Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Một thời đã qua, phần thứ 10: “Rổ rá cạp lại !”

Gia đình, họ hàng, anh em, bà con lối xóm lo mồ yên mả đẹp cho em xong, mọi công việc trở lại bình thường, nhưng trong lòng tôi như đứt từng khúc ruột. Mất mát đối với tôi là quá lớn, như có ai đó đã chém mất cánh tay phải của tôi, nhưng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ đang còn thơ dại. Từ nay trở đi chúng sẽ bơ vơ như đàn gà con mất mẹ, còn tôi chưa biết phải xử lý thế nào ?
Hết 15 ngày phép tôi lại quay trở về đơn vị. Trước khi đi tôi đã thưa với bố mẹ, các cô dì, chú bác họ hàng hai bên nhờ giúp đỡ dạy bảo các cháu. Cháu gái thứ hai mới 8 tuổi, học lớp 2 đưa vào gửi ông bà ngoại. Ông bà nội ban ngày sang nhà tôi ăn uống sinh hoạt, tối ông về coi nhà, còn bà nghỉ lại với cháu trai đầu 11 tuổi học lớp 5, cháu út mới có 5 tuổi. Tôi đã có ý định về nghỉ hưu, nhưng cấp trên và anh em khuyên nên ổn định gia đình tiếp tục công tác. Khoảng thời gian từ 1 đến 2 tháng tôi lại về qua nhà một lần cung cấp tiền để nuôi các cháu ăn học. Cứ đến mùa gặt, bố mẹ tôi lại mua thóc dự trữ, hết gạo đến đâu xay dần đến đó để nuôi các cháu, vườn nhà rộng ông bà trồng rau, quả kết hợp nuôi gà, thả cá. Cuộc sống của ông bà và các cháu không lấy gì làm sung túc lắm nhưng cũng tạm ổn. Thời gian trôi đi, hàng ngày bận công việc chỉ huy đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hết giờ lại nhớ đến các con. Cái cảnh gà trống thăm con cũng quen dần đối với cuộc sống của tôi.
Thấm thoát năm 1990 rồi cũng qua đi, cái tết đầu tiên bố con tôi đón giao thừa vắng bóng em. Khi các con đã ngủ cả, ngồi một mình ngắm bàn thờ nghi ngút khói hương, lòng tôi buồn và thương em vô hạn. Anh em trong đơn vị, cô gì chú bác, họ hàng, bà con làng xóm biết bố con tôi buồn, nên đã động viên cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng tất cả những thứ đó đâu có bù đắp nổi nỗi buồn, nỗi đau thương mất mát của bố con tôi. Người ta thường nói: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp !”. Có khi bố con tôi nấu cơm một bữa ăn suốt cả ngày.
Bước sang năm 1991, mọi nỗi buồn rồi cũng nguôi ngoai dần đi; nhân lúc con cái đi chơi hết, bố mẹ khuyên tôi: “Cái gì đã mất thì mất rồi con ạ, không thể lấy lại được đâu, con hãy nghĩ đến những người còn đang sống; nghĩ đến các con của con. Con thì đi biền biệt suốt, bố mẹ thì già rồi không thể nuôi dạy, chăm sóc, theo dõi, quản lý chúng nó được, nhỡ chúng nó hư hỏng thì khổ con ạ. Thôi thì đứt đòn gánh thì táp lại, rổ rá có tuột thì cạp lại con ạ ! Để hết giỗ đầu nó con tìm người xây dựng để mà lo liệu gia đình. Bây giờ xã hội thiếu gì người tốt !”
Tôi thực sự bối rối trước những lời tâm sự của bố mẹ, vì tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. Hết tết nguyên đán tôi thưa với bố mẹ để suy nghĩ thêm và trở về đơn vị công tác.
Lên đơn vị, cấp trên, anh em bạn bè khuyên nhủ tôi nên xây dựng gia đình,nhưng tâm trí tôi còn đâu mà nghĩ tới điều đó. Có anh bạn thân nhận gả em gái cho; cấp trên khuyên nên lấy cô A, chị B cùng đơn vị, nghe đến sốt cả ruột……Nghe những đòn “chiến tranh tâm lý” suốt ngày lâu lâu cũng thấy nó cũng lọt vào tai.
Tôi nghe mọi người phân tích cảm thấy cũng có lý, và đi đến quyết định tìm hiểu người em gái của anh bạn tôi cùng đơn vị. Năm đó em 32 tuổi, công tác tại cơ quan địa chính thị xã Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu xây dựng được với em tôi sẽ mua nhà và chuyển con cái lên đó ở cho tiện công tác. Mùa hè năm 1991, sau ngày giỗ đầu của em, tôi đón cháu gái lên đơn vị chơi, bận phải đi diễn tập 15 ngày, tôi đưa cháu ra nhà anh chị bạn của tôi gửi ở đó có ý định để cô cháu làm quen với nhau. Hết thời gian diễn tập quay trở về đón con, tôi có hỏi cháu: Cô có quý con không ? Cháu trả lời cô ấy có sang 1 lần, sau có thấy cô ấy đâu mà ! Nghe con nói vậy, tôi hiểu mọi việc không như ý nghĩ của mình. Tôi đã đoán trước không bao giờ em dám lao vào lửa, chỉ nể vợ chồng anh bạn của tôi thôi. 
Tôi xin phép gia đình anh bạn đón cháu về đơn vị, anh chị tâm sự với tôi gia đình cũng muốn vun đắp cho cô ấy, nhưng rất tiếc cô ấy có vẻ thờ ơ. Tôi tâm sự với chị: không sao đâu, vì cô ấy còn đang là gái tân, vướng vào ông có 3 con có mà điên à ? Nếu chị là cô ấy liệu chị có dám không ? Tôi tin chắc rằng chị cũng còn phải cân nhắc chán. Và nếu chị có dám, thì mọi người họ sẽ bảo chị là thần kinh có vấn đề. Chị nhìn tôi cười với một nụ cười thương cảm cho bố con tôi. Thế rồi mùa hè 1991 cũng trôi qua, tôi đưa cháu về ông bà ngoại cho kịp khai giảng năm học mới.
Nhiều câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi: Ai người ta dám hy sinh lấy một lão già tuổi với 3 đứa con thơ dại ? Lấy vợ về liệu con mình có sướng hơn không, mình có được an tâm công tác không, hay lại thêm những rắc rối ?...vân vân và vân vân.
Khác với lần lấy vợ đầu tiên, lần thứ 2 “Rổ rá cạp lại” rất khó. Tiêu chuẩn kén vợ phải kĩ hơn, xác định là lấy mẹ cho các cháu trước sau mới đến là người vợ của mình. Người đời thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng !”.  Phá đi những lời nói, những việc làm, những lời dị nghị đó quả không phải là một điều dễ.
Mùa đông năm 1991 đến rất nhanh với tôi. Tháng 11, sau khi tổng kết công tác năm của đơn vị xong tôi tranh thủ qua nhà 10 ngày. Mùa đông năm ấy có những sự kiện tác động đột biến, làm thay đổi lớn đến cuộc đời tôi. Tôi lấy vợ, chúng tôi cạp lại cái rổ, cái rá không may đã bị đứt nuộc lạt.
Tôi và em đến với nhau như có sự sắp đặt của thượng đế. Nhà em cùng xóm nhỏ với tôi, nhưng không phải là dân bản địa. Quê em ở Nhân Hưng, Lý Nhân, Hà Nam, vùng quê nghèo, nhưng thấm đượm tình làng xóm, tình người. Trong những năm 60 của thế kỷ 20 do cuộc sống xô đẩy, gia đình em phải siêu bạt khắp nơi, khi ở Thái Bình, lúc ở Hưng Yên. Cũng chính cái miền quê Hưng Yên đó, năm 1967 do cuộc sống vất vả, bươn trải, mẹ em không may mắc bệnh hiểm nghèo, qua đời để lại cho bố em 4 người con, em là út khi đó mới có 4 tuổi, hơn em gái tôi 1 tuổi. Cái cảnh nghèo đói, gà trống ở vậy nuôi con, bố con gồng gánh đưa nhau về Nam Định mưu sinh, và cũng từ đấy em là hàng xóm của tôi. Tuy là hàng xóm với nhau nhưng chúng tôi đâu có thân thiết, vì tôi phải xa nhà suốt đâu có thời gian mà để ý đến nhau.
Hôm đó là buổi chiều trung tuần tháng 11, vừa về đến nhà thì gặp chị con ông bác nói em thường xuyên hỏi thăm tình hình gia đình và các con của tôi. Chị tâm sự với tôi: Con bé nó cũng ngoan, nết na, là giáo viên, có học hành tử tế, thôi em lấy nó cũng được đấy !. Tôi cười, và trả lời: Chị nói thế chứ đứa nào nó lấy em, em rất ngại bằng này tuổi đời rồi còn đi cưa với tán, biết đâu nó nói đùa thì em không còn chỗ nào mà chui xuống đất !.  Vì tôi đã bị một quả từ chối ở trên đơn vị rồi, nên ngại lắm. Tôi nhờ chị chuyển lời hỏi thăm đến em và hẹn đúng 20 giờ tối mời em vào nhà chị chơi để tôi có câu chuyện muốn nói. Nói là nói vậy thôi, chứ làm gì có chuyện ngược đời: “trâu đi tìm cọc chứ bao giờ có chuyện cọc đi tìm trâu bao giờ ?”, tôi nói để mà nói thôi chứ không tin là chuyện đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, đã hẹn với chị rồi, nên đến giờ buộc lòng tôi phải có mặt để tỏ lòng thiện chí của mình.
          Đúng 20 giờ, tôi đã  có mặt tại nhà chị họ, cũng đúng giờ đó em vào theo lời hẹn của tôi. Chúng tôi tâm sự cùng nhau những hoàn cảnh của mình. Cuộc đời của em chẳng khác gì tôi, cũng gặp nhiều cay đắng, đau thương và mất mát. Năm 1986, khi em vừa tròn 23 tuổi bắt đầu ra trường làm cô giáo thì cũng là lúc em bước chân về nhà chồng. Ngày đầu tiên khi bước chân về nhà chồng cũng là ngày mà em phải chịu bao điều cay đắng, ác nghiệt của bố mẹ chồng đổ lên đầu em. Chỉ một lý do rất vu vơ bắt em phải bỏ nghề giáo vì lương thấp không đủ tiền nuôi con, nhưng em không chịu. Bố mẹ chồng đầy ải em suốt từ năm 1986 đến năm 1990, mọi sự cố gắng hoà giải đều vô nghĩa. Một bên là bố mẹ chồng cay nghiệt, cộng với ông chồng nhu nhược, một bên là em không bỏ nghề giáo viên để về đi buôn được, thế là em buộc phải ra toà để ký vào đơn ly hôn do ông bố chồng ngồi đọc cho con trai viết. Em ra toà ly dị và ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, đến đứa con đứt ruột đẻ ra họ cũng bắt, không cho nuôi. Nhà chồng cũng chẳng ở đâu xa lạ, người cùng dãy phố với nhau. Hai chúng tôi gặp nhau không nói được nhiều, chỉ nhìn nhau mà tuôn hai dòng lệ. Thương cho hoàn cảnh éo le của nhau. Và chúng tôi quyết định xây dựng với nhau nên vợ nên chồng. 

(Ảnh em năm 1991)    

Chúng tôi đến với nhau chưa có tình yêu mà chỉ là sự đồng cảnh, đồng cảm, thương cho hoàn cảnh của nhau mà thôi. Cuộc “Cạp lại rổ rá” của chúng tôi được đa số anh em bạn bè, họ hàng, làng xóm ủng hộ rất tích cực, tuy nhiên cũng không ít người can ngăn em, lo lắng cho sự phiêu lưu của em.
          Tôi đưa em vào gặp gỡ các con, nói cho các con hiểu và thông cảm cho chúng tôi. Thắp hương xin phép người vợ quá cố của tôi và thề trước linh hồn em dù có khó khăn, gian khổ đến mấy chúng tôi cũng quyết tâm nuôi dạy các con nên người. Mọi công việc đả thông tư tưởng cho bố mẹ ba bên, cho các cô dì chú bác đều được chúng tôi làm rất chu đáo. Chỉ có 15 ngày phép toàn bộ công tác tìm hiểu, chuẩn bị cưới vợ coi như đã xong, chỉ còn mỗi một việc là báo cáo tổ chức. Hết 15 ngày phép tôi trở lên đơn vị báo cáo xin nghỉ phép cưới vợ. Mọi người cứ ngớ người ra, không hiểu thực hư ra sao và rất lo ngại cho tôi. Ngày 16 tháng 12 âm lịch năm 1991 đám cưới của chúng tôi được long trọng tổ chức. Khác với mọi đám cưới khác, đám cưới của chúng tôi không có hoa, không loa đài, không chụp ảnh, nhưng thủ trưởng cấp trên, anh em trong đơn vị, các thầy cô giáo của nhà trường nơi vợ tôi công tác, bạn bè của hai đứa chúng tôi cùng bà con họ hàng làng xóm tới dự rất đông vui. 
(C120mm cùng với em, mùa xuân năm 1991)
Đứt gánh giữa đường thì chúng ta táp lại đòn gánh để gánh tiếp !
Rổ rá có bung ra thì chúng ta cạp lại cho chắc chắn hơn !
Trong cuộc sống cũng vậy, hãy gắng vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, đau thương và mất mát để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn ! 
Từ đây cuộc sống của gia đình tôi đã chuyển sang một trang mới. Chúng tôi biết sẽ gian khổ, khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Có vượt qua được những thử thách đó không chỉ có thực tế thời gian sẽ trả lời điều đó !  

5 nhận xét:

  1. Bài này hồi đó em đọc đầu tiên...hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi !
      Chúc em mạnh khỏe, vui vẻ nhiều !

      Xóa
  2. chúc hai bạn ngày càng yêu nhau hơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Thanh Nhã đã ghé thăm !
      Chúc bạn mạnh khỏe, vui vẻ, đón Xuân mới với nhiều niềm vui nhé !

      Xóa
  3. Cưới vợ mà không có hoa không loa đài không có đám cưới linh đình là thua ông bạn tôi rồi. Bạn tôi được 2 thằng con thì tự dưng lại đi nấp sau nải chuối xanh để lại 3 bố con nuôi nhau. Ông bạn tôi cũng đi tìm hiểu một số đám với mẫu người hiền lành tử tế nhưng thằng lớn nó không chịu . Nó chê văn hóa thấp, chậm mồm chậm miệng. Nó nói bố đi nhớ bảo con đi cùng con duyệt được là bố OK. Thế rối nó ưng một cô quản lý nhà hàng làm thạo nói thông và nó mang về cả lớp đại học của nó để đi hỏi vợ cho bố. Ngày cưới chúng tôi đến nó mang về 1/2 lớp để đi đón dâu cho bố , được cái 2 đứa trẻ rất quý mẹ kế.

    Trả lờiXóa