Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nhớ lại một thời đã qua ! Phần 5



Ngày 27 tháng 01 năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực vào 7 giờ ngày 28 tháng 3 năm 1973. Nội dung hiệp định đã đáp ứng được 4 yêu cầu cơ bản của ta:


- Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.


- Mỹ phải rút hết quân Mỹ và chư hầu, bãi bỏ hết các căn cứ quân sự, cam kết không dính lứu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước Việt nam, để cho nhân dân miền Nam Việt Nam quyết định lấy tương lại chính trị của mình.


- Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải công nhận Chính phủ lâm thời Cộng hoà Nam Việt Nam là một bên của hai bên Nam Việt Nam, trên thực tế Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.


- Mỹ phải bồi thường chiến tranh.


Ngày 2 tháng 3 năm 1973, 12 đoàn đại biểu của các chính phủ Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Việt Nam cộng hoà (ngụy Sài Gòn), 4 nước trong uỷ ban kiểm soát và giám sát việc thi hành hiệp định Paris về Việt Nam (Hung ga ri, Ba Lan, In đô nê xia, Ca na đa) đã họp hội nghị quốc tế về Việt Nam, thông qua định ước ghi nhận và bảo đảm Hiệp định và các nghị định thư về Việt Nam.


Ngày 29 tháng 3 năm 1973, Bộ chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Đơn vị cuối cùng của quân đội Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam, chấm dứt sự có mặt của quân đội ngoại xâm trên đất nước ta sau 115 năm.


Đây là một bước ngoặt về chiến lược hết sức quan trọng dẫn đến bất lợi cho địch về so sánh tương quan lực lượng. Sự thay đổi cả về thế và lực đó đã dẫn tới sự thay đổi cục diện chiến trường, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” về quân sự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.


Xuất phát từ thực tế yêu cầu có nguồn cán bộ cơ bản và lâu dài, phục vụ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc sau này, sau hơn mộtnăm đi thực tế chiến trường Quảng Trị, chúng tôi lại quay về mái trường thân yêu để tiếp tục học tập, giữa lúc ta chuẩn bị cho lễ duyệt binh chào mừng thắng lợi sau khi ký kết hiệp định Pari về Việt Nam và kỷ niệm ngày quốc tế lao động 1-5.


Khi quay trở lại trường, thì các đơn vị tham gia duyệt binh đã ở kín doanh trại, nên đơn vị chúng tôi phải tạm đóng quân ngoài nhà dân thuộc các thôn Trại Láng, Triều Đông thuộc xã Cổ Đông, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây. Tại đây chúng tôi được cấp trên cho về nghỉ phép sau khi lễ duyệt binh xong thì quay lên trường.


Những ngày cuối tháng 4 năm 1973 tiết trời rất nóng bức, anh em chúng tôi hành quân từ trường ra phố Gạch để bắt xe về Hà Nội. Hồi đó không có xe ôm như bây giờ, chủ yếu đi bộ là chính, nếu ai nhờ được gia đình có xe đạp chở đi là hạnh phúc lắm rồi. Nhìn cái cảnh người lính khoác chiếc ba lô đi bộ từ bến xe Kim Mã qua cửa Nam về ga Hà Nội lúc bấy giờ cảm thấy rất bình thường. Nhóm anh em quê Nam Định chúng tôi lúc đó có 5 người thay nhau xếp hàng mua vé. Chúng tôi là bộ đội có giấy phép nên mua vé rất nhanh (Vì có cửa ưu tiên). Cuối cùng bằng chuyến tầu chợ với giá vé giảm 50% (lúc đó là 5 hào rưỡi) sau 1 ngày, năm anh em chúng tôi cũng có mặt tại ga Nam Định. Đi tầu lúc đó rất vất vả, thôi thì thượng vàng hạ cám đều cho lên tầu hết. Người ngồi chung với hàng hoá, lợn, gà, gánh gồng,…chỗ nào trống mà ngồi được là hạnh phúc lắm rồi, làm gì có số toa, số ghế như bây giờ.


Sau hơn một năm xa nhà, khi quay về nhà mọi cảnh vật xung quanh làng tôi đã có nhiều sự thay đổi. Con đường nhựa trơ trọi, những cánh đồng loang lổ hố bom, hằn lên những vết tích của những trận đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ năm 1972. Và làng tôi chỉ toàn thấy phụ nữ, bà già và trẻ em, vì các thanh niên trai tráng đã lên đường ra mặt trận hết. Anh trai tôi vào Nam chiến đấu cũng đã được 4 năm trời, gia đình không nhận được tin tức…Bà nội và mẹ tôi luôn nhắc đến anh “không hiểu nó còn hay mất ?”


Hồi đó ở quê mà có ai đi bộ đội trong chiến trường ra là cả làng hỏi thăm, nhà tôi không lúc nào hết khách, nhất là các bạn nữ thanh niên trong làng. Sau một số ngày đi chơi thăm hỏi người thân họ hàng, tôi bố trí ít ngày ở nhà giúp mẹ củng cố nhà cửa, trồng vườn, sửa ao. Thời gian thấm thoát trôi đi, tôi trở lại trường tiếp tục học tập cho đến hết tháng 12 năm 1974 khoá học kết thúc, tôi được điều về nhận công tác làm trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 34 Sư đoàn 320B Quân đoàn 1. Đơn vị chúng tôi đóng quân tại xã Thăng Long huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hoá, có nhiệm vụ đi tuyển quân tại huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên để bổ sung cho các đơn vị chiến đấu thuộc sư đoàn. Sau hơn một tháng khoá huấn luyện tân binh kết thúc, anh em được bổ sung về đơn vị làm nhiệm vụ đắp đê sông Đáy Ninh Bình. Tôi lại được điều sang Tiểu đoàn 36 lấy tân binh thuộc tỉnh Thanh Hoá bổ sung quân số cho đơn vị chuẩn bị làm nhiệm vụ sẵn sang chiến đấu. Khi vừa kết thúc khoá huấn luyện tân binh, bổ sung cho các đơn vị thì cũng là lúc Quân đoàn nhận nhiệm vụ cơ động vào nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Ngày 16 tháng 3 năm 1975 trong lúc đơn vị đang đắp đê sông Đáy tại Ninh Bình thì nhận được lệnh hành quân. Chúng tôi tạm dừng lao động để làm công tác chuẩn bị. Được tin bộ đội hành quân đi nhận nhiệm vụ mới, nhân dân địa phương khu vực đơn vị lao động ủng hộ lợn, gà, rau tươi….Những ngày gian khổ đắp đê sông Đáy sẽ còn in đậm trong tâm trí nhân dân huyện Yên Khánh.


Sáng ngày 19 tháng 3, đơn vị chúng tôi hành quân ra ga Cầu Yên lên tầu, đến ngày 26 tháng 3 chúng tôi đã có mặt ở khu vực Tân Lý, nam Quảng Bình và Vĩnh Linh, sẵn sàng tham gia chiến đấu trên hướng Huế - Đà Nẵng. Do tình hình phát triển chiến đấu của các đơn vị bạn thuận lợi, ngày 4 tháng 4 năm 1975 chúng tôi lại cơ động về khu vực Đông Hà cơ động theo tuyến đường Tây Trường Sơn, qua Lào vào Tây Nguyên.


Về mùa khô, đường Tây Trường Sơn đỏ ngầu bụi đất, xe và người nối đuôi nhau từ các ngả đổ về. Rừng Trường Sơn vào thời điểm này sôi động suốt ngày đêm bởi âm thanh của các loại xe. Khác với các lần hành quân trước, giờ đây xe qua các trọng điểm giữa ban ngày, không phải ngày nghỉ đêm đi. Đường vào chiến dịch đang là mùa khô, trời nắng như đổ lửa, cỏ cây khô sém. Đất ở mặt đường bị nghiền nát thành bột, xe chạy ngập cả bánh xe, xe sau cách xe trước 10m mà không nhìn thấy nhau, bụi phủ kín hai bên đường, bám đầy quần áo, đầu tóc, ba lô, vũ khí của người lính.


Bên cạnh cái nóng và bụi là khát nước, chúng tôi thèm nước hơn cả cơm. Đi trên đường Tây Trường sơn vào mùa khô có khi cả ngày không tìm được giọt nước. Những đoạn ngầm, những con suối trước kia nước chảy ầm ầm suốt ngày đêm, bây giờ khô cạn, không phải sự thay đổi của thiên nhiên, cái chính là do chất độc hoá học, bom đạn Mỹ đã tàn phá các khu rừng đầu nguồn, làm mất cân bằng hệ sinh thái.


Chúng tôi được lệnh hành quân cả ngày đêm, không kể cung trạm. Chỉ dừng lại nấu cơm khi gặp chỗ có nước. Gần 10 ngày hành quân qua các địa hình hiểm trở, đến ngày 10 tháng 4 chúng tôi đã tới Buôn Ma Thuột, nơi vừa diễn ra trận tiến công chiến lược mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta. Đồn bốt địch bị san phẳng còn ngổn ngang các loại xe pháo, súng đạn, dây thép gai.


Ngày 12 tháng 4 năm 1975, sau 12 ngày đêm hành quân thần tốc, vượt qua chặng đường dài khoảng 1.700km đơn vị chúng tôi đã có mặt tại Đồng Xoài tỉnh Bình Phước, từ đây theo đường chim bay chỉ còn cách địch khoảng 50km. Chúng tôi lại đi bộ khoảng 100 km đường rừng từ Đồng Xoài vào khu vực Bến Bầu, nam sông Bé. Ngày 28 tháng 4, đơn vị tiến công thị trấn Tân Uyên. Sáng 30 tháng 4, Trung đoàn 27 của tôi tiến công tiêu diệt quân địch tại thị trấn Lái Thiêu, trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, Bộ Tư lệnh các binh chủng và lục quân công xưởng của địch ở Gò Vấp. Trung đoàn 48 thọc sâu vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy, đến 11 giờ 30 cùng với Trung đoàn 28 của Quân đoàn 3 làm chủ hoàn toàn BTTM ngụy.


Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, sau lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 15 tháng 5 năm 1975, đơn vị chúng tôi rời nội thành về đóng quân thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 1975 chúng tôi lại nhận được lệnh theo trục đường số 1, hành quân ra Bắc. Đến trung tuần tháng 7, các đơn vị đã về vị trí quy định thuộc các huyện: Như Xuân, Tĩnh Gia và Nông Cống thuộc tỉnh Thanh Hoá.


Tháng 8 năm 1975 tôi nhận quyết định về công tác tại đại đội 11 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 27 đóng quân tại khu vực Bãi Gạo xã Mậu Lâm thuộc huyện Như Xuân (Nay là huyện Như Thanh). Đơn vị đang bắt tay vào xây dựng, củng cố doanh trại. Những căn nhà của đơn vị lúc ra đi chiến đấu còn nguyên vẹn, sau hai tháng trở về đã bị đổ nát, anh em lại lên rừng khai thác tre nứa, cắt tranh làm nhà, đồng thời tranh thủ tăng gia sản xuất, trồng lúa, rau, màu để cải thiện đời sống. Đại đội của tôi bộ đội chủ yếu quê ở Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội và Hải Hưng. Sau khi chiến đấu ra, những biểu hiện công thần, vô kỷ luật, đào ngũ, vi phạm kỷ luật dân vận đã xuất hiện, chủ yếu là chiến sĩ nhập ngũ tháng 2.1975.


Khi đất nước hoà bình, chúng ta lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn cung cấp lương thực thực phẩm của địa phương có thời điểm chỉ đạt 70% kế hoạch. Bộ đội thường xuyên phải ăn mì hạt (bo bo), bột mì, sắn khô, sắn gạc nai, nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Năm 1976, dịch bệnh xảy ra nhiều. Đơn vị tiến hành tăng gia tự túc một phần lương thực và thực phẩm. Tính đầu người toàn đơn vị, mỗi người phải bảo đảm một năm 20 kg chất bột, 5 kg thịt, đậu, lạc, vừng; 120 kg rau xanh. Cấp trên tạo ra các khu vực tăng gia tập trung để bảo đảm chất bột, các đơn vị luân phiên lao động. Còn riêng khoản thịt và rau xanh phải tiến hành tăng gia, chăn nuôi quanh bếp, quanh nhà. Cấp đại đội có chuồng lợn, nuôi từ 8 đến 10 con, mỗi một chiến sĩ nuôi 2 con gà, mỗi tiểu đội có một vườn rau xanh. Cứ đến giờ thể thao, tăng gia cuối ngày là các tiểu đội cử một tổ ở lại tăng gia, chăm sóc rau xanh. Đời sống bộ đội đã được cải thiện một phần.


Cuối tháng 11 năm 1976, xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ, các đơn vị phải thay đổi vị trí đóng quân, trừ Quân đoàn bộ và Sư đoàn 308. Đơn vị tôi phải dỡ nhà, vận chuyển toàn bộ cơ sở vật chất ra vị trí mới cách nơi đóng quân cũ khoảng 80 km. Tới vị trí mới, đơn vị lại tiến hành xây dựng doanh trại mới. Đầu năm 1977, tôi chính thức nhận nhiệm vụ mới lên ban tác chiến Trung đoàn, từ đây cuộc sống của tôi bắt đầu có những bước ngoặt mới.






(còn nữa ! )


2 nhận xét:

  1. Đọc phần 5 nhớ lại một thời của Thọ, cơ bản là đúng, chỉ sai sót một ít cần phải đinh chính: ngày 26.4 đánh Tân Uyên; rạng sáng ngày 29.4 đánh lái thiêu; rút quân ra lái thiêu ngày 17 vì ngày 15.5 đơn vị đang duyệt binh ở Dinh độc lập

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cảm ơn anh !
      Tư liệu của em lấy đơn vị là Sư đoàn, còn trong mỗi đơn vị trưc thuộc thì thoqì gian có khác nhau anh ạ !
      Chúc anh và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc và may mắn nhân dịp xuân mới anh nhé !

      Xóa