc hành quân mang tên "Lam Sơn-719" vượt qua biên giới Việt – Lào, tiến theo đường số 9, phối hợp với lực lượng đổ bộ đường không bằng máy bay lên thẳng đánh chiếm Bản Đông. Chúng sử dụng lữ đoàn dù 3 đổ bộ đường không đánh chiếm các điểm cao 456, 655 và đồi Không tên dọc 2 bên bắc và nam đường số 9 với hy vọng khống chế hoàn toàn đường 16A, ngăn chặn lực lượng ta từ phía Bắc, theo con đường này phát triển xuống Bản Đông.
Tác chiến trong đội hình chung của toàn chiến dịch, Trung đoàn 64 khẩn trương bước vào chiến đấu. Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 cùng các phân đội hoả lực triển khai đánh địch ở căn cứ 31. Tiểu đoàn 7 chúng tôi có nhiệm vụ chốt chặn địch trên đường 16A, cách Bản Đông khoảng 6 km về phía bắc, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 tiến công tiêu diệt quân địch.
Chúng tôi phải tổ chức đào công sự, hệ thống giao thông hào, hầm kèo tạo nên một trận địa chốt vô cùng vững chắc. Tổ chức đánh lui các đợt tiến công của địch, kiên quyết ngăn chặn không cho địch cơ động ứng cứu cho quân địch trên cao điểm 456, đồi không tên, và căn cứ 31.
Từ ngày 10 tháng 2 đến ngày 25 tháng 2 Tiểu đoàn 8 và Tiểu đoàn 9 lần lượt tiêu diệt quân địch trên các điểm cao không tên, căn cứ 31 và điểm cao 500. Mất điểm cao 500 và căn cứ 31 địch ở khu vực Bản Đông bị uy hiếp mạnh. Đến ngày 13 tháng 3 năm 1971, trước thất bại nặng nề địch bắt đầu rút chạy, chúng tôi lại chuyển sang truy kích địch. Chứng kiến cảnh xe cộ và binh lính địch nháo nhào trút bỏ vũ khí trang bị tháo chạy, đặc biệt là cảnh binh lính địch bu bám máy bay trực thăng, tìm lối thoát thân mới thấy sự thảm bại của cuộc hành binh “Lam sơn 719”. Ngày 23 tháng 3, chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào kết thúc.
Chiến dịch kết thúc, cũng là lúc từng trận gió Lào đầu mùa quất ràn rạt trên vùng núi đồi bắc Quảng Trị. Dư âm của một trận chiến đấu khốc liệt, những cơn gió lào như lửa táp…Tất cả tạo nên một mùa hè khét cháy ở nơi đây. Như thường lệ, sau những chiến dịch, sau một mùa khô chiến đấu liên tục, các đơn vị “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” lại lùi về gậu phương. Trung tuần tháng 5 năm 1971, trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn Tiểu đoàn 7 chúng tôi cơ động ra Kỳ Anh Hà Tĩnh. Tại đây Tiểu đoàn vừa củng cố tổ chức lực lượng, vừa tiến hành tổng kết nhiệm vụ chiến đấu trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào.
Về phần mình, qua mỗi trận đánh, tôi cảm thấy mình trưởng thành lên nhiều. Thực tế chiến trường khốc liệt là trường học lớn. Mỗi khó khăn thử thách mà ta vượt qua được, có giá trị hơn nhiều lần những điều ở sách vở. Dĩ nhiên có những bài học kinh nghiệm quý giá có tính lý luận kinh điển cũng đã được đúc kết bằng công sức, máu xương của biết bao cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường.
Được tham gia chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào là một điều vinh dự của thế hệ tuổi trẻ chúng tôi thời bấy giờ. Đường 9-Nam Lào lại gắn bó với tôi như máu thịt của một thời trai trẻ. Tất cả đã trở thành kỷ niệm sâu đậm, khó có thể phai mờ.
Hơn 30 năm kể từ ngày ta đại thắng trong chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào, tôi đã nhiều lần trở lại vùng đất này. Mỗi lần về lại chiến trường xưa là thêm một lần biết bao cảm xúc mới, cũ đan cài. Rạo rực, tin yêu bởi đất và người nơi đây đang hồi sinh, thay da đổi thịt từng ngày; lại nghĩ lại những ngày tháng trèo đèo, lội suối, băng rừng vào xây dựng trận địa, và thật ngại ngùng đau đớn khi đưa đồng đội bị thương về tuyến sau; rồi ngậm ngùi khi nghĩ về những đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi sườn đồi, bìa rừng khuất nẻo. Chính tại mảnh đất nơi đây, người anh cả, người tiểu đội trưởng của tôi Lê Văn Lạc quê Xuân Bầu-Hoà Tiến- Việt Yên Hà Bắc (nay là Bắc Giang); các anh Nguyễn Thọ Quyết, Chu Triệu Yên quê Dục Tú-Đông Anh Hà Nội cùng tiểu đội đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất này. Máu xương đồng đội tôi tôi đã hoà vào đất đai, cỏ cây; để đất nước có được cuộc sống thanh bình hôm nay.
Với chiến dịch phản công mùa xuân năm ấy, đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” và “Lào hoá chiến tranh”; đồng thời tuyến đường Trường Sơn không những không bị chặt đứt, mà ngày càng phát triển, thành một mạng lưới giao thông như “trận đồ bát quái”, hoàn thành sứ mệnh lịch sử cầu nối chiến lược giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, đường Trường Sơn đã được đầu tư nâng cấp thành sa lộ Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hoá, từ miền tây Quảng Bình, vượt cầu Đăk Rông vào A Lưới, Thạch Mỹ…đường như dải lụa mềm vắt qua bao nhiêu triền núi, đi giữa đại ngàn Trường Sơn…cảm giác xúc động bồi hồi dâng ngập hồn tôi.
(Đường Trường Sơn năm xưa)
(Đường Hồ Chí Minh ngày nay)
(Cầu treo Đak Rông trên đường Hồ Chí Minh)
Một chuyến hành hương về chiến trường xưa với bao suy nghĩ, cảm xúc về quá khứ, hiện tại và tương lai đan xen. Chúng ta có thể khảng định rằng:
Lịch sử không chỉ là quá khứ. Lịch sử đúng là dòng chảy vĩnh hằng, liên tục nối quá khứ với hiện tại và tương lai !
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét